Năm 2013, giải ngân vốn các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) tăng tới 23% so với năm 2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tới 20,9 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân do nhiều nguyên nhân. Việc thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn ODA trong thời gian tới đang là vấn đề quan trọng được đặt ra cho quá trình phát triển đất nước. Cuối tuần qua, một hội nghị do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đã được tổ chức ở Hà Nội để bàn thảo về vấn đề này.
Thiệt hại 100 triệu USD/năm chi phí cơ hội
![]() |
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân năm 2013 đạt trên 5,1 tỷ USD (ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi: 4,68 tỷ USD; ODA viện trợ không hoàn lại 451 triệu USD), tăng tới 23% so với năm 2012.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc thực hiện và giải ngân các dự án ODA vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Trong quá trình xây dựng báo cáo khả thi, cơ quan chủ quản chưa thực sự sát sao trong việc giám sát chất lượng báo cáo do tư vấn lập, đặc biệt các vấn đề mang tính kỹ thuật, nên khi triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ, trong nhiều trường hợp dẫn đến việc tăng vốn. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa được cải thiện ở nhiều dự án đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị.
“Thực tế, dù năm 2013 chúng ta có bước đột phá về giải ngân, nhưng tính đến nay vẫn còn tới 20,9 tỷ USD vốn ODA chưa thể giải ngân vào các chương trình dự án” - Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. Trong đó, số vốn phải giải ngân cho các chương trình, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2014 vào khoảng 8 tỷ USD. Một số bộ, ngành còn số vốn lớn chưa giải ngân như Bộ Công Thương trên 2,66 tỷ USD, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) 6,37 tỷ USD, TPHCM trên 2,1 tỷ USD...
Để gỡ cụ thể cho từng dự án ODA đang bị chậm, trên cơ sở danh sách 21 dự án Bộ KH-ĐT tổng hợp, 27 dự án nhóm 6 ngân hàng phát triển có ý kiến, sẽ lập danh sách các dự án cần thúc đẩy tiến độ giải ngân. Mỗi tháng 1 lần, chủ đầu tư dự án phải báo cáo Bộ KH-ĐT tiến độ triển khai, vướng mắc cụ thể cần tháo gỡ. Và 3 tháng 1 lần, Bộ KH-ĐT làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển để cùng thảo luận, đánh giá kết quả đạt được. Ông Hoàng Trung Hải, |
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng việc chậm giải ngân các dự án ODA đang gây nhiều thiệt hại cho người dân và Chính phủ Việt Nam. Nếu tình hình này không được cải thiện, mỗi năm Việt Nam sẽ mất khoảng 100 triệu USD chi phí cơ hội.
Nhiều thách thức
Tại hội nghị, thay mặt cho nhóm 6 ngân hàng phát triển của quốc tế, bà Keiko Sato, Giám đốc điều phối danh mục đầu tư Ngân hàng Thế giới (WB), đã nêu ra nhiều thách thức cản trở việc giải ngân nguồn vốn ODA tại Việt Nam. Đó là vấn đề vốn đối ứng từ phía Việt Nam chưa đầy đủ, thiếu kịp thời và không có tính dự đoán. Trong khi đó, thu hồi đất và tái định cư chậm, năng lực các ban quản lý dự án còn yếu cũng là những nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA chậm.
Phân tích những thách thức này, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng quy hoạch ở các địa phương không ổn định đã dẫn đến việc phải điều chỉnh dự án và thiếu vốn đối ứng cho công tác đền bù, GPMB và tái định cư. Tình trạng thiếu vốn đối ứng cũng xảy ra đối với các dự án đầu tư xây dựng. Mặc dù Chính phủ luôn ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, song do ngân sách Trung ương và địa phương hạn chế, trong nhiều trường hợp chưa đáp ứng được nhu cầu tiến độ thực hiện, đặc biệt các chương trình, dự án đầu tư.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GT-VT, cho biết vốn đối ứng các dự án ODA trong ngành giao thông hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu, lại thường được bố trí vào thời gian cuối năm nên rất khó chủ động. Năm 2014 Bộ GT-VT được phân bổ khoảng 2.500 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án ODA, qua rà soát còn thiếu khoảng 5.900 tỷ đồng. Trong khi đó, công tác GPMB, tái định cư cũng luôn bị chậm do địa phương khó khăn về vốn.
“Chính phủ có thể xem xét việc cho phép nguồn vốn cho tái định cư bố trí từ vốn vay, hoặc ngân sách phải ứng trước cho địa phương” - ông Đông kiến nghị. Cũng với băn khoăn về vốn đối ứng, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về ODA nên tổng hợp toàn bộ số vốn đối ứng và tái định cư còn thiếu, thỏa thuận với nhà tài trợ để vay vốn, thay vì trông chờ từ nguồn ngân sách.
Vay vốn GPMB - giải pháp tình thế
Xem xét sử dụng vốn vay để trả cho việc GPMB và tái định cư cũng chính là một gợi ý từ phía bà Keiko Sato. Hiện nay mới chỉ có WB và ADB đồng ý cho vay mục tiêu này. Tuy nhiên, ông Tomoyuki Kimura cho rằng đây không phải là giải pháp cơ bản và lâu dài vì nguồn vốn của các ngân hàng phát triển hỗ trợ cho Việt Nam đều có giới hạn. Nếu dùng vốn vay để đối ứng vốn cho các dự án tiếp theo sẽ giảm đi. “Việt Nam nên rà soát lại các dự án để đưa ra các ưu tiên về phân bổ vốn đối ứng từ nguồn vốn vay” - ông Tomoyuki Kimura nói.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Mạnh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, cảnh báo nếu vay vốn ODA để chi cho GPMB, tái định cư sẽ có tác động rất lớn đến nợ công, vì trên thực tế chi phí này ở Việt Nam luôn lớn hơn nhiều so với chi đầu tư xây dựng. Vì vậy, chi phí cho GPMB cơ bản phải là vốn đối ứng trong nước, nếu có vay cũng chỉ dùng trong trường hợp dự án cấp bách, là giải pháp tình thế.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng thách thức trong việc giải ngân nguồn vốn ODA thời gian tới còn rất lớn. Việc tháo gỡ khó khăn trong vấn đề vốn đối ứng là mục tiêu quan trọng. Phó Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT sớm rà soát, tổng hợp trình Thủ tướng số vốn đối ứng còn thiếu trong năm 2014 để tìm hướng cân đối nguồn bổ sung. Về việc sử dụng vốn vay của nhà tài trợ cho GPMB chỉ áp dụng trong trường hợp tình thế, cấp bách.