Niềm vui thuở bé được tự tay làm lấy một cánh diều rồi kéo bổng sợi dây thả tung vào khoảng không xanh ngắt, đã được chú Vân truyền lại cho đám trẻ nhỏ quanh nhà. Đô thị ngày càng phình ra quá cỡ, đâu còn chỗ thả diều, chú đưa đám trẻ ra ngoại thành, tìm kiếm những cánh đồng, bãi sông hoang sơ còn sót lại. Trải bạt ra, cắt giấy, uốn tre, nối chỉ..., để rồi những cánh diều lần lượt bay bổng.
Nhìn những đứa trẻ kéo diều lao đi trên cánh đồng với niềm phấn khích vô biên, chú Vân xúc động: “Tuổi thơ của mình với những cánh diều ngày xưa đang trở lại, hiển hiện, lồng lộng và mải miết phiêu du ở khoảng trời xanh kia”. Thả diều là niềm vui của bất cứ đứa trẻ nào. Song sự khác biệt của chú Vân ngày xưa với những bạn bè đồng trang lứa là chú bị ám ảnh không nguôi về những con diều.
Nhiều lần nằm mơ, chú thấy những con diều bé bỏng của mình đang lớn dần sau khi được chú điểm nhãn. Khi có mắt, chúng biến hóa không ngừng thành vô vàn hình dạng. Bạch tuộc với chùm tua màu đỏ dài vài mươi sải, uốn lượn giữa trời xa như vùng vẫy giữa biển sâu.
Cánh phượng hoàng vàng rực, thần thái như bà hoàng của muôn loài có cánh. Và con rồng kết vây sáng láng vươn thân thật dài, quẫy lộn một cách ảo diệu, phi phàm và vô thường, không thể đoán định đâu là thân đâu là mây, đâu là đầu đâu là cuối, đâu là thực đâu là ảo.
Tỉnh giấc, mà tâm trí chú vẫn bần thần với chuyện trong mơ, chú tự nhủ có ngày sẽ lấy những hình ảnh tuyệt diệu ấy ra khỏi giấc mơ và biến nó thành hiện thực. Thế là chú mải miết theo cuộc hành trình suốt 56 năm qua để hoàn tất một cuộc chơi.
Không rõ nghề chọn người hay người chọn nghề, chỉ biết từ đó chú Vân không làm gì khác ngoài chuyện làm diều. Chưa ai tạo cơ nghiệp bằng việc làm diều, vậy mà chú vẫn cứ sinh sống tiện tặn làm những con diều bán cho trẻ em thỏa cái thú thả mắt lên mây.
Dần dần diều chú Vân làm đã bay liệng tứ phương. Chú đang hiện thực hóa giấc mơ thời thơ ấu. Con diều bạch tuộc đỏ rực có chùm tua dài 8 thước mất 3 năm để thành hình. Con diều phượng hoàng có sải cánh 6 thước cũng lấy mất của chú Vân chừng ấy năm.
Chỉ có con rồng vẫn cứ lẩn khuất đâu đó trong mộng mị. Trong tiềm thức chú Vân chỉ thấy thấp thoáng một cái vi, một mảy đuôi, hay một chỏm sừng... Chú không biết làm sao để gặp lại nó lần nữa.
![]() |
Nôn nóng, chú quyết định làm diều rồng. Tham khảo sách vở Đông Tây, nghĩ ngợi, thể nghiệm các kiểu, con diều rồng dài 30 thước ra đời. Khi hoàn tất, chú huy động con cháu trong nhà đem ra đồng để thả thử.
Ngày hôm ấy gió tốt, gần chục người vừa chạy vừa kéo, rộn ràng cả cánh đồng, vậy mà con rồng vẫn vật vờ không sao bay lên được. Cuối buổi, lực tàn sức cạn, bỗng nhiên gió thổi thốc diều lên, mọi người chưa kịp mừng, gió đã lập tức xé con diều tơi tả rồi ném xuống một đọt cây cuối đồng.
Chú Vân ngồi bó gối trên bờ ruộng khô hạn, nhìn con cháu cuốn diều, lòng buồn không nói được một lời. Tối đó, mặc mọi người đi ngủ sớm sau một buổi chiều mệt mỏi, chú đem diều ra mày mò tháo lắp suốt đêm, rồi hôm sau lại cùng người nhà tiếp tục đem diều đi thả.
Lần này, cánh diều rướn lên được chục thước rồi đứt dây. Nối lại dây thì không còn gió. Chờ khi cơn gió trở lại, diều cũng chỉ ngóc đầu, không nâng nổi thân.
Người nhà đem diều về rồi mà chú vẫn còn lang thang trên đồng xem đám trẻ đang lao xao thả những con diều muộn. Chú thấy một cháu bé y như mình hồi xưa, chạy lấp xấp kéo một con diều nhỏ. Con diều lao lên rồi trở đầu băng xuống đất. Chừng thấy cháu bé loay hoay sửa diều hơi lâu, nên chú bước tới giúp.
Chú hướng dẫn cặn kẽ: “Làm diều chỉ gói gọn trong khuôn, cánh, đuôi, dây. Cháu coi nè, làm khuôn, thanh dọc thẳng mà thanh ngang phải cong, mà cong phải cỡ này mới dễ bọc gió. Diều không có cánh thì hay liệng khó khiển, với lại nhìn giống như khuôn mặt không có tai, không đẹp. Đuôi dài dễ lướt. Đuôi ngắn quá không cân với cánh, khi thả diều dễ chao. Điểm nối giữa dây tùng và dây lèo phải nằm ở chỗ một phần ba phía trên dây tùng. Cột đúng mới dễ khiển diều. Dây lèo phải chắc chắn, đừng lấy dây mục dây mỏng mà diều dễ băng”.
Cháu bé mắt tròn xoe dạ dạ. Chú Vân nhớ hình như chú đã làm hàng ngàn con diều theo cách thức như thế và chú đã dặn đi dặn lại điều này hàng ngàn lần với bao nhiêu cháu nhỏ thế này. Vậy còn điều gì ở con diều rồng mà chú không biết?
Đêm đó, chú nằm mơ và thấy mình bỗng dưng bé lại như cháu bé ban chiều. Chú nhỏ kéo chiếc diều nhỏ lao ra đồng. Chợt vút bay lên cụm ráng chiều lờn vờn tít đằng Tây. Hóa ra cụm ráng là cái vẩy mỏng của con rồng. Con rồng khổng lồ án ngữ cả vòm trời, lượn lờ đong đưa giữa bể mây ngũ sắc.
Chú nhỏ nắm được một chiếc vây, rồi cật lực đu bám leo lên lưng rồng. Rồng có vẻ bực tức khi phát hiện kẻ lạ trên lưng, nên ra sức cuộn quẫy không ngừng như muốn hất bổng chú nhỏ. Chú nhỏ kinh hồn nép sau một tấm vây, nhìn thấy bầu trời và mặt đất quay mòng. Bỗng gió lặng dần.
Chú nhô người ra khỏi tấm vây và thấy rồng đang quay đầu lại nhìn chú. Đầu rồng đong đưa, lấp loáng uyển chuyển vạn sắc màu làm cho đường nét trên mặt rồng thay đổi không ngừng. Rồi bờ mi màu huyết dụ của rồng chớp chớp. Đôi mắt sáng trưng của rồng như cười. Chú mạnh dạn trèo lên mắc chỉ vào 2 mang rồng làm dây tùng. Chú kéo dây lèo về tay trái, rồng quay đầu về bên trái.
Chú giật mạnh về phía sau, rồng giật nảy người ngửa mặt lên trời, duỗi thẳng lưng rồi uốn cong thân thành nhiều vòng, búng thật mạnh và xuyên mây lao thẳng lên tầng không. Chú Vân bay vọt theo rồng, gió ào ạt làm bồng cả tóc, chú phấn khích giữ chặt tay lèo. Rồng trở nên ngoan ngoãn như một cánh diều thân thuộc. Khoan nhặt tay lèo, chú và rồng lần lượt qua mấy tầng trời.
Chú Vân thức giấc, thấy lòng sảng khoái. Chú đã biết rồng bay lên như thế nào rồi. Ngoài kia trời đã rạng. Chú biết ở khoảng không xanh ngát đó chú tha hồ thả rồng lên trời. Con rồng bay được chính là nhờ sự phiêu đãng của tuổi thơ. Trí tưởng tượng của thời nguyên sơ ấy vô biên như vũ trụ của rồng. Phúc cho chú Vân, chú đã không bị cái tầm phào của cuộc đời này tha hóa bản năng nguyên sơ ấy. Con rồng của chú Vân đã sẵn sàng bay lên.