Thâu tóm DNNY: Tăng số lượng, hiệu quả thấp

Tình hình kinh doanh khó khăn cùng với mặt bằng giá cổ phiếu đang ở mức thấp như hiện nay, việc thu gom cổ phiếu để giành quyền điều hành trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, việc “thay máu” này liệu có mang lại sự thay đổi cho doanh nghiệp hay không là câu hỏi không dễ trả lời ngay.

Tình hình kinh doanh khó khăn cùng với mặt bằng giá cổ phiếu đang ở mức thấp như hiện nay, việc thu gom cổ phiếu để giành quyền điều hành trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, việc “thay máu” này liệu có mang lại sự thay đổi cho doanh nghiệp hay không là câu hỏi không dễ trả lời ngay.

Ồ ạt đổi chủ

Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kể từ đầu năm 2012 đến nay đã có hơn 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngưng hoạt động (tăng 9,5% so với cùng kỳ).

Đây là hiện tượng đáng báo động về tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nợ nần chồng chất, sản phẩm ứ đọng không tiêu thụ được, nợ phải thu khó đòi quá lớn do khách hàng không thanh toán.

Khi doanh nghiệp khó khăn, việc tái cấu trúc giống như liều thuốc chữa bệnh để doanh nghiệp có thể tồn tại. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục và cần thiết ngay cả khi nền kinh tế hoạt động bình thường chứ không đợi khi khủng hoảng mới tiến hành.

TS. NGUYỄN ĐỨC THỌ,
Hiệu trưởng Trường Doanh nhân quốc tế Sài Gòn

Từ đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thanh toán được nợ đến hạn (chủ yếu là các khoản nợ ngân hàng). Chính vì vậy, năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bùng nổ các hoạt động thâu tóm doanh nghiệp với sự gia tăng đáng kể về số lượng lẫn quy mô.

Các thống kê cho thấy các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm đến 77% và thường thực hiện ở quy mô từ 2-5 triệu USD, một số ít thương vụ có giá trị 10-30 triệu USD. Các lĩnh vực chiếm ưu thế vẫn là tài chính - ngân hàng, thực phẩm - nguyên vật liệu, bất động sản và năng lượng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ thành công của các thương vụ thâu tóm đạt khá thấp, khoảng 35%. Trong đó đa phần là các thương vụ mua lại vốn góp hoặc cổ phần của doanh nghiệp để tham gia sở hữu, quản lý và điều hành.

Theo TS. Luật sư Lê Đình Vinh, một trong những nguyên nhân khiến nhiều thương vụ thâu tóm không thành công là các doanh nghiệp chưa đánh giá hết những diễn biến của vụ việc, đặc biệt là các khía cạnh pháp lý nên không thể lường hết được các vấn nảy sinh trong quá trình mua bán, khiến nhiều thương vụ bị đổ vỡ giữa chừng.

Không lường được hậu quả

Ngân hàng là lĩnh vực có sự “soán ngôi đổi chủ” rõ ràng nhất trong thời gian gần đây. Đến thời điểm hiện nay, chỉ có thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB và Eximbank mua cổ phần Sacombank gần như đã ngã ngũ, trong khi đó thương vụ SHB mua lại HBB vẫn đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Vấn đề dư luận đang quan tâm nhất hiện nay là SHB sẽ xử lý như thế nào với khoản lỗ 4.000 tỷ đồng của HBB.

Khách sạn Deawoo đã bị Hanel mua lại.

Khách sạn Deawoo đã bị Hanel mua lại.

Thực tế, vấn đề nợ xấu đang là yếu tố quan trọng nhất trong các quyết định thâu tóm hiện nay. Theo thống kê, kết thúc quý đầu tiên của năm 2012, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với con số nợ xấu lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chỉ cần lướt qua một số báo cáo tài chính quý I-2012 của các ngân hàng có thể dễ dàng thấy được hiện tượng lạ.

Đó là dư nợ cho vay giảm nhưng nợ xấu lại tăng nhanh. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở các ngân hàng nhỏ mà có ở cả ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại quốc doanh. 

Bất động sản cũng là lĩnh vực có sự xáo trộn mạnh về cơ cấu cổ đông khi thị trường này ngày càng đi vào bế tắc. Hàng loạt thương vụ chuyển nhượng đã diễn ra, trong đó có nhiều thương vụ nổi bật như: Tập đoàn Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn thương hiệu Victoria, Hanel mua lại cổ phần của khách sạn Deawoo, BRG mua lại cổ phần của khách sạn Hilton…

Tuy nhiên, việc “thay máu” trong lĩnh vực này khó mang lại thành công bởi phong trào đầu tư tràn lan trước đây. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng bộ phận nghiên cứu khả thi của Savills Việt Nam, cho biết cứ 10 đối tác có nhu cầu về mua bán có đến 9 dự án có mục đích chuyển nhượng dự án.

Sự mất cân bằng này xuất phát từ việc tham gia thị trường bất động sản một cách tràn lan của hầu hết doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế. Cũng theo ông Sơn, cách đây vài năm phần lớn giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ngoài bất động sản đều cho rằng cần phải mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản như là hoạt động kinh doanh chính.

Lý do của ý đồ này khá dễ hiểu, bởi thời điểm này lĩnh vực bất động sản mang lại rất nhiều lợi nhuận. Thế nhưng, với sự phát triển tràn lan và thiếu thực chất trong phân tích thị trường, những dự án này không hứa hẹn mang lại lợi nhuận khi thị trường bất động sản đóng băng.

Lĩnh vực khai thác khoáng sản cũng chứng kiến nhiều thương vụ “thay máu”. Tuy nhiên, có không ít thương vụ chuyển nhượng mà cả bên mua và bên bán đều không định giá đúng về giá trị, từ đó dẫn đến việc kiện cáo hoặc tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng mỏ. Điển hình là hàng loạt vụ tranh chấp chuyển nhượng vốn góp, chuyển giao tài sản doanh nghiệp và dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Theo ông Đặng Xuân Minh, Thẩm định viên về giá, thông tin về trữ lượng mỏ khoáng sản còn rất hạn chế. Điều này khiến chủ đầu tư và cả thẩm định viên đều gặp khó khăn trong việc xác định hiệu quả dự án cũng như giá trị của mỏ. Đặc biệt, một thực tế đáng báo động là nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm đến giấy phép mà ít chú ý đến trữ lượng mỏ nên hiệu quả của các thương vụ thâu tóm này thường không cao.

Năng lực quyết định thành công

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là mỗi lần thay đổi cơ cấu cổ đông có mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp? Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp phải một số vướng mắc thời kỳ hậu thâu tóm. Chẳng hạn, tại một số doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT gần như nắm toàn bộ quyền lực, trong khi các chức danh tổng giám đốc lại chưa có nhiệm vụ rõ ràng nên không thể có được những quyết định chiến lược dài hơi.

Tái cơ cấu lại hoạt động ngân hàng không phải là động tác lắp ghép cơ học nhằm giảm số lượng ngân hàng xuống. Tái cơ cấu ngân hàng qua hoạt động mua bán sáp nhập nên được xem là cải tổ sâu đậm trong hệ thống tài chính.

Ông PHẠM ĐỖ CHÍ,
chuyên gia ngân hàng

Có thể dẫn chứng điều này qua lĩnh vực ngân hàng. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, có một thực tế là HĐQT không chỉ tham gia sâu những quyết sách của ngân hàng mà thường can thiệp vào việc điều hành qua những yêu cầu trực tiếp hay gián tiếp đến ban điều hành, nhằm cho ra những quyết định theo ý HĐQT hay một số thành viên HĐQT. Những biểu hiện rõ rệt cho trường hợp này là HĐQT tổ chức họp liên tục và đột xuất trong sự căng thẳng.

Ranh giới chỉ đạo, xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách không rõ ràng và thường đưa đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đặc biệt, tại nhiều ngân hàng có những cổ đông sáng lập là những cổ đông lớn. Các cổ đông này thường cảm thấy có trách nhiệm rất lớn với sự sống còn của doanh nghiệp. Vì thế, họ thường giành luôn quyền kiểm soát tuyệt đối không chỉ với nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược mà ngay cả trong những quyết định thuộc thẩm quyền của ban điều hành.

Theo phân tích của Tập đoàn Tư vấn quản lý toàn cầu Hay Group, các doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất năng động của các hoạt động “thay máu”, bởi điều này quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Và một trong những yếu tố then chốt chính là năng lực lãnh đạo. Để thành công doanh nghiệp phải ưu tiên xem xét khả năng lãnh đạo. Cần phải xác định rõ vai trò của lãnh đạo sau thâu tóm cao hơn so với năng lực lãnh đạo cũ.

Việc lựa chọn người đứng đầu cần thực hiện nhanh chóng, trong đó các vai trò chủ chốt được xác định càng sớm càng tốt. Bộ máy điều hành mới cần phải chứng minh giá trị doanh nghiệp với đội ngũ nhân viên một cách tổng thể những bước đi tiếp theo. Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ dẫn đến những cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp do hiểu lầm và lệch pha. Từ đó dẫn đến mức độ gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp thấp, sự ra đi của các nhân tài then chốt, các hoạt động phá hoại ngấm ngầm của các lãnh đạo bị tước quyền lực...

Các tin khác