Đối với những người phải sống xa Tổ quốc, trong nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân, bạn bè, chắc không có nỗi nhớ nào da diết, khắc khoải hơn khi đến những ngày chuẩn bị đón xuân, đón Tết cổ truyền dân tộc.
Không hổ thẹn
Nhiều năm sống xa quê, trên đất nước Tiệp Khắc (cũ), cứ mỗi độ xuân về, tết đến ai nấy đều có chung tâm trạng khắc khoải, nhớ nhung. "Thèm" một cái tết quê hương, dẫu đói, dẫu no, dù phải chắt chiu nhưng thật là thuần hậu, ấm cúng bên gia đình, người thân, bạn bè.
Bởi vậy nên cố kiếm tìm những hương vị ngọt ngào, gần gũi với quê hương, làm ấm lòng người xa xứ... Có tết được thưởng thức món nem rán, bát canh miến - măng, có tết "chấm mút" miếng bánh chưng, mẩu giò ai đó về phép mang sang. Đó là "món ăn" tinh thần.
Tất tật các loại cassette được đem ra dò sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, để được nghe lời chúc tết, nghe ca nhạc Việt Nam dù là không trọn vẹn. Nhớ lại có một tết, do thời tiết xấu không dò được sóng đài Việt, các chàng trai đã tìm cách "lừa" đám con gái "chíp hôi" mới sang bằng cách dùng băng ca nhạc quê hương mở vào đúng 18 giờ (giờ đón giao thừa ở Việt Nam). Nhờ vậy an ủi được phần nào những tiếng khóc rưng rức nhớ nhà...
Tác giả cùng những người bạn Tiệp Khắc (cũ) đón Tết cổ truyền Việt Nam. |
Thế mà tết năm 1989 lại thật buồn. Có lẽ vì buồn nên sinh nhớ lâu. Năm ấy, người mình đón tết trong sự gượng ép, cấm đoán ở xứ người. Chiều 28 tết, anh em công nhân nhận được "thông điệp" của giám đốc nhà máy: "Không có trường hợp người Việt nào được nghỉ ngày 29 và sáng 30".
Vậy là đã rõ. Mọi năm, người Việt đều được nghỉ từ 29 đến mồng 2 tết. Nhưng năm 1989, người ta bảo "không còn kiểu làm việc theo chế độ giờ giấc cao su". Ban lãnh đạo Nhà máy CKD Horovice cũ đã được thay bởi một ban lãnh đạo mới. Ngài tân giám đốc lúc nào cũng xúng xính trong bộ đồ dài thườn thượt, lượn tới lượn lui quanh xưởng, cặp mắt luôn soi mói.
Chiều 30 tết, như mọi năm, công nhân Việt dự buổi liên hoan tại hội trường do nhà máy đứng ra tổ chức. Cả nhà máy có hàng trăm người nhưng đi đâu hết, chỉ còn lại chưa đầy 30 người có mặt. Không khí buồn tẻ, ảm đạm. Sự chuẩn bị về mặt tinh thần của phía nhà máy đã khiến anh em hụt hẫng. Ngay cả vật chất cũng bị bớt xén.
Lãnh đạo nhà máy bảo: “Năm nay, tiêu chuẩn mỗi người chỉ được 1 khẩu phần ăn với 1 cốc cà phê, còn đâu các vị phải tự túc”. Khi ấy, có nhiều người muốn bỏ cuộc. Anh bạn Tuấn tỏ thái độ bực dọc ra mặt, nói với tôi: “Anh Pha (mọi người đặt cho tôi cái tên anh Pha vì gầy gò) có ở lại thì ở, tớ biến đây”.
Người khác lên tiếng: “Mình đâu có thiếu tiền mà không dám bỏ ra mỗi người vài chục korun để mua sắm, chuẩn bị vui tết cho chính mình”. Bực cái là như mọi năm, nhà máy lo tết rất chu tất. Nhưng tết này người ta "quay quắt".
"Đã vậy, anh em phải làm cho đàng hoàng, để họ không khinh mình. Ta tuy nghèo, phải đi học nhờ, làm thuê... nhưng không vì thế mà tỏ ra tầm thường, hèn mọn" - đoàn trưởng Nguyễn Thanh Phong động viên mọi người.
Sợ “mào gà” quấy rầy
Mọi năm, đại diện ban lãnh đạo nhà máy tới dự đông đủ. Bạn bè các nước Tiệp Khắc (cũ), Nga, Cuba, Ba Lan, Đức... cũng có mặt vui tết với cộng đồng người Việt.
Còn nhớ câu nói của Hrádec, Phó Giám đốc nhà máy, phụ trách người Việt Nam, bằng tiếng Việt khá sõi của tết năm trước: "Đất nước các bạn còn nghèo lắm. Các bạn hãy luôn hướng về Tổ quốc. Những người bạn Tiệp Khắc luôn ở bên các bạn". Còn tết này, thiếu vắng những người bạn năm nào, chỉ có mặt duy nhất vị Vedoucí Závod, quản đốc phân xưởng.
Kiều bào vui tết cổ truyền tại Anh quốc. |
Cũng khác với mọi lần, năm đó, bạn bè, nhất là bạn gái đến chơi tết không được vào ký túc xá. Thật là nghịch cảnh trớ trêu, chị em kéo đến đông hơn so với những năm trước. Ở những đơn vị nữ, đám con trai đến cũng không được vào ký túc xá.
Nhiều chị em lo sợ sự trống vắng, sợ cả lũ thanh niên đầu trọc "mào gà" đến quấy rầy, đã tìm đến các đơn vị nam vào dịp tết. Nhưng mà, như câu ngạn ngữ Tiệp "Z blouta do louze" (nguyên văn "tránh vũng bùn gặp vũng nước", tiếng Việt có câu tương tự "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"), thật chẳng sai.
Tại ký túc xá, suốt từ đêm 30 cho đến hết ngày mồng 1 tết, không khí nặng nề, buồn tẻ. Người ta cấm khách vào, cấm rượu bia, hò hét... Đám đầu trọc "mào gà", cả thanh niên người địa phương chốc chốc lại kéo đến trêu chọc, quậy phá.
Có một cái tết như thế để mà nhớ. Còn tết này, giống như bao tết sau cái tết năm ấy, không biết những người Việt Nam ở lại nơi xứ người làm ăn, buôn bán vì cuộc mưu sinh giữa thời kinh tế thị trường, sẽ đón tết ra sao?