Để hỗ trợ DNNVV, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Quỹ Phát triển DNNVV với vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỷ đồng. Đây là một cơ chế được doanh nghiệp trông đợi từ lâu, được kỳ vọng sẽ tạo ra kênh vốn mới giúp DNNVV vượt qua khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế.
Kênh vốn mới cho DNNVV
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện DNNVV chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo ra hơn 50% cơ hội việc làm trong cả nước. Số DNNVV tăng bình quân 21,5%/năm với doanh thu bình quân tăng 29,6%/năm, đóng góp ngân sách nhà nước tăng 45,4%/năm...
Có vị trí quan trọng như vậy, nhưng khu vực DNNVV luôn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng, do năng lực tài chính yếu; công nghệ, trình độ quản trị và chất lượng nhân lực thấp... Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hàng năm có khoảng 10% DNNVV phải ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường do găp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Việc ra đời Quỹ Phát triển DNNVV ở tầm quốc gia là điều cần thiết. Tuy nhiên, quỹ này cần thực hiện sự liên kết hợp tác với hệ thống hỗ trợ DNNVV hiện có thì mới tạo ra cơ chế tốt, tạo ra tác động lan tỏa đối với việc hỗ trợ DNNVV. TS. Vũ Tiến Lộc, |
Một trong những khó khăn lớn nhất DNNVV gặp phải là tiếp cận tín dụng. Có 80% DNNVV hoạt động dựa vào vốn ngân hàng nhưng việc tiếp cận tín dụng lại không hề dễ dàng do DNNVV có ít tài sản cố định để thế chấp. Năng lực cũng như khả năng quản trị thấp của DNNVV cũng là lý do khiến các nhà băng e ngại khi cho vay.
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách từ các bộ, ngành nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển. Tuy nhiên, các chính sách này còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực lớn trong khi hiệu quả lại chưa cao. Chính vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ ở tầm quốc gia là một tin vui đối với cộng đồng DNNVV.
Theo quyết định của Thủ tướng, Quỹ Phát triển DNNVV là tổ chức tài chính của Nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập để hỗ trợ các DN nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. DNNVV sẽ được vay vốn từ quỹ nếu đáp ứng các điều kiện như có dự án, phương án kinh doanh khả thi thuộc danh mục các lĩnh vực ưu tiên; chủ DN phải cam kết tham gia tối thiểu 20% vốn trong dự án...
Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất - kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không quá 30 tỷ đồng. Thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm, trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT )quyết định, nhưng không quá 10 năm.
Lãi suất cho vay từ nguồn vốn của quỹ sẽ không quá 90% lãi suất cho vay thương mại, được xác định trên cơ sở lãi suất cho vay bình quân của 5 ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn Hà Nội.
Muốn vay phải chứng minh tính hiệu quả
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT), cho biết Quỹ Phát triển DNNVV sẽ nhắm vào các lĩnh vực Nhà nước đang khuyến khích phát triển như sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chế biến nông sản, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Do quỹ mang tính quốc gia nên không có hình thức chia, hay chuyển khoản cho các địa phương mà sẽ thực hiện trên toàn quốc. Cách thực hiện sẽ dựa trên một số tiêu chí, từ đó lựa chọn các DN hàng năm và có biện pháp hỗ trợ trực tiếp.
![]() |
DNNVV rất cần được hỗ trợ vốn để vượt qua khó khăn. Ảnh: CAO THĂNG |
Cho rằng việc ra đời Quỹ Phát triển DNNVV là một tin rất tốt, nhưng TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, lưu ý hiện cả nước có tới 500.000 DNNVV nên nhu cầu vốn hàng năm rất lớn.
Lượng vốn 2.000 tỷ đồng ban đầu của quỹ chỉ là bước đầu để tập dượt, thí điểm để tạo một kênh hỗ trợ cho DN: “Chúng ta không nên hy vọng ảo tưởng quỹ này ra đời sẽ giải quyết tất cả khó khăn về vốn cho DN. Chính phủ phải có chỉ đạo quyết liệt và thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc mới đưa quỹ này vào cuộc sống và có kết quả, có đóng góp”.
Theo quyết định của Thủ tướng, vốn điều lệ ban đầu của Quỹ Phát triển DNNVV là do Nhà nước cấp, ngoài ra có thể thu hút các nhà tài trợ đóng góp thêm.
“Hiện chúng ta cũng đang có một số quỹ hỗ trợ DNNVV như: Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ xuất khẩu, Quỹ đầu tư mạo hiểm… Vì vậy, việc tìm nguồn tài chính cho Quỹ Phát triển DNNVV cũng không hề dễ dàng. Quỹ phải chứng minh được tính hiệu quả khi hoạt động thì mới tạo được nguồn tài chính hoạt động lâu dài” - ông Nguyễn Hoa Cương nói.