Tham vọng đa ngành, Thế Giới Di Động... 'hụt hơi'

(ĐTTCO) - Tham vọng “kinh doanh mọi thứ” của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đang dần bộc lộ khuyết điểm về quản trị, khi chuỗi Bách Hóa Xanh liên tục báo lỗ, còn hệ thống nhà thuốc An Khang chưa biết khi nào có lãi.
Từ năm 2015 đến nay, BHX hiện đang ghi nhận mức lỗ lũy kế hơn 8.053 tỷ đồng.
Từ năm 2015 đến nay, BHX hiện đang ghi nhận mức lỗ lũy kế hơn 8.053 tỷ đồng.

Nhiều mảng kinh doanh thua lỗ nặng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2023 của MWG, chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh (BHX) tiếp tục lỗ thêm hơn 300 tỷ đồng trong kỳ. Với mức lỗ trong quý I gần 354 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng BHX lỗ gần 659 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính từ thời điểm “khai sinh” năm 2015 đến nay, BHX hiện đang ghi nhận mức lỗ lũy kế hơn 8.053 tỷ đồng.

Tương tự, hệ thống nhà thuốc An Khang báo lỗ 150 tỷ đồng sau 6 tháng, nâng lỗ lũy kế lên 469 tỷ đồng tính từ thời điểm gia nhập thị trường năm 2018. Đáng chú ý, chuỗi Thế giới di động tại Campuchia cũng báo lỗ hơn 94 tỷ đồng trong quý II.

Việc nhóm kinh doanh kể trên tiếp tục thua lỗ tạo nên gánh nặng cho mảng kinh doanh công nghệ thông tin và điện gia dụng (ICT&CE) của MWG. Thế nhưng, mảng kinh doanh này cũng đang gặp khó khi mảng điện thoại, thiết bị điện tử đang vấp phải cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến giá rẻ, còn mảng điện máy đã có phần bão hòa.

Chính vì vậy, MWG phải chấp nhận bước vào cuộc đua giảm giá để tăng khả năng cạnh tranh khiến cho biên lợi nhuận gộp của MWG tiếp tục giảm xuống chỉ còn 18,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 21,2%.

Trong quý II vừa qua, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.465 tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022), trong khi lãi ròng chỉ đạt 17 tỷ đồng (giảm 98% so với cùng kỳ năm 2022) và là mức thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp này đưa cổ phiếu lên sàn HoSE năm 2014.

Nhân viên ồ ạt nghỉ việc

Hiệu quả kinh doanh không như kỳ vọng cũng chính là yếu tố khiến cho MWG đẩy mạnh cắt giảm nhân sự. Tính đến cuối tháng 3, số lượng nhân viên của doanh nghiệp này giảm gần 6.000 người so với thời điểm đầu năm 2023. Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty này cắt giảm lượng lớn nhân viên trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ suy yếu.

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2022, quy mô nhân sự của MWG đã bị thu hẹp còn hơn 73.200 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, MWG đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4% nhân sự. Như vậy, chỉ trong vòng 2 quý gần đây, số lượng nhân sự của MWG đã giảm gần 13.000 người, đưa quy mô nhân sự về mức tương đương cuối năm 2021.

Sau thông tin MWG sa thải gần 13.000 lao động, lãnh đạo MWG đã có phản hồi: "Chúng tôi khẳng định chưa từng có chủ trương thực hiện kế hoạch sa thải nhân viên. Tổng số nhân sự sụt giảm hoàn toàn do biến động tự nhiên".

Theo đại diện MWG, các năm trước, số lượng nhân sự nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế và sức mua giảm sút từ cuối năm 2022 tới đầu năm nay, MWG tạm ngừng tuyển dụng thay thế. Đồng thời, doanh nghiệp còn thực hiện sắp xếp lại các vị trí dựa vào doanh thu thực tế, do đó sẽ có sự sụt giảm.

Nếu đúng như giải trình là MWG không có chủ trương sa thải lao động hàng loạt, thì việc nhân viên nghỉ việc có thể bắt nguồn từ chính sách lương, thưởng có vấn đề. Theo báo cáo tài chính 2022, khoản thưởng cuối năm phải trả nhân viên là 1.565 tỷ đồng, giảm 45% so với số liệu ghi nhận hồi đầu năm. Lũy kế cả năm 2022, chi phí dành cho nhân viên đạt gần 9.500 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ.

Trong quý I vừa qua, chi phí nhân viên là một trong những khoản mục biến động mạnh nhất trong báo cáo tài chính của MWG khi ghi nhận giảm khoảng 900 tỷ đồng so với cùng kỳ, từ hơn 3.000 tỷ đồng còn hơn 2.100 tỷ đồng.

Hoạt động tái cơ cấu không hiệu quả?

Việc thị trường ICT&CE có dấu hiệu bão hòa là động lực để MWG lấn sân vào mảng bách hóa với việc cho ra đời BHX năm 2015. Tuy nhiên, “canh bạc” BHX đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí còn tạo nên áp lực lớn cho công ty mẹ. Do vậy, lãnh đạo MWG đã lên kế hoạch tái cơ cấu hoạt động của BHX bằng việc thu hẹp chuỗi cửa hàng và đặt mục tiêu sớm đưa BHX về điểm hòa vốn. Tuy nhiên, khả năng BHX có lãi vẫn còn mịt mù.

Theo SSI Research, mục tiêu có lãi của BHX khó đạt được trong năm nay do người tiêu dùng có thể thích mua sắm ở chợ truyền thống hơn khi thu nhập bị giảm. Với giả định doanh thu/tháng/cửa hàng tiếp tục cải thiện dần (2% mỗi tháng) trong 1-2 năm tới, BHX được kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn (tương ứng doanh thu/cửa hàng đạt 1,7 tỷ đồng/tháng) trong năm 2024 và có lợi nhuận ròng dương cho năm 2025.

Tương tự, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng MWG sẽ cần thêm thời gian để chứng minh được hiệu quả của chiến lược kinh doanh mới cũng như khả năng đưa chuỗi BHX đạt điểm hòa vốn trong 2024.

Để “bù đắp” cho BHX, lãnh đạo MWG quyết định tham gia vào thị trường bán lẻ dược phẩm vào đầu năm 2018, với việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành “mảnh ghép” giúp khai phá thị trường dược phẩm giàu tiềm năng. Từng có thời điểm, MWG mở mới bình quân 1 nhà thuốc An Khang mỗi ngày.

Thế nhưng, cuối năm 2022, trong một cuộc họp với nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT của MWG đã có chia sẻ về việc dừng mở mới cửa hàng của chuỗi nhà thuốc An Khang: “Số lượng hơn 500 cửa hàng cũng là đủ lớn để có những hỗ trợ tốt nhất từ phía hãng hay chạy những chương trình khuyến mãi cho khách hàng.

Vì thế, MWG không cần phải nỗ lực tới 800 cửa hàng như mục tiêu ban đầu. Việc chậm lại 1 nhịp cho hơn 500 cửa hàng như vậy cũng là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại, tối ưu hóa tất cả mọi thứ”.

Theo giới phân tích, An Khang đang vướng phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường dược phẩm, khi những chuỗi dược phẩm lớn và hàng ngàn nhà thuốc bán lẻ đã có sẵn trên thị trường. Không chỉ vậy, mô hình hoạt động của An Khang có nhiều điểm tương đồng với chuỗi dược phẩm lớn như Long Châu nhưng vị trí của An Khang không “sáng sủa” bằng, trong khi giá bán cũng không cạnh tranh.

Đến thời điểm hiện tại chưa có mảng kinh doanh mới nào của MWG mang lại hiệu quả như mảng kinh doanh đầu tiên là Thế giới di động. Thậm chí, MWG buộc phải “khai tử” nhiều mảng kinh doanh kém như: Bluetronics (Campuchia), AvaSport, vuivui.com, điện thoại siêu rẻ, mắt kính.

Các tin khác