Với mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá mạnh của cả nước, các tỉnh miền Trung đã xác định hướng đi của mình mà điểm nhấn là đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ; trong đó phát triển nhanh số lượng tàu cá công suất lớn để vươn khơi. Tuy nhiên, kèm theo đó phải đầu tư ngành dịch vụ hậu cần nghề cá một cách tương xứng và toàn diện.
Những kiến nghị
![]() |
Khi tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết chủ tàu cá ở miền Trung đều có chung một nguyện vọng. Đó là rất mong Nhà nước hỗ trợ, thành lập quỹ cho ngư dân vay vốn để sử dụng làm chi phí trong mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá. Nguồn vốn này có thể 5-10 tỷ đồng cho mỗi địa phương và giao cho ban quản lý các cảng cá hay hội nghề cá quản lý.
Bởi trong thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân như đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn; hỗ trợ xăng dầu… Nhưng đó chỉ là sự hỗ trợ phần ngọn, muốn giải quyết tận gốc rễ của vấn đề nhằm khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển cần phải có những chính sách chăm lo hậu cần cho ngư dân.
Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, cho rằng ngư dân khai thác trên nhiều con tàu đủ chủng loại, kích cỡ khác nhau nên không thể đổ đồng bán cho các nhà máy mà phải qua đầu nậu để phân loại. Do vậy Nhà nước phải có cơ chế riêng để có các dịch vụ cung cấp vốn, hậu cần cho ngư dân hoặc ngư dân phải hình thành các hợp tác xã để có thể vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, tại các cảng cá phải có kho đông lạnh, có tổ chức đứng ra thu mua, phân loại sau đó đem đấu giá.
Cần sớm xây dựng trung tâm thủy sản quốc gia. Tại trung tâm này sẽ đầu tư xây dựng cảng cá, có nơi neo đậu tàu thuyền, cơ sở hậu cần nghề cá tốt, có nhà máy chế biến. Bên cạnh đó là trung tâm thương mại, nơi giao dịch các hợp đồng mua bán thủy sản và trung tâm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ ngân hàng… Có thể bước đầu xây dựng trung tâm thủy sản khu vực, sau đó nâng tầm lên thành trung tâm quốc gia. TS. Trần Du Lịch, |
Còn ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế, đưa ra kiến nghị Nhà nước cần sớm có chủ trương trong việc hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp để họ đầu tư về hạ tầng, hình thành nên các cơ sở thu mua, chế biến ngay tại các cảng cá.
Bên cạnh đó có quy chế ràng buộc những doanh nghiệp này thu mua hải sản của ngư dân đúng với giá thị trường. Từ đó hình thành mối liên hệ trực tiếp giữa ngư dân và doanh nghiệp thu mua chế biến, bỏ qua khâu trung gian các tư thương đầu nậu.
“Việc hỗ trợ ngư dân không phải cho họ một cục tiền, quan trọng phải có cơ chế riêng, theo đó họ được vay vốn ngân hàng, được cung ứng các dịch vụ hậu cần, các dịch vụ bao tiêu sản phẩm một cách bài bản. Đặc biệt ngư dân phải được trang bị những kỹ thuật, các mô hình khai thác hiệu quả, như vậy họ mới có thể bám biển, sống được với nghề. Chúng ta cứ nói mỗi ngư dân là cột mốc chủ quyền trên biển nên phải làm cột mốc ấy vững chắc hơn bằng những hành động cụ thể” - ông Lĩnh chia sẻ.
Quy hoạch 6 trung tâm dịch vụ hậu cần
Ngày 7-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, có chính sách tập trung ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để đóng mới tàu vỏ sắt, tàu vỏ gỗ công suất lớn cho ngư dân.
Đây là tín hiệu vui cho ngư dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, nhiều ngư dân cũng như các ngành chức năng không khỏi băn khoăn, lo lắng. Bởi với số tàu thuyền đang có của các địa phương, việc đảm bảo nơi neo đậu đã khó khăn, liệu khi số lượng tàu thuyền đánh cá tăng thêm, tình trạng quá tải sẽ đến mức nào.
Chính vì vậy, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh họp bàn về Nghị định 67, tổ chức tại Đà Nẵng hồi trung tuần tháng 6, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề xuất nên tập trung đầu tư nạo vét, khơi thông luồng lạch; mở rộng, nâng cấp những khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá. Việc này phải làm trước, tạo cơ sở an toàn để ngư dân mạnh dạn vay vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn.
Ngoài việc hỗ trợ ngư dân vốn vay đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, một việc quan trọng hơn là xây dựng các dự án để nâng cấp mở rộng các bến cá, tạo cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Tỉnh đã gửi các đề án, dự án cho Bộ NN-PTNT và các cơ quan có liên quan ở Trung ương để tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng hạ tầng nghề cá, đặc biệt công nghiệp phụ trợ của dịch vụ hậu cần. Ông Lê Hữu Lộc, |
Một thực tế diễn ra lâu nay là các địa phương ở miền Trung luôn ý thức được việc làm cấp thiết này, nhưng do kinh phí không có nên thực trạng vẫn tiếp diễn và kéo dài nhiều năm. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, ngư dân cũng như chính quyền các địa phương miền Trung đang rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo sự an tâm cho ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn, yên tâm hơn trong mỗi chuyến vươn khơi.
Tại buổi làm việc với Hội Nghề cá và đại diện ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vào cuối tháng 6, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp các cảng cá nhỏ lẻ, bị hư hỏng nhằm đáp ứng nhu cầu của các tàu lớn ra vào neo đậu, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết trong nỗ lực hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đầu tư 6 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với ngư trường trọng điểm ở nhiều vùng miền trong cả nước.
Hiện bộ đang hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, chọn các nhà tư vấn giàu kinh nghiệm thiết kế chi tiết các trung tâm hậu cần nghề cá hội đủ điều kiện quy mô cảng cá loại 1, có khả năng phát triển cảng cá quốc tế đáp ứng nhu cầu xuất nhập thủy sản. Trung tâm này phải đảm bảo chế biến thủy sản với công nghệ hiện đại gắn kết với các khu công nghiệp, khu chế xuất, đào tạo kỹ thuật cho ngư dân...