Tàu Antesco vượt sóng

Có dịp trao đổi với anh Huỳnh Quang Đấu (ảnh), Tổng giám đốc CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco), một thương hiệu lớn tin cậy trong lĩnh vực chế biến rau quả thực phẩm, chinh phục được những thị trường khó tính, mới phát hiện: Ít ai biết anh đã bươn chải, trải nghiệm nhiều thử thách mới trở thành một doanh nhân bản lĩnh.

Có dịp trao đổi với anh Huỳnh Quang Đấu (ảnh), Tổng giám đốc CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco), một thương hiệu lớn tin cậy trong lĩnh vực chế biến rau quả thực phẩm, chinh phục được những thị trường khó tính, mới phát hiện: Ít ai biết anh đã bươn chải, trải nghiệm nhiều thử thách mới trở thành một doanh nhân bản lĩnh.

Bản lĩnh

 

Anh Huỳnh Quang Đấu tâm sự: “Tôi vẫn không bao giờ quên hình ảnh mình thuở bé, côi cút sống trong một ngôi chùa nhỏ trong vùng oanh kích tự do, một chú tiểu nhỏ nhắn cứ phải tất tả chạy qua chạy lại giữa chùa và hang đá tránh bom đạn, bữa cơm tương chao cũng không có, chỉ muối ớt, rau rừng.

Ngày đất nước giải phóng, tôi mới 15 tuổi, miệt mài học bổ túc văn hóa để có hành trang vào đời, rồi rời chùa với bao ước mơ, khát vọng. Do vậy khi vào làm tại Công ty Vật tư nông nghiệp, dù cuộc sống khó khăn, nhiều người bỏ việc ra ngoài kiếm sống, tôi vẫn gắn bó với công ty. Việc gì công ty cần, tôi đều sẵn sàng đảm đương.

Để có thêm thu nhập, tôi học thêm nghề may, tranh thủ học tại chức và tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp. Làm tròn trách nhiệm, tích cực phấn đấu, chứng tỏ năng lực và bản lĩnh, tôi được bổ nhiệm phó giám đốc, rồi giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp. Vị trí mới là nơi thử thách bản lĩnh của tôi thời trai trẻ”.

Ghế giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp thời ấy bị xem là “ghế nóng”, vì vốn liếng của công ty đang âm; trưởng phòng kế hoạch đã bỏ trốn rồi bị tù, số hàng hóa tồn kho không bán được. Để vượt thoát tình cảnh ngặt nghèo này, anh kiên trì đi gõ cửa các ngân hàng xin vay vốn, nhưng với một công ty đang làm ăn không hiệu quả, không ngân hàng nào chịu mở. Anh nhận ra để thuyết phục ngân hàng, bản thân công ty phải lột xác.

Thế là anh vạch ra kế hoạch, chuyển hướng kinh doanh chi tiết cụ thể, thực hiện từng hợp đồng nhỏ, rồi mới dần dần tìm hợp đồng lớn hơn. Cuối cùng sự kiên nhẫn, nỗ lực đó cũng được ngân hàng nhận ra, công ty vay được vốn để hoạt động.

Lúc bấy giờ hoạt động của công ty chỉ hạn chế trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, bán các mặt hàng phân bón, máy móc, lúc nào đó sẽ đến ngưỡng, bão hòa. Trong khi khu vực ĐBSCL rất phong phú các sản phẩm nông nghiệp, từ rau củ đến trái cây các loại, nên anh bàn với các cộng sự tìm hướng khai thác.

Thế là công ty mở thêm nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu và trở thành hoạt động sản xuất kinh doanh chủ đạo. Antesco ra đời từ đó, máy móc thiết bị được nhập từ Đài Loan. Sự chuyển hướng kinh doanh đã mang lại hiệu quả: các sản phẩm dứa, bắp non, đậu nành, rau quả đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Antesco tạo dựng được thương hiệu, giành chỗ đứng trên thương trường, chinh phục được sự tín nhiệm của khách hàng.

Vượt sóng

Thành công chưa bao lâu sóng gió lại nổi lên, công ty rơi vào khó khăn. Anh Đấu kể: “Để hỗ trợ nông dân, tỉnh An Giang đã chỉ đạo 6 công ty trong tỉnh dự trữ phân bón để bán cho các tập đoàn sản xuất. Không ngờ phân bón lên giá rồi lại đột ngột rớt giá thảm hại, gây nên tình trạng lỗ dây chuyền. Các công ty rơi vào cảnh sống dở chết dở, phải giải thể, có người phải ngồi tù.

Công ty cũng không tránh khỏi cảnh khốn đốn vì dự trữ 10.000 tấn phân bón lỗ hơn 10 tỷ đồng. Tôi đã nhiều lần ứa nước mắt, định xin từ chức, nhiều người khuyên giải thể công ty. Nhưng nghĩ mình là giám đốc, phải đứng mũi chịu sào. Làm sao có vốn để kinh doanh trong khi mình vẫn còn nợ ngân hàng? Không chỉ mất vốn, công ty còn gặp khó về nguồn nguyên liệu; sản phẩm của công ty bị các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan cạnh tranh...

Và rồi tôi đã quyết liệt lựa chọn giải pháp tự lực cánh sinh, tự thân vận động”. Giải pháp được Antesco đưa ra là thương thảo gia hạn nợ với ngân hàng, với lời hứa làm ra đồng lãi nào mang trả nợ, bù khoản lỗ 10 tỷ đồng. Vừa làm vừa trả nợ mất 5 năm.

Một vùng bắp nguyên liệu của Antesco. Ảnh: MINH LONG 

Một vùng bắp nguyên liệu của Antesco. Ảnh: MINH LONG 

Trong câu chuyện về mình, anh không hề quên với những người cùng sát cánh bên nhau, đó là nhờ anh em trong công ty đồng cam cộng khổ, không đòi hỏi tiền thưởng cuối năm, nỗ lực cùng anh vượt qua khó khăn. Không những thế, anh còn dựa vào bạn bè thân tin cậy, mang cả giấy tờ nhà của mình đi thế chấp.

Tận nhân lực mới tri thiên mạng, anh tin như vậy nên càng gắng sức chèo chống đưa công ty vượt khó. Thiếu nguyên liệu sản xuất, anh cùng cán bộ xuống tận đồng ruộng Mỹ Hòa Hưng, Châu Thành, Chợ Mới thuyết phục nông dân trồng bắp non, đậu bắp, đậu nành, rau cải để cung ứng nguyên liệu cho công ty.

Nông dân sống được, công ty mới phát triển, hai bên dựa vào nhau. Dần dần anh đã đưa được con thuyền Antesco vượt qua sóng gió.

Năm 2003, Antesco thực sự vượt qua khó khăn, trở thành thương hiệu tiếng tăm. Hiện nay công ty có gần 70 sản phẩm rau quả chế biến. Hàng được xuất qua các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Từ một nhà máy khởi đầu, Antesco có thêm một nhà máy chế biến rau quả nữa ở Mỹ An (huyện Chợ Mới, An Giang) với hơn 10.000 công nhân. Năm 2004 Antesco lần đầu tiên xuất khẩu vượt ngưỡng 5.000 tấn sản phẩm, đạt kim ngạch 4 triệu USD. Trong các năm 2007-2008, Antesco đạt sản lượng bình quân 9.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 8,5 triệu USD.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, mỗi năm Antesco cần mua 40.000 tấn rau quả các loại. Antesco tìm kiếm, xây dựng nguồn cung cấp nguyên liệu bằng cách hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nông dân nhận giống trả sau, đem về canh tác theo đúng quy trình để cung ứng cho công ty chế biến. Antesco hợp đồng bao tiêu 2.000ha, tạo công ăn việc làm cho 20.000 nông dân.

Do tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm, định mức thuốc bảo vệ thực vật khắt khe, nên cán bộ - nhân viên Antesco luôn có mặt trên đồng ruộng cùng nông dân.

“Lên đời” cho cá linh và phế phẩm

Bước đầu thành công khi mặt hàng rau quả đông lạnh được tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước, anh chưa dừng lại mà vẫn loay hoay nghĩ cách tiếp tục chinh phục thị trường bằng việc khai thác thế mạnh về thủy sản của ĐBSCL. Cá tra xuất khẩu thu về nguồn lợi không nhỏ, nhưng đã có nhiều doanh nghiệp làm, đi sau khó theo kịp. Và rồi anh chọn cá linh.

Đây là loại cá chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi, có rất nhiều trong tự nhiên, giá rẻ. Bấy lâu nay, đến mùa nước nổi nông dân đánh bắt cá linh để ủ nước mắm, làm mắm. Cá linh được chế biến thành các món ăn dân dã như cá linh kho mía, kho lạt dầm me chấm bông súng, bông điên điển, hoặc mắm cá linh bằm chưng với trứng vịt. Mặc dù các món ăn này ngon nhưng chỉ quanh quẩn ở địa phương.

Gần đây cá linh mới chen được vô tới quán ăn phục vụ các thực khách ở thành phố, vì ăn nhiều cao lương mỹ vị đâm ra thèm những món dân dã. Thế là cá linh được anh Đấu “lên đời”.

Tàu Antesco vượt sóng ảnh 3Trong sự thành đạt của một doanh nhân luôn có sự góp sức của nhiều người. Nhưng sự thành đạt ấy chỉ bền vững khi tạo được lợi ích cho xã hội. Mình có điều kiện, tại sao không tạo ra cơ hội cho người khác đi lên. Tôi có một quãng đời tuổi thơ dữ dội, sinh ra giữa lúc chiến tranh loạn lạc, mồ côi cha mẹ, lớn lên trong cảnh côi cút dưới mái chùa, được những tấm lòng nhân ái chở che. Chính vì vậy, khi thành đạt tôi không quên xung quanh mình còn nhiều người nghèo khó, gặp hoàn cảnh bất hạnh. Hồi nhỏ tôi rất ham học nhưng không có điều kiện học hành, nên bây giờ tôi quan tâm lập quỹ học bổng để thiết thực giúp đỡ cho con em công nhân và nông dân vượt khó.
Tàu Antesco vượt sóng ảnh 4

Ông HUỲNH QUANG ĐẤU,
Tổng giám đốc Antesco

Anh Huỳnh Quang Đấu kể về ý tưởng chế biến, kinh doanh cá linh: “Tôi vẫn nhớ hồi chiến tranh, có lần dân làng lượm được mấy thùng đồ hộp của lính Đại Hàn bỏ lại. Mọi người xúm lại khui hộp để chia nhau ăn. Nào ngờ khi mở ra ai nấy ngạc nhiên khi thấy chỉ là cá cơm kho khô hoặc dưa chua (kim chi).

Nhớ lại chuyện này, tôi nghĩ những thức ăn bình thường vậy vẫn được đóng hộp và có thị trường tiêu thụ, tại sao mình không thử đem cá linh kho mía, kho lạt, sốt cà và mắm cá linh chưng đóng hộp. Các mặt hàng đó chẳng những bán cho người trong nước còn có thể xuất khẩu cung ứng thị trường mấy triệu người Việt Nam ở nước ngoài, ăn đỡ nhớ quê”.

Dám nghĩ, dám làm, anh đem ý tưởng này bàn với các cộng sự nghiên cứu chế biến. Thế là Antesco có thêm các sản phẩm chế biến từ cá linh, các món ăn dân dã này trở thành sản phẩm độc đáo. Người dân ĐBSCL bây giờ khi đi đâu xa vẫn hay mua những hộp cá linh mang theo để làm quà giới thiệu đặc sản quê hương. Các mặt hàng cá linh với tên gọi “sản phẩm mùa nước nổi” được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trong việc tiêu thụ và chế biến nông sản, một vấn đề phát sinh cần tìm cách xử lý: Mỗi năm Antesco thải ra hơn 10.000 tấn phế liệu nông sản như các loại vỏ bắp, đậu, khóm… tốn hơn 2 tỷ đồng thuê xe rác đem bỏ, phải mất một thời gian mới tiêu hủy hết, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thế là anh Đấu tìm đọc các tài liệu chuyên môn về chăn nuôi, phát hiện Hàn Quốc, Nhật Bản phải nhập khẩu vỏ bắp, vỏ đậu để chăn nuôi bò, nên nảy ra sáng kiến hỗ trợ nông dân nuôi bò bằng các phế liệu nông sản để tăng thêm doanh thu. Một sáng kiến khác cũng rất tình cờ, nhưng chỉ người nhạy bén và tâm huyết với nghề như anh mới nghĩ ra.

Đó là một lần đi nước ngoài, trong khi chuyện trò với các đối tác, anh dò hỏi; “Nếu tôi sản xuất ra loại thức ăn gia súc từ các phụ phẩm nông nghiệp ở dạng viên anh có cần không?”. Câu trả lời là sao lại không. Anh vui mừng trở về họp với các kỹ sư, ra quyết định xuất 4 tỷ đồng để nhập thiết bị về lắp ráp máy móc sản xuất thức ăn gia súc dạng viên.

Thêm một thành công, kết quả kiểm nghiệm thức ăn gia súc dạng viên từ phụ phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặt hàng này mỗi năm Antesco xuất khẩu 2.500 tấn, đạt kim ngạch 750 triệu USD, vẫn không đủ hàng để bán. Nhiều người ví Antesco là doanh nghiệp biến rác thải thành tiền.

Các tin khác