Theo phản ánh thực tế của doanh nghiệp (DN), những rào cản về điều kiện, môi trường kinh doanh không chỉ cản trở sự phát triển của doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực thi. Về mặt số lượng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện có giảm trong những năm qua, nhưng lại dẫn chiếu đến các quy định khác, nên việc cắt giảm chưa khẳng định được là thực chất.
'Quy trình thủ tục tại địa phương kéo dài. Mặc dù giấy tờ các nhà đầu tư đã nộp đủ nhưng nhiều địa phương không ra quyết định. Việc kéo dài thời gian cấp phép ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam vì nhiều doanh nghiệp có vốn sẵn rồi, chỉ chờ cấp phép là thực hiện dự án nhưng thời gian chờ đợi quá dài", bà Nguyễn Cẩm Vân, Trưởng văn phòng đại diện Hà Nội, Hiệp hội các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) nêu thực tế.
Qua rà soát sơ bộ về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực cho thấy, chất lượng điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực đã được cải thiện. Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành khoảng 40 văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh đến cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Mặc dù vậy, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở một số ngành nghề còn chậm, thậm chí không có chuyển biến.
"Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì giảm nhưng nội hàm của ngành nghề lại mở rộng hơn, bao trùm hơn. Đi cùng với đó là các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kèm theo. Qua khảo sát, cho thấy một số bộ, ngành tiếp tục ban hành và thực thi các điều kiện kinh doanh với mức độ chặt chẽ hơn. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế", ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.
Theo các chuyên gia, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang là yêu cầu cấp bách, được xem như một gói hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp.
Để thực hiện việc này, cần có cơ chế, chính sách cụ thể; phân cấp, phân quyền một cách rõ ràng cho các đơn vị, địa phương để tránh tình trạng sở nào, ngành nào cũng có quyền đưa ra quy định và có quyền thanh tra, kiểm tra, gây khó cho doanh nghiệp.
"Tôi đề nghị nên mở một cuộc điều tra từ doanh nghiệp để phát hiện thêm và xác định các giấy phép con và các điều kiện kinh doanh. Có rất nhiều lĩnh vực có thể dùng kinh tế số để giám sát được, tiến tới xác định rõ các điều kiện kinh doanh và giảm bớt các thủ tục cho DN", Chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh kiến nghị.
Cũng theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, bên cạnh những khó khăn của doanh nghiệp về dòng tiền, thị trường và lãi suất thì chi phí tuân thủ của doanh nghiệp cũng là một rào cản, gây ra sự ức chế, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Trước những khó khăn đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp bách.
"Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần quán triệt, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng được một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thật cụ thể. Bên cạnh đó, chất lượng, năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước cũng phải được nâng lên, thông qua hệ thống pháp luật, thông qua đội ngũ cán bộ, thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra và cả công cuộc phòng chống tham nhũng", TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ về tài khóa của doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng của một số yếu tố khó khăn như: Các thủ tục phức tạp, yêu cầu chặt chẽ về đối tượng áp dụng, hạn chế trong tiếp cận thông tin, các giải pháp hỗ trợ không phù hợp hoặc không đủ lớn.
"Chính sách của mình đưa ra rất nhiều. Thực tế chúng ta vẫn kéo dài thời gian trả nợ cho doanh nghiệp, vẫn khoanh nợ, vẫn hoãn nợ và giảm lãi suất. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Kể cả Quốc hội và Chính phủ đều bàn rất nhiều về việc này, nhưng vẫn cần có thời gian để tìm được lối ra", Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam thẳng thắn.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới nửa cuối năm còn khó lường thì việc bắt buộc phải làm ngay lúc này là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.