Doanh nhân Trần Văn Thành (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Nhà Việt Nam, đã kinh qua nhiều lĩnh vực thương mại. Ông là người đã gầy dựng thành công thương hiệu Vạn Phát Hưng và Nhà Việt Nam với những dự án nhà ở kết hợp nghỉ dưỡng có tính tiên phong tại TPHCM.
Ý chí vươn lên
Từ năm 10 tuổi, cậu bé Thành đã theo cha mẹ ra chợ phụ bán hàng, do vậy tích lũy nhiều kinh nghiệm kinh doanh khi bước vào thương trường. Sau năm 1975 ông làm nhân viên một công ty nhà nước, chuyên đi thu mua nông sản để cung cấp cho các chợ đầu mối An Đông, Bà Chiểu, Trần Chánh Chiếu…, rồi chuyển sang làm tiểu thương ngành kinh doanh vải.
Giỏi việc kinh doanh, biết quý trọng đồng tiền do mình làm ra và luôn phấn đấu vươn lên nên ông nhanh chóng gặt hái nhiều thành công trên thương trường, trở thành một trong những đầu mối vải lớn nhất chợ vải Soái Kinh Lâm lúc bấy giờ.
Ông Trần Văn Thành nhớ lại: “Ngày 1-7-1991, thời điểm Luật Công ty có hiệu lực, đây được xem là sự kiện rất có ý nghĩa trong sự nghiệp kinh doanh của tôi. Từ đó mọi người đã có cái nhìn khác hơn về những người hoạt động buôn bán, trân trọng gọi họ là doanh nhân.
Việc Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá đúng vai trò của những người làm kinh tế tư nhân là động lực lớn để tầng lớp doanh nhân phấn đấu, nỗ lực xây dựng phát triển doanh nghiệp và tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.
Tháng 9-1991, theo chỉ đạo của Sở Thương mại TPHCM, Ban Quản lý Trung tâm thương mại Đồng Khánh (quận 5) vận động một số thương nhân tiêu biểu đang kinh doanh tại đây ra thành lập công ty hoạt động theo mô hình của Luật Công ty nhằm thí điểm để nhân rộng ra cả nước.
Sau đó một công ty chuyên về buôn bán vải do ông Thành và một số tiểu thương cùng một đơn vị nhà nước góp vốn ra đời. Công ty này chỉ tồn tại trong 3 năm rồi giải thể, do trong quá trình hoạt động có nhiều quan điểm trái ngược nhau giữa các bên góp vốn. Tuy thất bại nhưng ông Thành đúc kết được nhiều bài học quý giá để thêm bản lĩnh trên thương trường.
Đến khi thấy việc kinh doanh vải không còn thuận buồm xuôi gió như trước nữa, ông quyết định chuyển sang lĩnh vực bất động sản. Trước đó ông Thành đã thử kinh doanh bất động sản, dạng mua đi bán lại và nhận thấy đây là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn.
Những kinh nghiệm trong việc kinh doanh vải như quảng cáo tiếp thị, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, quản lý xây dựng khách hàng trung thành... đã rất hữu ích khi ứng dụng vào kinh doanh bất động sản. Không thể mãi là một anh “cò nhà đất”, ông thấy cần phải thành lập doanh nghiệp bất động sản để làm ăn bài bản, căn cơ.
Do vậy năm 1999 ông cùng một người bạn bỏ vốn thành lập CTCP Vạn Phát Hưng. Ông quan tâm học hỏi từ thực tế và đồng sự từ cách đàm phán mua đất, nghiên cứu thị trường, cho đến một số kỹ thuật trong xây dựng, nên nhanh chóng quen với công việc. Lúc ấy đang là thời hoàng kim của đầu tư bất động sản, Vạn Phát Hưng có sự tăng trưởng rất nhanh, với số vốn ban đầu 200 lượng vàng, đến năm 2007 tài sản của công ty đã lên 200 tỷ đồng.
Diện tích đất Vạn Phát Hưng đã đầu tư lên đến 60ha với hàng ngàn sản phẩm biệt thự, nhà phố, căn hộ. Cũng trong thời gian này ông Thành còn thành lập riêng Công ty Nhà Việt Nam (năm 2002). Đến năm 2007 công ty này tiến hành cổ phần hóa, ông quyết định thôi quản lý ở Vạn Phát Hưng để về hẳn CTCP Nhà Việt Nam với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, và đã tiếp tục tạo dấu ấn trong lĩnh vực bất động sản bằng những dự án nhà ở kết hợp với nghỉ dưỡng đầu tiên tại TPHCM.
Mở lối đi riêng
Dự án Trường Thạnh 1 thành công, được khách hàng đánh giá cao do hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tốt, chỉ 3 tháng sau khi xây dựng nhà xong khách hàng được cấp “sổ hồng”. Nghiên cứu thị trường, ông Trần Văn Thành nhận thấy nhiều khách hàng có nhu cầu sở hữu một căn hộ vừa là nơi ở vừa là nơi nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên sông nước, đầy đủ các tiện ích. Vậy là ông đầu tư dự án The Boat Club Residences (BCR), tại phường Trường Thạnh, quận 9.
Dự án này như một resort ở ngay tại TPHCM, có tổng diện tích 14,5ha, gồm 96 căn biệt thự đơn lập, 11 căn biệt thự VIP ở ngã ba sông, 39 nhà phố và 5 block chung cư bên bờ sông Tắc, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án BCR ra đời trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, hầu hết chủ đầu tư bị tắc đầu ra, không ít doanh nghiệp bất động sản phải giãn tiến độ thi công hoặc dừng thi công, vậy mà BCR vẫn được triển khai xây dựng và phần lớn sản phẩm đã được khách hàng đăng ký mua.
Đến nay hầu hết các hạng mục của BCR đã hoàn thành như hồ bơi, công viên, bến du thuyền…, biến một vùng đất đầm lầy thành một khu dân cư kiểu mẫu.
Dự án The Boat Club Residences đã biến một vùng đầm lầy thành khu dân cư kiểu mẫu. |
Ông Thành luôn tâm niệm: Doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững khi tạo dựng được lòng tin nơi khách hàng. Nhờ thực hiện phương châm đó công ty đã hoạt động khá hiệu quả, liên tục tăng trưởng trong thời gian qua: Năm 2009 đạt doanh thu 109,51 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2008; lợi nhuận gộp 45,83 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2008.
Năm 2010 đạt lợi nhuận hơn 50 tỷ đồng - đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh thị trường rất khó khăn. Hiện nay Nhà Việt Nam tiếp tục triển khai dự án biệt thự sinh thái trên đường Nguyễn Xiển (quận 9) cũng với mô hình khu dân cư sinh thái.
Trong cuộc cạnh tranh rất gay gắt, Nhà Việt Nam giành chiến thắng bằng cách nào? Ông Thành bày tỏ: “Thương trường là nơi cạnh tranh khốc liệt, có thể “một mất một còn”. Tuy nhiên nếu chúng ta chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác để cùng phát triển sẽ tốt hơn. Không chỉ các đối thủ cạnh tranh cùng nhau hợp tác, mà chủ đầu tư và khách hàng, đối tác đầu vào… cũng nên hợp tác với nhau, sẽ có lợi hơn rất nhiều.
Nếu kinh doanh lương thiện, ngay thẳng, sản phẩm của chúng ta sẽ tốt đẹp, đàng hoàng, tạo nên uy tín cho doanh nghiệp và chắc chắn sẽ được khách hàng tin tưởng ủng hộ. Không cách quảng bá nào hiệu quả bằng chính uy tín của doanh nghiệp và cái tâm của người đứng đầu công ty.
Tôi tin khi mình gắng làm tốt, tận tâm với khách hàng theo tiêu chí “chúng ta cùng có lợi” chắc chắn mọi người sẽ gắn bó và chia sẻ với doanh nghiệp của mình trong mọi hoàn cảnh”.
Trăn trở một đô thị văn minh - hiện đại
Vì sao trong thời gian qua thị trường bất động sản khó khăn nhưng dự án của Nhà Việt Nam vẫn bán tốt, tiến độ đóng tiền của khách hàng vẫn không bị chậm trễ? Vì họ tin ở doanh nghiệp và thấy được lợi ích căn cơ của việc đầu tư vào dự án. Không đầu tư dàn trải, chỉ tập trung vào một vài sự án và tập trung làm thật tốt - đó là cách đi riêng của Nhà Việt Nam. Chúng tôi đã tạo ra những sản phẩm nhà ở mang tính chuyên biệt để tạo sự mới lạ trong thị trường bất động sản và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Đó là những dự án được thiết kế đẹp, hiện đại, đầy đủ tiện nghi và hài hòa với môi trường sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, mang lại cho cư dân những lợi ích tốt nhất về sức khỏe và giải trí. | |
Ông TRẦN VĂN THÀNH, |
Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng diễn ra rất nhanh, góp phần làm thay đổi bộ mặt của đất nước. Nhiều dự án hạ tầng đô thị, dự án bất động sản ra đời đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm chỗ ở mới, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều yếu kém.
Đó là quy hoạch không đồng bộ, thiếu sự kết nối giữa các vùng miền, giữa các khu dân cư. Nhiều vấn đề bức thiết đặt ra rất sớm nhưng thực hiện chậm, cản trở rất lớn cho đô thị phát triển.
Với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, ông Trần Văn Thành trăn trở: “Hội Quy hoạch phát triển đô thị ra đời tập hợp những anh em là người có chuyên môn trong lĩnh vực này, có tâm huyết với sự nghiệp phát triển đô thị, sẽ cùng nhau có tiếng nói góp ý, phản biện để công tác quy hoạch, phát triển đô thị, ngày một hoàn thiện hơn. Mong muốn của chúng tôi là ngày càng có nhiều khu dân cư được quy hoạch hiện đại, đẹp, có nhiều tiện ích, tận dụng nắng gió thiên nhiên, thân thiện môi trường.
Để ngôi nhà của mọi người không chỉ là nơi ở mà còn là nơi thư giãn, nghỉ ngơi sau giờ làm việc mệt nhọc. Quy hoạch các khu đô thị phải có sự kết nối về hạ tầng kỹ thuật - xã hội để tạo động lực thúc đẩy phát triển đầy tính nhân văn. Hiện nay nhiều khu dân cư mới chỉ đưa vào sử dụng vài ba năm đã bị ngập nước, chung cư xuống cấp. Đó có một phần nguyên nhân từ quy hoạch, thiết kế. Với kiến thức và trách nhiệm của mình, tôi sẽ góp phần phản biện về những vấn đề liên quan để đô thị chúng ta ngày càng văn minh - hiện đại hơn”.
Với tâm huyết như vậy, trong hoạt động kinh doanh, ông Trần Văn Thành không đặt lợi nhuận là mục đích duy nhất, mà đặt thêm nhiều mục đích khác trong sứ mạng của công ty. Đó là góp phần xây dựng đô thị văn minh - hiện đại; tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên và đảm bảo về đời sống vật chất cho họ; thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; chia sẻ với cộng đồng…
năm Công ty Nhà Việt Nam trích khoảng 500 triệu đồng để tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện. Năm nay khó khăn hơn, công ty giảm còn 300 triệu đồng. Tuy nhiên bản thân ông Thành lại lấy thêm tiền túi chi cho các hoạt động ấy. Ông Thành xác định: Khi hình ảnh của công ty đối với xã hội tốt hơn, sản phẩm làm ra sẽ bán được nhanh hơn.