Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là nguồn thu của ngân sách nhà nước góp phần trang trải chi phí hoạt động quốc gia, trong đó có chi phí cho giáo dục - đào tạo, y tế, an ninh - quốc phòng. Thế nhưng, 2 yếu tố quan trọng nhất của sắc thuế này là chính sách thuế (nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách) và người nộp thuế (tự giác kê khai và nộp đúng, đủ) lại chưa thực sự phát huy hiệu quả.
“Tự mình hại ta”
![]() |
Cách kê khai và tính thuế phức tạp làm ngành |
Chúng ta đang áp dụng thuế TNCN theo Thông tư 84/2008/TT - BTC ngày 30-9-2008 với một số điều được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 62/2009/TT - BTC ngày 27-3-2009 và Thông tư 113/2011/TT - BTC ngày 4-8-2011 của Bộ Tài chính.
Theo đó, người lao động nuôi người phụ thuộc, có thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/tháng phải nộp thuế TNCN ở mức 5 triệu đồng/tháng là 5% và phần trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng nộp thuế 10%... Mức chiết trừ gia cảnh để nuôi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Câu chuyện bắt đầu thấy bất hợp lý khi từ 2008 đến nay giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như xăng, điện, nước... đã tăng nhiều, đặc biệt từ giữa năm 2010 và năm 2011 càng tăng cao. Trong khi đó mức thu nhập khởi điểm chịu thuế và mức thu nhập chiết trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh kịp thời.
Thu nhập chịu thuế và thuế suất vẫn áp dụng như sau: đến 5 triệu đồng/tháng, thuế suất 5%; trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng, thuế suất 10%; trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng/tháng, thuế suất 15%; trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng/tháng, thuế suất 20%; mức thu nhập chịu thuế cuối cùng là trên 80 triệu đồng/tháng, thuế suất 35%.
Thử nghĩ một loại thuế liên quan trực tiếp đến thu nhập của người lao động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân và gia đình họ mà có tới 7 mức thu nhập với 7 mức thuế suất khác nhau.
Điều này làm cho người nộp thuế nhớ không nổi và rất khó kê khai để nộp thuế. Sự rắc rối này cũng làm việc tính và thu thuế của doanh nghiệp, các cơ quan và cả ngành thuế mất nhiều thời gian, công sức trong việc tính đúng và thu đủ thuế TNCN cho ngân sách nhà nước.
Giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống giữa các thành phố lớn trực thuộc Trung ương thường cao hơn so với các tỉnh. Tuy nhiên, thuế TNCN đang áp dụng chưa tính đến sự chênh lệch này. Mức thu nhập chịu thuế và thuế suất nói trên áp dụng cho tất cả các vùng, tỉnh-thành trong cả nước.
Các kiểu “né” thuế
Từ khi có thuế TNCN, đại đa số người lao động có thu nhập chịu thuế đều tự giác kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, một số ít người lao động có thu nhập chịu thuế, thậm chí thu nhập khá cao nhưng tìm cách “né” thuế.
Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất với các khoản chi trả tiền hoa hồng đại lý bán hàng, tiền lương, tiền công, tiền dịch vụ khác... mỗi lần chi trả 1 triệu đồng (trước tháng 8-2011 là 500.000 đồng), với cá nhân có mã số thuế khấu trừ 10%, cá nhân không có mã số thuế khấu trừ 20%.
Để “né” thuế trong trường hợp này, đơn vị chi trả và người được trả tiền thỏa thuận chia làm nhiều lần chi trả, mỗi lần cách nhau vài ngày và mỗi lần chi trả đều dưới 1 triệu đồng.
Hiện tượng “né” thuế thứ hai là việc chuyển nhượng tài sản có giá trị khá lớn và bất động sản. Người mua và người bán thỏa thuận với nhau ghi trong hợp đồng mua bán số tiền mua bán thấp hơn so với số tiền thực tế để nộp thuế ít. Phần thuế TNCN “né” được, người phải nộp thuế chia cho người kia một phần hai bên đều vui vẻ.
Với một số nhược điểm cơ bản và quan trọng như trên, thuế TNCN chưa thể hiện được chức năng của nó là thu thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, dễ nhớ và dễ làm. Đã đến lúc nên sửa đổi toàn diện thuế TNCN phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Kê khai đúng và nộp thuế đầy đủ là trách nhiệm của công dân. Các cách “né” thuế hay trốn thuế đều vi phạm Luật Thuế và xã hội luôn lên án.
Thuế TNCN được sửa đổi toàn diện, phù hợp với thực tiễn, có lý và có tình, người có thu nhập chịu thuế tự giác kê khai đầy đủ và đúng, nộp thuế kịp thời là góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.