Thăm chồng

Trên đường đi kháng chiến tôi thường gặp những người vợ đi thăm chồng. Những phụ nữ vợ bộ đội nên còn rất trẻ, nhà ở vùng giặc, lặn lội qua nhiều vành đai đồn bốt, tay bồng con, tay xách giỏ, đi bất cứ đâu có tin đơn vị chồng đang đóng quân.

Trên đường đi kháng chiến tôi thường gặp những người vợ đi thăm chồng. Những phụ nữ vợ bộ đội nên còn rất trẻ, nhà ở vùng giặc, lặn lội qua nhiều vành đai đồn bốt, tay bồng con, tay xách giỏ, đi bất cứ đâu có tin đơn vị chồng đang đóng quân.

Nhưng bộ đội chân đi vạn dặm, mặt trận mở ra khắp bốn phương trời, biết đâu mà tìm? Vậy mà chị cứ đi, đi mãi, cho đến khi tiền hết, đứa con trên tay nhuốm bịnh, chiến trường bom đạn ác liệt không thể đi được nữa mới quay về chuẩn bị tiền bạc, sức khỏe cho chuyến đi tiếp theo. Các chị không chút nản lòng, mỗi năm càng nhiều thêm những người tìm đường theo nhịp độ ác liệt của cuộc chiến.

Một dạo về Đồng Tháp Mười tôi gặp một chị đi thăm chồng như vậy. Buổi trưa trời nắng gắt, tôi ngồi trong quán ven đường. Trong quán ngoài tôi và chị chủ quán, có bà lão luôn miệng rầy rà, một nông dân có kiểu nói câu đầu thật thà nghiêm chỉnh, câu sau vui vẻ bông lơn.

 

Một chiếc trực thăng “cá rô” bay đảo vòng xa xa. Bác nông dân nhìn theo, nói: “Mình đánh với thằng Mỹ trận này ghê gớm thật! Nó văn minh kỹ thuật như vậy, còn mình thì…”. Bác ừ à trong miệng, tìm kiếm cái gì để so sánh. Rồi chỉ tôi: “Như vậy đó...”. Chắc bác muốn nói tôi gầy gò ốm nhom.

Nhưng nhìn thấy ánh mắt của bà lão, bác liền đổi giọng: “Cho nên mình không đoàn kết thương yêu nhau không đánh nổi với nó một ngày, chớ đừng nói tới bao nhiêu năm nay”. Rồi bắt đầu giọng bông lơn: “Như chút nữa đây trực thăng đổ quân xuống trước sân kia, chị chủ quán không cầm dao xông ra cứu mình sao”.

Chị chủ quán đang thu dọn chén dĩa, kêu lên: “Thôi thôi, tôi nhát lắm, không dám đâu! Hồi mùa lúa năm ngoái tôi đụng một trận thiếu điều muốn đứng tim chết. Một anh cán bộ đi công tác ghé ngang, vừa lúc một bầy trực thăng sà xuống đám ruộng trước mặt. Đồng lúa vừa mới gặt trống trơn, anh cán bộ trốn đâu bây giờ? Tôi quýnh quá kêu anh núp đại vô trong buồng, rồi xáp ra cười giỡn với đám lính, may chúng cũng “chịu đèn” không xộc vô buồng. Hú hồn hú vía!”.

Bà lão nói: “Nhát hay không nhát, nó đánh mình thì mình đánh nó, ai chịu khoanh tay chờ chết? Còn như chú Hai đây vừa nói tới cái sự đoàn kết gì đó, qua không biết chú nói chữ nghĩa chi cho rườm rà vậy. Qua chỉ biết như vầy: mình cùng chịu cực khổ sống chết với nhau, người dưng nước lã cũng thành ruột thịt”. Rồi quay sang tôi: “Thằng này đi đâu giữa ban ngày ban mặt như vầy? Có công tác gấp cũng phải đi ban đêm con à. Tụi bây có bề gì bà con sống với ai?”.

Bà còn định than vãn gì nữa, chợt nhìn ra xa nói: “Ôi con cái nhà ai đi thất thơ kia kìa, còn bồng con nhỏ phơi đầu ngoài nắng nữa… Ai tỏ mắt dòm coi!”. Mọi người dòm ra. Một người phụ nữ tay bồng con, tay xách chiếc lồng gà từ ngoài đi vô. Chị chủ quán nói: “Coi bộ không phải người vùng này, chắc có chuyện chi đây”.

- Vô đây nghỉ chút đi cô Hai! - bác nông dân cất tiếng kêu. Chị phụ nữ vô tới, còn rất trẻ, chỉ trên hai mươi, khăn trùm kín mặt, tóc và mắt cùng một màu đen nhánh, tay bồng con, tay xách chiếc lồng gà. Bộ đồ bà ba đen chị bận đã lấm bụi, ngả màu bạc, áo rách hai khuỷu tay vá sơ sài. Đứa nhỏ trên tay chừng hai tuổi, chắc con đầu lòng. Chị bị quáng nắng, đặt lồng gà xuống lấy tay che mắt, cất giọng lễ phép chào mọi người, kéo khăn lau mồ hôi trên mặt, ngồi xuống chiếc ghế ở góc nhà, đặt đứa nhỏ ngồi trong lòng.

Chị chủ quán pha cho chị ly nước chanh, giọng điệu đon đả, ra vẻ chủ nhà hơn chủ quán: “Uống ly nước chanh cho khỏe đi cô Hai. Không có chuyện gì gấp để thủng thẳng hẵng đi. Tụi “cá rô” rèn rẹt ngoài kia, tụi Mỹ mắt đục không nhìn ra ai đâu”.

Bà lão bước tới giành bồng lấy đứa nhỏ: “Ôi tội nghiệp cháu tôi, má mày đem mày đi phơi nắng như vầy. Lại còn cười à? Cười thằng cha mày!”. Bác nông dân đoán già đoán non: “Coi tướng thằng nhỏ này tôi đoán cha nó là bộ đội. Phải vậy không cô Hai?”.

Chị chủ quán liếc xéo bác nông dân: “Chuyện chồng con để phụ nữ nói với nhau”. Rồi bước đến bên chị phụ nữ hỏi nhỏ: “Phải vậy không cô Hai, ông “thầy bói” kia nói đúng không?”. “Dạ phải”, người phụ nữ gần như thì thầm.

Chị chủ quán thở dài, linh cảm có chuyện gì đó không may, ngồi sát vào chị phụ nữ hơn nữa: “Bây giờ cô Hai đi đâu đây?”.

Chị phụ nữ đưa mắt nhìn quanh e thẹn, kéo khăn che kín mặt chỉ hở hai mắt, trả lời giọng nhẹ như hơi thở: “Em đi thăm chồng, cho cha con thằng Chiếu gặp mặt nhau. Ảnh đi hơn hai năm rồi có biết mặt con đâu. Cực lắm chị ơi, em đi ba bốn tháng trời, lặn lội cùng khắp, chịu cực khổ trăm bề không được tin tức gì của ảnh hết”.

- Cô Hai không phải người vùng này?

- Em người miền Tây. Chị thử tính coi, từ đó em đi vòng xuống Cần Thơ, Sóc Trăng, lên Bến Tre, Mỹ Tho. Cách nay ba bốn bữa qua kinh Chợ Gạo bị thuyền bay Mỹ bắn chìm xuồng, may gần bờ em bồng thằng Chiếu lội vô được, cái lồng gà cũng còn nguyên.

- Gà qué gì vậy?

- Là như vầy nè… Em tưởng đi buổi sáng buổi chiều gặp chồng, xách theo con gà nấu cháo cho ảnh ăn. Ai ngờ cứ đi hoài đi hoài, xứ mình rộng lớn quá chừng. Qua làng này con gà lớn lên, làng kia con gà đẻ, làng nọ con gà ấp trứng nở con, em xách lồng gà đi theo, lúa ngoài đồng thiếu gì, cơm dư thừa cũng có. Chị coi bầy gà giò mập không nè.

- Ôi trời đất ơi… Em có biết hòm thơ, phiên hiệu đơn vị chồng em không?

- Không biết. Hôm ảnh đi em không kịp hỏi, tưởng nói bộ đội đánh đồn Kinh Ngang ai cũng biết.

Bác nông dân hỏi chồng chị đi bộ đội chị ở với ai, với ba má hay với ông bà nội thằng Chiếu.

- Dạ, cháu ở với ba má. Tới giờ cháu cũng chưa biết ông bà nội thằng Chiếu ở đâu.

- Sao kỳ vậy?

- Dạ… tại… - chị phụ nữ ngập ngừng rồi nói - Vợ chồng cháu mới gặp nhau… Đơn vị ảnh hành quân ghé qua làng đánh đồn Kinh Ngang, chúng cháu quen biết lấy nhau rồi ảnh ra đi…

Chị chủ quán nạt bác nông dân: “Chuyện phụ nữ ông biết gì”. Rồi quay sang chị phụ nữ: “Ờ, thôi như vậy cũng được, thời chiến mà. Nhưng đang hồi “bình định” như vầy sao em đi được trót lọt?”.

- Chuyện dài lắm chị à. Chuyện em đi thăm chồng bàn tính với gia đình lâu rồi, nhưng phải đợi đến đợt tháng ba, làng xã có đợt học tập gì đó, nửa đêm em bồng con ra đi, đi thăm chồng mà lén lút như vụng trộm, đồ đạc chỉ có giỏ quần áo và con gà. Vậy rồi ra khỏi ngõ đã thấy chiếc xe Jeep thắng két trước mặt, thằng lính thò đầu ra cười nhe răng nói “anh Ba” gì đó của nó mời về bót nói chuyện. Em biết như vậy là mình bị bắt rồi, không hỏi gì nữa, bồng con lên xe cho chúng chở đi đâu thì đi. Chiếc xe đưa thẳng hai má con em về chợ huyện, một khu nhà không rõ đồn bót hay trụ sở, thằng lính dẫn hai má con vào một phòng khóa trái cửa lại, một ngày rồi hai ngày không thấy chúng hỏi han. Chỉ có bác đầu bếp già thương tình hỏi sao hai má con bị bắt, em không muốn giấu nhưng không biết nói sao.

Đến ngày thứ ba trời chưa sáng, tên lính đến dẫn hai má con đi. Thằng Chiếu suốt mấy ngày ngủ dưới nền gạch bị lạnh, lạ nhà không ngủ được, vừa chợp mắt được một chút bị xốc dậy, khóc ré lên, em không kịp dỗ cứ thế bồng đi. Thằng lính đưa hai má con tới một căn phòng đèn điện sáng chói bắt ngồi đợi đó. Một hồi, cánh cửa dấu sau chiếc tủ xịch mở, một toán đàn ông bận quần áo đen như bầy quạ bước vô ngồi vây chung quanh, thằng nào thằng nấy thè lè điếu thuốc coi rất kỳ dị. Thằng Chiếu khóc ngằn ngặt em phải dấu đầu nó sau vạt áo. Trên đầu một chiếc quạt máy xành xạch lạnh thấu xương. Chưa chi em đã thấy rối trí trong bụng. Ngồi chưa yên chỗ thằng ngồi chính giữa, chắc là chỉ huy, bắt đầu tra hỏi:

- Cô cho chúng tôi biết cô đi đâu ra khỏi xã không thấy báo? Đi gặp ai, làm chuyện gì?

Em tìm cách chối quanh, khai tên cha mẹ quê quán, kể lể cảnh sống khó khăn, có bà con xa đi thăm. Vừa lúc đó thằng Chiếu bật khóc. Em tủi thân quá. Em đi thăm chồng em, thằng Chiếu đi gặp ba nó, tội tình gì phải chịu cực nhục như vầy? Giận quá hóa liều em nói:

- Tôi đi thăm chồng tôi.

Im lặng một lúc, chắc chúng đang ngạc nhiên. Rồi thằng bình định hỏi tiếp, giọng the thé:

- Cô đi thăm chồng, đúng rồi… Vậy chồng cô là…

- Là bộ đội - em nói.

Lặng thinh lặng ngắt. Cả bọn trố mắt ra nhìn nhau, em cũng không còn gì phải sợ nữa. Chúng kéo qua phòng bên thì thào bàn tán, em cũng lo dỗ thằng Chiếu. Lát sau chúng trở qua, thằng chỉ huy tiếp tục, giọng không còn đay nghiến nữa:

- Chuyện cô đi thăm chồng là chuyện riêng của cô. Nhưng chuyện bình định huyện này lại là chuyện của chúng tôi. Chúng tôi không thể để cho người trong xã đi gặp bộ đội được, chồng cô dù sao cũng đang cầm súng bắn lại chúng tôi. Người ta sẽ nghĩ về chúng tôi như thế nào? Cấp trên nhận xét chúng tôi ra sao?

- Thì mình cạo đầu đi tù thôi - một đứa mặt nhọn như mặt chuột, nói chen ngang.

Tên chỉ huy trừng mắt với tên mặt chuột, nói tiếp với em: “Giờ cô tính sao? Quay trở về, hay tiếp tục đi”. Thằng Chiếu lại khóc nữa. Mấy hôm rày ngủ dưới gạch nó đã nhuốm bịnh, ốm xọp đi, không biết đau chỗ nào cứ giãy lên từng cơn. Em nhìn thằng Chiếu không cầm được nước mắt, nghĩ bụng thôi đành quay trở về, cốt sao đưa con ra khỏi chỗ này. Em xốc thằng Chiếu đứng lên, chờ chúng mở cửa ra về. Nhưng vừa lúc đó thằng mặt chuột nói xốc một câu:

- Không biết xã hết đàn ông hay sao lại đi lấy thằng bộ đội cho cực thân.

Em nghe nó nói vậy giận phát run lên. Trời ơi, tới chuyện em lấy chồng nó cũng xía vô. Em quay phắt trở vô ngồi xuống ghế. Bọn chúng ngạc nhiên quay lại nhìn em. Em cũng nhìn lại chúng, không sợ gì nữa. Nó đã nói vậy em phải nói cho nó biết. Em nuốt nước miếng mấy lượt để trấn tĩnh, đưa mắt nhìn thằng mặt nhọn, nói một hơi không cho nó xen vô:

- Ông nói chi câu độc địa vậy. Tôi tuy nông dân quê mùa chuyện lớn gì không biết, nhưng chuyện chồng con tôi phải biết. Là con gái tôi phải biết lấy ai làm chồng.

Rồi em kể hết cho chúng nghe chuyện em gặp chồng như thế nào, chúng em thương nhau ra sao, thương chồng thương con em lặn lội đi tìm cho cha con gặp mặt nhau. Em kể cả chuyện con gà em xách theo, qua làng này nó lớn lên làng kia nó đẻ làng kia nữa trứng nở… Em kể không mắc cỡ gì cả, rồi bồng thằng Chiếu đứng dậy chờ chúng bắt đi đâu thì bắt.

Nhưng chúng không bắt. Thằng chỉ huy em tính là thằng dữ nhứt, bỗng cúi đầu trầm ngâm, khoát tay kêu đám lính ra ngoài. Lát sau tên lính đến đưa chiếc giỏ chiếc lồng gà nói em muốn đi đâu thì đi, trở về nhà hay đi thăm chồng cũng được. Nói rồi nó đi rướn qua, mặt hầm hầm, không biết nghĩ gì. Nhưng nó nghĩ gì kệ nó, em đi thăm chồng em cứ đi...

Tháng 7-1971

Các tin khác