Tết về nơi xóm trọ

Quen thuộc với mùi hóa chất, mùi thuốc sát trùng đến đau đầu, chóng mặt. Quen cả từng ngõ ngách trong bệnh viện hơn cả nhà mình vì lâu lắm rồi cuộc sống của ông gắn liền với phố xá nhọc nhằn này. Bao phận người ở đây cũng vậy, ngồi trông tết đến xuân về mà tha thiết nhớ quê. Mấy hôm nay ông ốm không đi làm được, nằm nghe ngóng từng nhịp sống nhộn nhịp ngoài kia mà nghĩ thương bà. Xuân đến rồi, mong là trời sẽ ấm áp lên.
 

Hôm nay ai dậy mở cửa sổ rõ sớm, cảm giác như cái lạnh của hơi sương đã theo gió bay vào phòng trọ. Ông Thào nghĩ khi vừa mở mắt đảo quanh căn phòng trọ tuềnh toàng nằm cuối xóm chạy thận. Hai dãy trọ chật chội này chưa lúc nào thưa vắng bệnh nhân, những thân phận éo le bị đời xô đẩy vào đây để thương nhau như một gia đình. Ông vật lộn với căn bệnh suy thận mạn tính ngót nghét cũng đã sáu năm.

Quen thuộc với mùi hóa chất, mùi thuốc sát trùng đến đau đầu, chóng mặt. Quen cả từng ngõ ngách trong bệnh viện hơn cả nhà mình vì lâu lắm rồi cuộc sống của ông gắn liền với phố xá nhọc nhằn này. Bao phận người ở đây cũng vậy, ngồi trông tết đến xuân về mà tha thiết nhớ quê. Mấy hôm nay ông ốm không đi làm được, nằm nghe ngóng từng nhịp sống nhộn nhịp ngoài kia mà nghĩ thương bà. Xuân đến rồi, mong là trời sẽ ấm áp lên.

Huy thức giấc, thò đầu ra khỏi chăn rồi lại nhanh chóng thụt vào vì gió lạnh. Người cậu quá dài nên chiếc chăn nhung thành ra ngắn ngủn, cứ kéo kín đầu lại hở chân, cả mùa đông Huy quen với kiểu nằm co lại như con cún nhỏ. Huy khẽ hỏi:

- Bố Thào ơi, hôm nay là hai mấy tết rồi?

- Hai bảy rồi. Dễ chừng ở quê người ta cũng đã mổ lợn, nấu bánh chưng xong cả rồi đấy. Khi bố còn khỏe, cứ tết đến là đi mổ lợn hộ vòng quanh xóm.

- Nhanh thật, trước đây năm nào cũng vậy cứ đến ngày này con lại đi chợ thật sớm, mua cúc vàng để tảo mộ. Năm ngoái năm nay con đều nằm viện không về được. Không biết các anh chị có nhớ mua cúc vàng không.

Ông Thào khẽ thở dài, thương cho phận mình và thương cho cả quãng đời tuổi trẻ của Huy, của Tuấn, của Ngân. Chúng mới ngoài hai mươi, cái tuổi đầy hoài bão và khát vọng đi đến những chân trời xa xôi. Ấy vậy lại phải nằm đây sống chung với cái máy chạy thận, nhìn bầu trời qua ô cửa sổ phòng trọ chật hẹp này. Chúng gọi ông thân mật là bố và xưng con đầy ấm áp. Ngày nào từng ấy con người cũng gắng làm cho nhau vui bằng vài ba câu chuyện. Để sau đó sẽ có người lầm lũi vào viện nằm lọc máu. Mỗi người mỗi quê, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung đều éo le trong cuộc chiến giành giật sự sống mỗi ngày. Vài ba con người sống trong một căn phòng chật chội, nóng nực về mùa hè nhưng lại ấm cúng khi giá lạnh. Ở cái xóm chạy thận này ai cũng nghèo xác xơ, chỉ tình người là luôn thấy đủ đầy.

Xóm chạy thận vừa có thêm một gia đình chuyển đến, thay vào căn phòng cuối xóm, mới tháng trước đưa tiễn một con người về với thiên thu. Căn phòng quá chật cho nhu cầu sinh hoạt của bốn con người, có lẽ vậy nên họ cũng cố gắng thu mình lặng lẽ hơn. Ông bố chừng hơn năm mươi tuổi, không có bảo hiểm nên mỗi tháng ngót nghét bốn, năm triệu đồng tiền chi phí thuốc thang. Tết đến người ta bôn ba khắp nơi cũng tính chuyện trở về với quê hương.

Đằng này cả gia đình phải rồng rắn kéo nhau rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Nghĩ thế nên không ai bảo ai, tự xắn tay giúp gia đình họ dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Huy dẹp gọn quán ốc đêm ngoài ngõ để cậu con trai nhà đó có chỗ ngồi bên chảo hạt dẻ nướng thơm lừng. Bà mẹ thì theo mấy chị đi chợ đầu mối đêm lấy hoa quả về bán dạo. Cô con gái sau vài tuần nộp hồ sơ cũng xin được chân bán hàng quần áo trong khu chợ. Ông Thào nghĩ, đợi mình khỏi ốm sẽ dẫn nốt ông bố nhà đó đi mua cái xe cũ, ngày làm vài cuốc xe ôm cũng đỡ đần vợ con được mớ rau, lạng thịt. Huy ra phố về, dúi vào tay ông cặp lồng cháo ấm, cười bảo:

- Năm nay hoa tết nhiều hơn mọi năm, ngoài đường đẹp lắm bố ạ. Bố phải mau khỏe còn đi ngắm tết. Con vừa tạt qua chỗ u, u dặn bố phải ăn hết chỗ cháo rồi uống thuốc. Hai viên đỏ, một viên vàng. Chiều tối u về.

- Ngoài trời gió chắc lạnh lắm phải không?

- Bố đừng lo, sáng con đã mang thêm áo ấm cho u.

* * *

Lợn tết đã mổ xong. Trên mâm cỗ tất niên của xóm chạy thận đã đầy đủ thịt chân giò, chiếc bánh chưng xanh, vài lạng chè, đôi ba gói mứt kẹo. Ở đây không có khoảng sân rộng rãi để thấy cái mênh mang của khói hương hòa quện với mây trời. Mâm cỗ tất niên được bày ra giữa hành lang chật hẹp của xóm trọ, thấy tiếng í ới giục nhau tắm tất niên nhanh nhanh kẻo sắp sang năm mới. Ông Thào thấp thỏm ngó ra ngõ chờ bà về, Huy thấy vậy cười bảo để con đi đón u. Nói rồi, Huy dắt vội chiếc xe đã cũ, nổ máy nhả khói đen xì rồi nhè nhẹ trôi lẫn vào trong phố.

Ông thầm nghĩ nhanh thật đấy, thế là đã hết năm. Quê nhà giờ này chắc là vui lắm. Đám thanh niên chuẩn bị rồng rắn kéo nhau đi xông đất, chúc tết mọi nhà. Chúng đi đến đâu là thấy mùa xuân về đến đó, nên đêm ba mươi không cửa nhà nào đóng, để sẵn sàng chào đón từ ngọn gió đến tiếng cười. Nhớ ông bạn già nhà ngay sát hàng rào, giao thừa nào cũng ghé sang ngồi bên ấm trà nóng, vui vầy vài ba câu chuyện. Ngày nào cũng ngồi với nhau như thế, nhưng hình như đêm ba mươi, nhấp ngụm trà trên môi cũng thấy có chút gì đó nao lòng đến lạ…

Ông Thào đang mải nghĩ vẩn vơ thì nghe tiếng ai đó đang đếm ngược đồng hồ. Những tiếng reo hò vang lên rộn rã khắp nơi. Ông vội nhìn ra ngõ khi nghe thấy tiếng xe máy của Huy. Bà đã về còn đang đứng ngoài cổng ngõ, trên tay cầm một cành đào. Thằng Huy chỉnh lại vạt áo, nắm tay bà bước vào xóm trọ để cùng với hoa đào xông đất.

Các tin khác