Từ những cái “bắt tay”, mua lại dự án “chết”, Hưng Thịnh đã làm chủ thị trường khi liên tục phát triển hàng chục dự án đắc địa tại TPHCM. Nhưng khá ngạc nhiên, từ đầu năm đến nay Hưng Thịnh không trình làng dự án nào mới, thay vào đó phát triển tại TP Quy Nhơn (Bình Định), với dự án có quy mô khoảng 70ha, gồm căn hộ chung cư, nhà phố, trung tâm thương mại...
Một cái tên khác trong làng địa ốc TPHCM quyết định dịch chuyển mạnh sang vùng ven và các thị trường tiềm năng mới là Nam Long Group. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long Group, cho biết trong năm 2019 bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai hơn 400ha quỹ đất sạch sẵn có, chiến lược của Nam Long sẽ mở rộng thị trường ra phía Bắc và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với hơn 200ha quỹ đất. Các khu đô thị mới của Nam Long có quy mô từ 20-200ha và đều là những quỹ đất sạch tập trung tại Đồng Nai, Long An, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Ăn theo tin đồn sốt đất, hàng trăm ki-ốt tư vấn môi giới BĐS mọc lên bên trong một dự án do Tập đoàn Trung Nam đầu tư tại Đà Nẵng. Ảnh Minh Tuấn
Sau khi gặp rắc rối về việc tạm dừng một số dự án dính líu đến đất công, ông lớn Novaland cũng đã bắt đầu dạt ra các tỉnh thành lân cận để đầu tư, phát triển dự án. Tại Bình Thuận, Tập đoàn Novaland khuấy động 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn. Cụ thể, trong quý I-2019 mở bán 600 căn biệt thự Novahills (40ha) ra thị trường, và dự kiến trong tháng 4-2019 Novaland tiếp tục trình làng dự án Novaworld Phan Thiết quy mô lên đến 1.000ha.
Theo ông Nguyễn Quốc Vy Liêm, Phó Tổng giám đốc LDG Group, việc các doanh nghiệp rời bỏ thị trường TPHCM chỉ là tạm thời, vì đây vẫn là thị trường sinh lời cao nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng hướng đến các vùng có tiềm năng phát triển, căn cứ trên các yếu tố mật độ dân cư, hiệu ứng thị trường, hạ tầng, nhu cầu nhà ở tại các khu vực đó…
“Thị trường tỉnh lẻ sẽ có những thuận lợi như chính sách khuyến khích của chính quyền địa phương; quỹ đất lớn giúp các doanh nghiệp dễ phát triển các dự án; doanh nghiệp có thể đầu tư dự án theo từng giai đoạn để phù hợp với nguồn vốn sẵn có. Giá đất rẻ cũng giúp các doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn không nhiều, hạn chế rủi ro khi đầu tư” - ông Liêm chia sẻ.
Trao đổi với ĐTTC, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, dự báo trong năm 2019 xu thế đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng càng rõ rệt, khi rất nhiều doanh nghiệp BĐS trước đây chỉ đầu tư căn hộ tại các TP lớn đã chuyển sang loại hình này như Hưng Thịnh, Novaland, Văn Phú Invest, Phú Long, CEO Group…
Một lý do quan trọng để các công ty BĐS chuyển hướng qua kênh đầu tư nghỉ dưỡng biển với 2 yếu tố: xu hướng căn nhà nghỉ dưỡng thứ hai tại vùng biển; kênh đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng biển có mức sinh lời từ 8-10% so với mức 4-5%/năm của đầu tư căn hộ nhà ở.
Mặc dù số lượng BĐS nghỉ dưỡng đã được xây dựng khá nhiều tại các vùng biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… song theo TS. Đinh Thế Hiển, nguồn cung vẫn chưa đủ với nhu cầu đầu tư và nghỉ dưỡng. Quỹ đất ven biển đang được đầu tư rất mạnh, nhất là tại các vùng biển mới vẫn còn dư địa lớn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Khánh Quang, Giám đốc Công ty Việt An Hòa, thách thức đối với các doanh nghiệp địa ốc khi dịch chuyển thị trường về tỉnh đó là rào cản hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội yếu kém. Phần lớn chủ đầu tư làm quy trình ngược, đó là chỉ quan tâm đến lập dự án bán hàng kiếm tiền bỏ túi, thay vì trước hết phải đầu tư hạ tầng giao thông, đầu tư tiện ích - dịch vụ phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân khi đến đây sinh sống.
Ông Quang cũng khuyến cáo, nhằm tránh rủi ro khi đầu tư đất phân lô ở các tỉnh, nhà đầu tư cần lưu ý kiểm tra kỹ và yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy chứng nhận; chứng chỉ quy hoạch để biết tình trạng quy hoạch sử dụng đất; kiểm tra mật độ dân số, các hạ tầng xã hội (chợ, trường học, bệnh viện...) trong vòng bán kính 1-2km; nên khảo sát kỹ khu vực dự án để hiểu rõ tương lai phát triển.