Thách thức hội nhập: Chăn nuôi đuối sức

Mục Chủ điểm - Sự kiện số 709 ngày 17-3-2014 ĐTTC đăng bài viết của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về những cơ hội, thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đi vào phân tích cụ thể từng ngành, theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp ngành chăn nuôi là đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình mở cửa thị trường khi TPP được ký kết.

Mục Chủ điểm - Sự kiện số 709 ngày 17-3-2014 ĐTTC đăng bài viết của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về những cơ hội, thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đi vào phân tích cụ thể từng ngành, theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp ngành chăn nuôi là đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình mở cửa thị trường khi TPP được ký kết.

Bức tranh ảm đạm

Dạo quanh các siêu thị tại TPHCM sẽ dễ dàng nhận thấy sự hiện diện khá phổ biến của thịt bò Úc, với mức giá rất cạnh tranh so với bò Việt Nam. Cũng vì lẽ đó bò Úc đang trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng trong nước.

Thực tế, câu chuyện bò Úc lấn át bò Việt nhờ giá rẻ và chất lượng vượt trội đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả các cơ quan truyền thông. Người ta bắt đầu đặt 2 con bò lên “bàn cân” để so sánh và đã nhận thấy nhiều khác biệt. Trong khi trọng lượng giống bò vàng trong nước chỉ khoảng 250kg/con, giống bò Úc nhập có trọng lượng trung bình 550-600kg/con.

Tỷ lệ thịt của bò vàng sau khi giết mổ đạt 50%, còn bò Úc đạt đến 55-60%. Thuế nhập nguyên con cũng giảm hơn so với nhập thịt đông lạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2013, số lượng bò nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 160.000 con. Tương tự thịt bò, thị trường Việt Nam hiện nay nhập khẩu khá nhiều sản phẩm gia cầm mà trong nước không thiếu như thịt heo, gà… với lượng nhập khẩu trong năm 2013 khoảng 57.000 tấn.

Khi Việt Nam gia nhập TPP, chăn nuôi là ngành nguy cấp và đầy thách thức. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp không thể sử dụng hàng rào thuế quan nữa, Việt Nam cần đưa ra hàng rào kỹ thuật để phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới cũng như về thói quen tiêu dùng của người Việt trong sử dụng thịt tươi sống.

Ông Nguyễn Xuân Dương,
Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi

Những con số trên quả thực đáng buồn cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân đẩy ngành chăn nuôi nước ta rơi vào thảm cảnh này. Trước hết, phải nói đến câu chuyện thức ăn chăn nuôi hiện nay phải nhập khẩu hơn 90%. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2013 Việt Nam chi khoảng 4 tỷ USD để nhập thức ăn chăn nuôi và các loại nguyên liệu như đậu nành, bắp, lúa, mì…

Tính riêng 2 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu khoảng 375 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2013. Việc phụ thuộc nhập khẩu đang khiến giá thành thức ăn chăn nuôi Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực 10-15%. Điều này đẩy giá thành các sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao, vì giá thức ăn chiếm 70% cơ cấu thành phần tạo giá của sản phẩm chăn nuôi.

Điều bất cập nữa là quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, kỹ thuật còn thấp, con giống chưa đồng đều. Tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi hiện đạt khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Cả nước hiện có khoảng 23.000 trang trại (đơn vị chăn nuôi đạt doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên), ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Thêm vào đó, do kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế nên năng suất còn thấp. Trong số 20 nước có đàn heo nái hàng đầu thế giới, Việt Nam đứng vị trí chót bảng về năng suất chăn nuôi.

Cụ thể, trong bảng xếp hạng 20 quốc gia, Trung Quốc có đàn heo nái lớn nhất thế giới với gần 50 triệu con, thứ hai là Hoa Kỳ trên 5,8 triệu con và thứ ba là Việt Nam gần 4,5 triệu con. Tuy nhiên, khi tính đến sản lượng thịt xuất chuồng (kg/nái/năm), Việt Nam bị tụt thẳng xuống hàng 20 với năng suất cực thấp. Những lực cản ấy khiến cho bài toán cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước trở nên khó khăn hơn khi thị trường mở cửa và khi TPP được ký kết, bởi lúc ấy các dòng thuế sẽ bị kéo về mức 0%.

Sức ép sân chơi bình đẳng

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, nhận định: “Trong TPP, các nước Hoa Kỳ, Australia, New Zealand là đáng lo ngại nhất với Việt Nam khi đàm phán và thực hiện các cam kết về mở cửa hàng nông sản, đặc biệt đối với các sản phẩm chăn nuôi”.

Hoa Kỳ là thị trường có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm. Với mức thuế suất hiện tại Việt Nam đang nhập khẩu khá nhiều từ Hoa Kỳ, nếu mở cửa các mặt hàng này, nguy cơ các sản phẩm tương tự của Việt Nam sẽ gặp khó khăn về sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập khẩu là rất lớn. Còn với Australia và New Zealand, đây là 2 nước có năng lực cạnh tranh thuộc vào diện cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò (thịt bò, sữa). Trong khi đó khả năng tiếp cận 2 thị trường này của Việt Nam gần như không có.

Nếu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không giảm được giá thành sản xuất, thị trường sẽ bị chiếm lĩnh bởi thịt ngoại. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, trước tiên Nhà nước cần có chính sách phù hợp để giải bài toán thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đăng Vang,
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam

Hiện nay, dù đang phải chịu mức thuế 5-7% nhưng các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập khẩu vẫn tràn ngập thị trường với mức giá rất cạnh tranh. Vậy khi TPP chính thức được ký kết và mức thuế lùi về 0%, chẳng ai biết trước điều gì có thể xảy ra với ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Bởi lẽ, khi Hiệp định TPP được ký kết sẽ bao trùm một khu vực kinh tế rộng lớn chiếm khoảng hơn 40% GDP và 30% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu. Song chính điều kiện bình đẳng, không có cơ chế riêng cho các nước có nền kinh tế trình độ phát triển kém hơn, đang đặt ra thách thức với ngành chăn nuôi nói riêng và nhiều ngành hàng của Việt Nam nói chung.

Bởi cho đến nay, xét về khía cạnh thu nhập tính trên đầu người của các quốc gia thành viên, gần như Việt Nam là nước có GDP đầu người thấp nhất và có mức chênh rất lớn với một số nước như Hoa Kỳ và Canada; nền kinh tế Việt Nam còn đang trong giai đoạn phát triển và Hoa Kỳ chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Sân chơi bình đẳng tức phải có qua có lại. Theo đó, sản phẩm ngành chăn nuôi các nước được dự báo sẽ có cuộc đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Vậy Việt Nam có thể tận dụng mức thuế 0% để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi? Đây là điều rất khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.

Chưa nói đến giá thành, chỉ các hàng rào kỹ thuật chúng ta cũng khó vượt qua, bởi ở Việt Nam các hàng rào kỹ thuật chưa có hoặc có nhưng không cao. Trong khi các nước rào cản kỹ thuật khắt khe hơn rất nhiều, như TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại) và SPS (biện pháp vệ sinh dịch tễ...).

Giải quyết từng điểm yếu

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sức ảnh hưởng của TPP không chỉ tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, doanh nghiệp trong nước, mà ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng không đứng ngoài vòng xoáy này. Bài toán đặt ra là phải làm gì cho ngành chăn nuôi khi Hiệp định TPP dự kiến sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2014? Thời gian quá gấp, trong khi các kế hoạch xem ra vẫn còn khá ngổn ngang.

Có thể khẳng định những yếu kém nội tại của ngành chăn nuôi sẽ đặt đoàn đàm phán của Việt Nam trước những bài toán cân não. Làm sao để có thể đảm bảo lợi ích chung của các thành viên nhưng cũng đáp ứng khả năng của quốc gia mình. Mới đây, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020. Các chính sách này sẽ hỗ trợ về giống, thuốc thú y, môi trường chuồng trại, đào tạo tập huấn cho nông dân…

Đối tượng được hưởng chính sách là chăn nuôi nông hộ, dưới mức trang trại (doanh thu 1 tỷ đồng/năm). Hộ chăn nuôi gia công cho các tập đoàn, công ty không được hưởng chính sách trên. Nếu chính sách được ban hành sẽ khiến chăn nuôi nông hộ hiện đang chiếm tỷ lệ không nhỏ đi theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên về thời gian vẫn chưa biết đến khi nào.

Khó khăn của ngành chăn nuôi Việt Nam là nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Khó khăn của ngành chăn nuôi Việt Nam là nhập khẩu hơn 90%
nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.  

Một nước mạnh về nông nghiệp như Việt Nam nhưng luôn phải đau đầu với bài toán nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng như các nguyên liệu đậu nành, bắp… quả là một thực tế đáng báo động. Vì vậy phải gấp rút tái cấu trúc toàn diện trong ngành phát triển để có thể thúc đẩy chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Theo đó cần sự chung tay của cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Bởi khi các hàng rào thuế quan bị xóa bỏ, người ta nhắc nhiều đến các hàng rào phi thuế quan hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật. Và ngành chăn nuôi Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Một số biện pháp bảo hộ được nhắc đến: Thứ nhất, bảo hộ bằng lộ trình thuế quan, cách thức bảo hộ này tuy không triệt để nhưng khả thi trong khuôn khổ TPP. Biện pháp này cần được tận dụng triệt để cho ngành chăn nuôi.

Thứ hai, bảo hộ bằng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ (TBT, SPS). Nhóm biện pháp này mặc dù được thừa nhận trong WTO và được sử dụng rất phổ biến ở các nước đối tác như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand nhưng rất khó thực hiện trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Một số biện pháp TBT, SPS nếu sử dụng sẽ phải được áp dụng không phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Như vậy nếu tiêu chuẩn quá cao sẽ gây khó cho hàng nội địa.

Các tin khác