Để có cái nhìn rộng hơn về vấn đề này, ĐTTC trích lược bài viết của ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, đã đăng trên ĐTTC, kiến nghị thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia.
Hệ lụy thị trường vàng miếng
Lâu nay tích trữ vàng đã trở thành tập quán của người dân do lo ngại sự mất giá tiền đồng. Song song với quá trình cất trữ, vàng còn làm chức năng thanh toán trong các giao dịch, nhất là lĩnh vực bất động sản. Thực ra, việc tích trữ và thanh toán là 2 chức năng cơ bản của vàng và nó hoàn toàn chính đáng, tồn tại ở nhiều quốc gia dù đó là nước phát triển hay đang phát triển.
Theo quy định của Pháp lệnh Quản lý ngoại hối, ngân hàng chỉ bán ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu và các nhu cầu chính đáng khác, tuyệt đối không bán cho nhu cầu cất trữ và thanh toán nội địa của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đáp ứng này trong thời gian qua không đầy đủ, đã làm gia tăng sự lớn mạnh của thị trường ngoại tệ tự do, hình thành tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Khi giá vàng trong nước tăng, một phần do đầu cơ và nguyên nhân cơ bản từ biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước quy đổi cao hơn giá thế giới, đã buộc NHNN phải cho nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường. Hành động này có nghĩa NHNN bán ngoại tệ cho các đầu mối nhập khẩu vàng để bán ra thị trường.
Như vậy việc cất trữ vàng vật chất không còn đến từ thói quen của người dân, mà còn là một kênh đầu cơ của giới kinh doanh ngoại tệ và vàng, vì nắm giữ vàng cũng được xem như nắm giữ ngoại tệ mạnh. Hệ quả là lượng dự trữ ngoại tệ ngày càng bị bào mòn khi tâm lý nắm giữ vàng ngày càng gia tăng.
Trải qua một thời gian khá dài, thị trường vàng không xác lập được rõ ràng cơ quan quản lý, đã tạo môi trường cho nhiều công ty kinh doanh vàng ra đời để phân chia lợi ích từ hoạt động gia công vàng miếng. Nhiều thương hiệu vàng miếng xuất hiện trên thị trường là minh chứng cho điều này.
Việc quy đổi vàng miếng được xác lập theo công thức sau: Giá 1 lượng vàng = (giá 1 troy ounce + phí vận chuyển và bảo hiểm) x 1,20556 x (1 + thuế nhập khẩu) x tỷ giá VNĐ/USD + phí gia công. Thí dụ, với mức giá vàng thế giới hiện nay là 1.630USD/ounce, phí vận chuyển và bảo hiểm ước 1,5USD/ounce, tỷ giá bán theo ACB niêm yết 20.834VNĐ/USD, thuế nhập khẩu bằng không.
Như vậy nếu không tính phí gia công giá vàng trong nước khoảng 40,978 triệu đồng/lượng. Trong khi đó dù hạ nhiệt nhưng giá thị trường hiện nay khoảng 44,5 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy “phí gia công và lợi nhuận” 1 lượng vàng ở Việt Nam được các công ty kinh doanh vàng tính lên đến gần 4 triệu đồng/lượng.
Chính vì miếng bánh lợi ích này quá lớn đã hấp dẫn nhiều giới đầu tư nhảy vào tham gia nhập khẩu vàng và nỗ lực bán vàng miếng thời gian qua.
Kết nối lợi ích Nhà nước, người dân
Chủ trương của Chính phủ trong việc kiểm soát hoạt động thị trường vàng là hoàn toàn đúng đắn, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ giá trị của nội tệ, nhưng việc triển khai đang gặp lúng túng. Bởi nếu thừa nhận việc sở hữu vàng miếng của người dân là hợp pháp, tức được quyền mua và bán vàng tự do ở một số đầu mối nhất định.
Cách thức này chỉ chấn chỉnh thị trường vàng miếng đang diễn ra bát nháo, tùy tiện và đưa về một số đầu mối nhất định. Nói cách khác, tình hình vẫn chẳng thay đổi khi thu hẹp hoạt động kinh doanh vàng về một số đầu mối. Thực hiện giải pháp này chắc chắn không đúng chủ trương của Chính phủ nêu trong Nghị quyết 11.
Cách thức này sẽ giải tỏa được tâm lý của người dân nhưng không giải quyết được những hệ lụy của nó đối với nền kinh tế. Nhưng nếu thực hiện chủ trương cấm kinh doanh vàng miếng, nghĩa là không được bán vàng cho người dân, người dân bán vàng miếng mà không được mua… có thể gây sốc trong xã hội và phát sinh tư tưởng bất an.
Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng ở các nước trên thế giới là cho ra đời “Trung tâm giao dịch vàng quốc gia”. Trung Quốc đã làm điều này và đã thành công bước đầu trong việc quản lý thị trường vàng. Khi có trung tâm giao dịch vàng (gọi tắt là sàn vàng), trước tiên buộc giới đầu cơ phải giao dịch qua sàn vàng, áp lực trên thị trường vàng miếng tự do giảm, vì muốn kinh doanh họ không nhất thiết phải mua vàng miếng để cất trữ.
Từ đó áp lực lên vàng vật chất không lớn cho nền kinh tế nên không nhất thiết phải nhập vàng miếng. Sau lộ trình này, việc kinh doanh vàng miếng của người dân cũng được đưa lên sàn giao dịch vàng tập trung, lúc đó người dân sẽ quen dần với phương thức giao dịch qua sàn.
Đối với Nhà nước, sàn giao dịch vàng quốc gia đem đến 4 lợi ích: Thống kê và kiểm soát sự tích trữ vàng và ngoại tệ của dân chúng; Nhà nước thu được thuế từ các giao dịch vàng; xóa bỏ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, từ đó giảm được áp lực lên tỷ giá.
Thông qua sàn vàng, NHNN có thể dễ dàng hơn trong việc huy động vàng trong dân và làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia một cách linh hoạt khi cân đối, điều tiết giữa ngoại tệ và vàng. Với người dân, sàn giao dịch vàng cũng mang đến nhiều sự thuận tiện, có thể mua bán thông qua các thành viên trên thị trường.
Người dân chính thức được Nhà nước thừa nhận việc sở hữu vàng, nhưng việc sở hữu này không hoàn toàn bằng vàng vật chất cất trữ riêng lẻ trong gia đình mà được tập trung trong kho vàng quốc gia (đóng vai trò như ngân hàng vàng của quốc gia).