Điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được xem là ổ dịch lớn nhất tại TP.HCM trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã được kiểm soát. Thế nhưng lại xuất hiện hàng loạt F0 ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Diễn biến dịch trở nên khó lường khi các ca bệnh đã xuất hiện ở các khu vực sản xuất, len lỏi vào các bệnh viện. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế và chính quyền TP.HCM trong việc kìm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Qua thống kê các trường hợp mắc Covid-19 trong những ngày đầu TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng nhưng không rõ nguồn lây. Điều đáng lo ngại là những trường hợp này đang có dấu hiệu gia tăng trong các khu công nghiệp.
Ngay trong hôm qua 16/6, lực lượng chức năng quận Bình Tân đã phong tỏa Công ty Cổ phần thực phẩm Trung Sơn ở trong Khu Công nghiệp Tân Tạo để lấy mẫu truy vết cho hơn 800 công nhân, nhân viên của công ty do phát hiện 2 người lao động là F0. Trong đó, có khoảng 140 công nhân là F1 đã được đưa đi cách ly tập trung, số còn lại cách ly tại nhà máy.
Trước đó ngày 15/6, khoảng 600 người lao động của Công ty TNHH Thực phẩm Vạn Đức ở Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh được đưa đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM sau khi phát hiện 1 ca F0 liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở một xưởng cơ khí tại Hóc Môn.
Cùng ngày, một công ty may mặc khác cũng tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc bị phong tỏa do có ca Covid-19. Khoảng 400 người lao động được cách ly tại nhà máy. Ngoài ra, một nhà máy chuyên về may mặc ở Khu Công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi với 550 công nhân cũng đã bị phong tỏa vào chiều 15/6 sau khi phát hiện 5 ca mắc. Các trường hợp F0 đều từ “ca chỉ điểm” được phát hiện sàng lọc khi đi khám tại bệnh viện.
Không chỉ ở khu công nghiệp có ca mắc Covid-19 mà tại bệnh viện, nơi được phòng vệ dịch Covid-19 với nhiều “lớp” chặt chẽ nhưng cũng đã bị tấn công, đã có nhân viên mắc Covid-19.
Hiện cũng đã có 6 bệnh viện trên địa bàn có nhân viên y tế mắc Covid-19, là Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định và Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn.
Trước tình hình dịch lan rộng, việc TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội lần thứ 2 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong đợt dịch này là rất cần thiết. Quyết định này được đưa ra sau nhiều lần họp bàn đánh giá tình hình thực tế, băn khoăn về sự ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội đối với cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là sự hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ lợi ích lâu dài, gia tăng thêm “thời gian vàng” để truy vết, kiềm chế sự bùng phát của dịch Covid-19.
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, trong thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ tiếp xúc thấp nên virus không phát tán rộng, chỉ lây lan trong phạm vi gia đình, hàng xóm, cơ quan.
Song, dịch đã âm thầm len lỏi trong cộng đồng song song với chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo: "Sự xuất hiện của hàng loạt chuỗi lây nhiễm trong thành phố chúng ta thấy nhiều khả năng là dịch xâm nhập vào thành phố từ đầu tháng 5, chu kỳ sau ngày nghỉ lễ, đã lây âm thầm ít nhất 2-3 chu kỳ, thậm chí phát hiện ra những chuỗi là từ 4-5 chu kỳ".
Cơ hội và thách thức
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thêm hai tuần giãn cách xã hội là cơ hội tiên quyết để hoàn tất công tác khống chế dịch. Nếu đảm bảo các quy định về giãn cách sẽ giúp hạn chế lây lan Covid-19 trong cộng đồng, còn không thì sẽ trở thành thách thức rất lớn trong việc đối phó với dịch Covid-19.
Người dân TP.HCM không thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của TP.HCM và Chính phủ thì cơ hội sẽ qua và công tác chống dịch trở nên khó khăn hơn bao giờ hết: "Nếu trong hai tuần này không tận dụng được cơ hội, vẫn để mọi người tiếp xúc không giữ khoảng cách, tụ tập đám đông, các phương tiện công cộng vẫn bừa bãi thì chắc chắn đó không phải là cơ hội nữa mà là nguy cơ càng cao. Trong 2 tuần tới nếu chúng ta không tuân thủ tốt các chỉ thị của thành phố cũng như của Chính phủ thì cơ hội ấy sẽ qua".
Tính đến nay, TP.HCM đã có hơn 1.100 ca bệnh. Giai đoạn từ ngày 26/5 đến hết ngày 16/6, TP.HCM đã lấy 628.127 mẫu xét nghiệm là các ca F1,F2, trong đó có hơn 64.700 mẫu có kết quả âm tính, hơn 7.150 mẫu đang chờ kết quả. Cùng với đó, đã lấy cho các trường hợp tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm 556.257 mẫu, trong đó 525.679 mẫu âm tính, hơn 30.578 mẫu chờ kết quả.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh hiện nay, chuyên gia dịch tễ về bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhận định, số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng đang như phần nổi của tảng băng Covid-19 tại TP.HCM.
Bác sĩ Khanh cho rằng, số ca bệnh tăng thêm ngoài cộng đồng hiện nay chỉ có F0 lang thang, còn số ca mới phát hiện trong khu cách ly có thể là do mình làm xét nghiệm F1 chậm. Đây là rủi ro rất lớn vì F1 đã cách ly phát hiện dương tính chậm thì F2 ngoài cộng đồng đã trở thành F0 nhưng không được phát hiện sớm.
Thực trạng này đã xảy ra trong công tác phòng chống dịch ở lần giãn cách xã hội vừa qua tại TP.HCM: "Cái quan trọng nhất là mình có kết quả của F1 càng sớm càng tốt, nếu mình trả lời được kết quả F1 mà âm tính thì chuỗi phía sau F2, F3 chưa thể bị lây được. Thì vấn đề đó chính là mình phải giải quyết cho được F1 mà kết quả nhanh, còn nếu không thì vẫn còn F0 lang thang".
Từ sáng đến trưa nay, Bộ Y tế cũng đã công bố 75 trường hợp Covid-19 tại TP.HCM, đáng nói là có nhiều trường hợp liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly và xét nghiệm lần thứ 4 mới có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Thực tế cho thấy F0 ở ngoài cộng đồng còn nhiều, vì vậy việc người dân hạn chế tiếp xúc cộng đồng là rất quan trọng. Trong khi ngành chức năng đang nỗ lực với nhiều biện pháp để tận dụng cơ hội giãn cách xã hội, truy vết được nhiều hợp liên quan, kịp thời ngăn chặn lây lan thì đối với người dân, khi cần thiết phải tiếp xúc hãy tuân thủ quy định 5K. Đồng thời cần tăng thêm tính an toàn, giữ khoảng cách tối thiểu trên 2m với người lạ. Trong tình huống không cần thiết thì dù là người thân cũng nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm.