Tháng Giêng không kéo dài ăn chơi

(ĐTTCO) - Không biết quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” có tự bao giờ, nhưng đã có một thời gian rất dài ngấm vào cách sinh hoạt của không ít người dân vùng, miền. 
Tháng Giêng không kéo dài ăn chơi
Với một xã hội thuần nông như trước đây, quan niệm này có vẻ hợp lý khi thời tiết tháng Giêng thường cực rét hoặc rất thất thường nên nếu gieo trồng cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Vì thế, tháng Giêng cũng là thời điểm người xưa gọi đây là lúc nông nhàn, không có việc để làm và tháng Giêng người ta có nhiều thời gian để vui chơi, hội hè. Và trong số khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ, trải dài trong 12 tháng thì tháng Giêng là tháng có nhiều lễ hội nhất, bởi gắn liền với đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước thời xa xưa. Cũng vì thế mà trong tâm thức dân gian vẫn còn lưu giữ quan niệm: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Thế nhưng, quan niệm này đến nay đã không còn phù hợp, kể cả với nghề nông khi một năm, người nông dân có thể cấy mấy mùa vụ; tỷ lệ nông dân ít hơn trước; công nhân, viên chức, doanh nghiệp và người làm dịch vụ tăng dần lên.
Các lễ hội truyền thống tại các địa phương vẫn được duy trì nhưng  chủ yếu mở đầu cho một mùa vụ sản xuất hoặc cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa chứ không còn kéo dài như trước. Trên thực tế, ngay từ những ngày làm việc đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất, kinh doanh. Theo ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp, công sở đều đã trở lại làm việc gần như bình thường.
Ở Hà Nội, các doanh nghiệp như May 10, Tổng công ty Thương mại Hà Nội… đều đã tổ chức khai xuân sản xuất, mở cửa phục vụ từ ngày 20-2, tức mùng 5 tháng Giêng. Cùng với đó, hàng loạt các chỉ đạo từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều yêu cầu các cấp ủy, cơ quan công sở bắt tay ngay vào công việc. 
Tại phiên họp đầu tiên năm Mậu Tuất 2018 của Ban Bí thư cuối tuần qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngay sau Tết Nguyên đán, các cấp ủy, tổ chức Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động cần bắt tay ngay vào công việc của mình, hăng hái thi đua sản xuất, làm việc có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. 
Còn trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về tình hình Tết Nguyên đán Mậu Tuất giữa tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần là tất cả các cấp, các ngành, mọi đơn vị phải bắt tay ngay vào việc, triển khai nhiệm vụ cụ thể. Các bộ, ngành, cơ quan rà lại nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của mình để bắt tay vào việc, không để tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ theo sự phân công cần đôn đốc kiểm tra công việc ở các đơn vị mình quản lý. Cùng với đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp ngay đầu năm.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ký văn bản yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ của năm 2018; Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường…
Số liệu được công bố cuối năm 2017 của Tổng cục Thống kê, cho thấy tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894USD, chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Đặc biệt, Tổng cục Thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087USD năm 2006 lên 131.333USD năm 2016; với Malaysia từ 39.806USD lên 46.190USD; Thái Lan từ 14.591USD lên 17.208USD; Indonesia từ 10.100USD lên 13.496USD; Philippines từ 6.691USD lên 7.561USD; Lào từ 220USD lên 1.422USD. Rõ ràng, với một nền kinh tế có năng suất lao động còn thấp như Việt Nam, thì quan niệm ăn chơi kéo dài, lãng phí thời gian với lễ hội quanh năm cần được xóa bỏ.
Cả khu vực doanh nghiệp và các cơ quan công sở cần chấn chỉnh tác phong làm việc, trong đó trách nhiệm của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh việc quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức, công nhân sốc lại tinh thần làm việc… thì thủ trưởng cơ quan cần xử lý những trường hợp vi phạm, xóa bỏ dần tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Các tin khác