(ĐTTCO)-Việc thay đổi theo ngày giúp tỷ giá biến động nhỏ hơn, không gây sốc cho doanh nghiệp như trước đây. Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá mới linh hoạt cũng sẽ làm cho cung cầu thị trường thông suốt nên việc mua bán ngoại tệ sẽ thuận lợi hơn.
Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vào chiều ngày 4/1/2016 tại buổi công bố thông tin liên quan đến cơ chế điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước.
Ba yếu tố chính được xác định tỷ giá trung tâm
Sau khi công bố cách thức điều hành tỷ giá mới, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo nhằm làm rõ hơn về phương thức thực hiện cũng như các yếu tố tác động đến tỷ giá trung tâm được công bố hàng ngày.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thay đổi phương thức điều hành tỷ giá từ duy trì cố định với biên độ mục tiêu sang công bố hàng ngày là bước đi phù hợp trong bối cảnh thị trường thế giới đang có nhiều biến động. Dự kiến, trên thị trường thế giới năm 2016 Fed có thể sẽ có 4 lần điều chỉnh lãi suất, đồng CNY được đưa vào rổ tiền tệ có thể biến động khó lường, kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với một loạt FTA được ký kết, kỳ vọng TTP, gia nhập AEC...
Ông Bùi Quốc Dũng, Vũ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành tỷ giá trung tâm. Tỷ giá trung tâm có thể biến động hàng ngày theo cả chiều lên lẫn xuống được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến của 3 yếu tố chính.
Yếu tố đầu tiên là tỷ giá bình quân giao quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của ngày liền trước.
Thứ hai, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế được tính toán tương quan với rổ 8 đồng tiền của các đối tác thương mại, đầu tư, vay nợ có ảnh hưởng nhất đối với Việt Nam. Cụ thể là 8 đồng tiền này là: USD, EUR, CYN, Bath, JPY (Yên Nhật), SGD (đô la Singapore, KRW (đồng won Hàn Quốc), TWD (đồng tiền của Đài Loan).
Thứ ba là dựa trên các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Yếu tố này có thể hiểu nó mang dáng dấp như cách làm của một số ngân hàng trung ương trên thế giới, như trước các quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed đều phân tích kỹ lưỡng các chỉ báo về lạm phát, việc làm…
Ông Dũng cho biết thêm, các đồng tiền của các nước còn lại quá nhỏ nên không có tác động đáng kể đến cách tính này.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở tỷ giá trung tâm hàng ngày của Ngân hàng Nhà nước công bố thì các tổ chức tín dụng sẽ dựa vào đó tính trong biên độ +/-3% cho khách hàng.
Cũng theo ông Dũng, bên cạnh việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, vào thứ năm hàng tuần, hoặc ngày làm việc liền kề trước ngày thứ năm (trong trường hợp ngày thứ 5 là ngày lễ, ngày nghỉ), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá tính chéo của VND với các ngoại tệ khác để xác định tỷ giá tính thuế trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.
"Trong quá tình nghiên cứu xây dựng cách thức điều hành tỷ giá mới, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các tổ chức tín dụng và tham vấn ý kiến của các chuyên gia kinh tế về cách thức điều hành tỷ giá mới. Cách thức này thể hiện sự linh hoạt có lên, có xuống, phản ánh diễn biến trên thị trường ngoại tệ và đặc biệt là thị trường quốc tế vốn tác động khá lớn đến tâm lý của người dân trong thời gian gần đây," ông Dũng cho biết.
Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm phái sinh
Điểm mới của cơ chế điều hành tỷ giá mới là Ngân hàng Nhà nước có thêm công cụ phái sinh trong giao dịch với các ngân hàng thương mại. Cụ thể, trước đây, Ngân hàng Nhà nước chỉ sử dụng nghiệp vụ giao ngay trong giao dịch ngoại tệ với ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, với cơ chế mới, Ngân hàng Nhà nước sử dụng cả công cụ phái sinh đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại và cũng thông qua đó gửi thông điệp tỷ giá tới thị trường.
Ông Bùi Quốc Dũng tiết lộ, Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ phái sinh kỳ hạn 3 tháng cho các tổ chức tín dụng với giá cao hơn 1% so với tỷ giá hối đoái tại thời điểm 31/12/2015. Điều này có thể ngầm hiểu rằng, tỷ giá từ nay đến hết tháng 3/2016 sẽ không tăng vượt quá 1%.
Cũng theo ông Dũng, việc đưa ra công cụ phái sinh này cũng có lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp.
Cụ thể, hiện nay, nhu cầu ngoại tệ tăng cao nên Ngân hàng Nhà nước bán sản phẩm ngoại tệ phái sinh cho tổ chức tín dụng sẽ khiến tổ chức tín dụng yên tâm kinh doanh ngoại tệ, bởi khi gặp khó khăn về nguồn cung ngoại tệ đã có Ngân hàng Nhà nước đứng ra bù đắp.
Tuy nhiên, khi thiết kế sản phẩm phái sinh, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các ngân hàng thương mại được hủy ngang hợp đồng phái sinh này với mức phí chỉ mang tính "tượng trưng", điều này giúp cho tổ chức tín dụng linh hoạt hơn.
Ví dụ, hiện nhu cầu ngoại tệ đang tăng cao, ngân hàng thương mại cần đến sự "bảo hiểm" nguồn cung từ Ngân hàng Nhà nước nên mới mua sản phẩm phái sinh, nhưng sau Tết, khi cầu ngoại tệ giảm, nếu USD trên thị trường giảm, các ngân hàng có thể chủ động mua USD trên thị trường để cân bằng trạng thái mà không cần đến cái phao cuối cùng là Ngân hàng Nhà nước.
Đồng tình với cơ chế này, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, với cơ chế này, các sản phẩm phái sinh với sản phẩm kỳ hạn sẽ được đưa vào áp dụng một cách phổ biến và như vậy các nhu cầu mua bán ngoại tệ không chỉ thỏa mãn bởi phương thức giao ngay mà còn có thể thông qua phương thức giao dịch có kỳ hạn và các sản phẩm phái sinh khác.
"Điều này, chắc chắn sẽ làm giảm áp lực về mua bán ngoại tệ tại một số thời điểm và sẽ làm cho tỷ giá được phản ánh một cách đầy đủ hơn và sát thực hơn với cung cầu thị trường," ông Thọ nhận định.
Ông Thọ cho biết thêm, trên thực tế VietinBank đã áp dụng sản phẩm phái sinh từ nhiều năm trước và hiện nay cũng đang áp dụng.
Dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên sử dụng các sản phẩm phái sinh trong giao dịch ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thực tế khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng loạt các giải pháp chống đô la hóa, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lựa chọn các công cụ phái sinh trên thị trường ngoại tệ. Nếu như trước đây, doanh nghiệp chủ yếu giao dịch ngoại tệ ở dạng giao ngay, doanh số giao dịch các sản phẩm kỳ hạn chỉ khoảng 10 triệu USD/ngày nay đã lên 100-200 triệu USD/ngày.
Ngoài ra, theo bà Hồng, việc thay đổi theo ngày giúp tỷ giá biến động nhỏ hơn, không gây sốc cho doanh nghiệp như trước đây.