CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Tạo tính năng động kích hoạt tăng trưởng

Tháng 3-2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm qua 4-6 ở Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nhận định việc triển khai nghị quyết quan trọng này khá chậm chạp.

Tháng 3-2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm qua 4-6 ở Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nhận định việc triển khai nghị quyết quan trọng này khá chậm chạp.

Áp đặt mục tiêu

Mục tiêu mà Nghị quyết 19 đặt ra, trong giai đoạn 2014-2015 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch. Phấn đấu đến hết năm 2015, Việt Nam đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei).

Cụ thể, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp (DN) xuống còn tối đa 6 ngày; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của DN; cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian DN phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho DN, phấn đấu thời gian xuất khẩu và nhập khẩu bằng mức trung bình các nước ASEAN-6 (14 và 13 ngày)...

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 19, phải có kỷ luật cải cách. Cụ thể là thống nhất quan điểm khi DN đã cung cấp thông tin cho 1 cơ quan quản lý thì không có nghĩa vụ phải cung cấp lại thông tin đó cho cơ quan khác. Chẳng hạn khi đăng ký thông tin với cơ quan thuế rồi không phải đăng ký lại thông tin đó cho cơ quan bảo hiểm. Cần 1 đầu mối quản lý DN và cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý.

Ông Phan Đức Hiếu,
Phó Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM

TS. Nguyễn Đình Cung cho biết lâu nay khi bàn chính sách kinh tế, Chính phủ và các chuyên gia đều cho rằng tổng cầu đang yếu và giải pháp đưa ra là tăng chi ngân sách và tín dụng: “Theo tôi cầu yếu và tăng trưởng thấp do khu vực DN yếu và đình trệ, vấn đề nằm ở cung, không phải cầu.

Chính sách thời gian qua cũng đã có thay đổi theo hướng cải thiện cung nhiều hơn và Nghị quyết 19 là một trong những nhóm giải pháp lớn để giải quyết vấn đề này”. Tuy nhiên, theo ông Cung hiện nay chỉ khoảng 1/3 địa phương có kế hoạch hành động theo Nghị quyết 19. Việc triển khai ở các bộ, ngành liên quan chưa được như mong muốn.

Phân tích sâu thêm về Nghị quyết 19, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết nghị quyết này được xây dựng dựa trên đánh giá về môi trường kinh doanh từ bên ngoài, từ các tổ chức quốc tế. Cụ thể là những đánh giá từ bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo mục tiêu đề ra, sau 2 năm 2014-2015 chúng ta đạt mức trung bình của ASEAN 6, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Về thành lập DN, nếu Luật DN (sửa đổi) được thông qua như dự thảo hiện nay (bỏ được 4/9 thủ tục khởi sự DN), chỉ tiêu này có thể tăng 50 bậc (từ 170 lên 120). “Điều quan trọng các giải pháp thực hiện được áp đặt mục tiêu theo phía cầu, từ đòi hỏi thực tế của nền kinh tế để cải thiện môi trường kinh doanh, không phải từ cơ quan Chính phủ.

Trong trường hợp này sẽ không bàn đến khó khăn của cơ quan nhà nước, mà buộc phải xử lý giải quyết. Bên cạnh đó, các hiệp hội DN cũng có vai trò lớn trong việc thu thập thông tin, giám sát, đánh giá. Các bộ sẽ bị “soi”, nếu bộ nào chưa đạt yêu cầu sẽ phải giải trình” - ông Cung nói.

Kéo giảm thời gian nộp thuế

Trong các nhiệm vụ Nghị quyết 19 đề ra, việc giảm thời gian nộp thuế của DN xuống còn 171 giờ/năm là khó nhất. Bởi theo đánh giá của WB, thời gian DN ở Việt Nam phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế lên đến... 872 giờ, đứng thứ 149/189 nền kinh tế trong bảng xếp hạng. Nghĩa là trong 2 năm tới phải giảm thời gian nộp thuế của DN xuống bằng 1/5 so với hiện nay.

Ông Bùi Thái Quang, đại diện dự án cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam của USAID, cho biết số lần khai/nộp thuế trong năm của DN tại Việt Nam là 32 lần, thời gian 872 giờ (khoảng 100 ngày làm việc). Trong khi đó, mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 25 lần và 208 giờ, nghĩa là ta đang gấp 4 lần mức trung bình của thế giới. Về thời gian nộp thuế, các khoản đóng an sinh xã hội người sử dụng lao động phải nộp chiếm 335 giờ; thuế VAT chiếm 320 giờ; thuế thu nhập DN chiếm 217 giờ…

Trong khi đó ở Thái Lan, với các khoản đóng an sinh xã hội người sử dụng lao động phải nộp chỉ mất 160 giờ, thuế VAT mất 156 giờ.

Nghị quyết 19 là phản ứng tích cực của Việt Nam trước việc mức độ cạnh tranh đang tăng lên trên môi trường kinh doanh toàn cầu. Thực hiện hiệu quả nghị quyết này giúp tăng cường hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẵn sàng giúp Việt Nam triển khai tốt Nghị quyết 19.

Ông Joakim Parker
Trưởng đại diện USAID tại Việt Nam

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Ban cải cách và hiện đại hóa Tổng Cục thuế, cho rằng thời gian khiến DN ở Việt Nam phải tiêu tốn chủ yếu là chuẩn bị cho kê khai các tờ khai thuế. Từ năm 2008 đến nay, ngành thuế đã có nhiều cải cách như xây dựng phần mềm kê khai thuế, hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục thuế. Đến nay, trên 90% DN đã sử dụng phần mềm này.

Bắt đầu từ năm 2013 đã triển khai nộp thuế điện tử - con đường nhanh nhất giúp DN tiết kiệm thời gian. “Thực tế đánh giá môi trường kinh doanh của WB bao giờ cũng trễ 1-2 năm. Hiện nay thuế VAT ở Việt Nam đã giảm tần suất kê khai từ 12 lần xuống 4 lần, nhưng cải cách này phải đến 2015-2016 mới được đánh giá” - bà Lan Anh phân trần.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng dù ngành thuế có cải cách mạnh hơn, giảm số lần kê khai và thời gian nộp thuế vẫn chưa cải thiện được nhiều, bởi theo đánh giá của WB thời gian nộp thuế còn liên quan đến nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội. “Nếu ngành thuế giảm thời gian, nhưng bảo hiểm xã hội không giảm vẫn sẽ rất cao. Thủ tục hành chính cần được cải thiện đồng bộ” - bà Lan Anh nói.

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đề nghị: “Với mục tiêu giảm thời gian nộp thuế, phải đưa ra lộ trình cụ thể, tách ra xem trách nhiệm ở đâu, giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, nếu ai làm chậm phải chịu trách nhiệm”.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung thừa nhận để cải cách môi trường kinh doanh thực sự, một cơ quan không thể làm được, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có trách nhiệm; phải cải cách từ nâng cao chất lượng chính sách tới thực hiện, đạo đức công vụ, nguồn nhân lực.

Cải cách mạnh mẽ, đồng bộ

Bên cạnh thuế, việc đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan cũng là mục tiêu quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh. Theo Nghị quyết 19, thời gian hoàn thành thủ tục thông quan xuất khẩu và nhập khẩu phải giảm được 7 ngày so với hiện nay.

TS. Nguyễn Đình Cung phân tích: “Việt Nam hiện có kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 270 tỷ USD, nếu giảm thời gian làm thủ tục cho DN sẽ giảm được chi phí rất lớn, lợi nhuận và giá trị gia tăng sẽ tăng lên. Đồng thời, vốn sử dụng cũng được quay vòng nhanh hơn, tạo ra sự năng động cho nền kinh tế”.

Theo ông Cung, nếu làm được điều này thì đó sẽ là bước chuyển rất mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, bởi chi phí càng thấp môi trường kinh doanh càng được coi là thuận lợi.

Trong khi đó, ông Bùi Thái Quang cho biết về thủ tục hải quan, Việt Nam được xếp thứ 65/189 nước trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB: “Xếp hạng đó không phải quá tồi như thuế nhưng độ mở thương mại của Việt Nam rất lớn nên nếu giảm được thời gian làm thủ tục hải quan sẽ góp phần tăng GDP”.

Hiện ở Việt Nam, để xuất khẩu giấy tờ cần thiết để hoàn thành thủ tục ở mức giống như các nước khác, có khoảng 4-5 loại; thời gian hoàn thành thủ tục là 21 ngày. Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, để đo thời gian thủ tục hải quan chỉ có 1/3 thời gian nằm trong hải quan, 2/3 ở ngoài.

“Nhiều khi thông quan chỉ mất 5 phút, nhưng chủ hàng không đến nhận được vì giờ đó bị… cấm đường. Bởi vậy, cải cách thời gian cần làm đồng bộ, không chỉ riêng ngành hải quan” - ông Bình nói.

Thời gian DN Việt Nam tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế lên đến... 872 giờ, đứng thứ 149/189 nền kinh tế trong bảng xếp hạng của WB. Ảnh: CAO THĂNG

Thời gian DN Việt Nam tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế lên đến...
872 giờ, đứng thứ 149/189 nền kinh tế trong bảng xếp hạng của WB. Ảnh: CAO THĂNG

Đại diện cho các DN bàn về thủ tục hải quan, ông Trần Phan Thành, Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, đánh giá dù đã có nhiều cải thiện nhưng thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan vẫn cần cải cách mạnh hơn trong thời gian tới.

Cụ thể cần xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn công khai, minh bạch (tránh tình trạng “lưu hành nội bộ”); xây dựng kênh tham vấn, giải đáp thắc mắc cho DN nhanh hơn, có giá trị pháp lý cao hơn. Nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng để triển khai thủ tục hải quan điện tử được nhanh chóng.

Theo ông Bùi Thái Quang, để cải thiện môi trường kinh doanh cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, sự hợp tác của cộng đồng DN, giống như “2 chân” của cải cách. Khi làm cả 2 bên cần phải cầu thị, cơ quan chính phủ cần tạo điều kiện cho DN, phía DN cũng phải hiểu cho yêu cầu quản lý của cơ quan chính phủ. Trong “2 chân” này “chân nhà nước phải chủ động bước trước”.

Các tin khác