Bất chấp việc rơi khỏi top 30 nước hấp dẫn kinh doanh bán lẻ cũng như bị ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được coi là địa điểm tiềm năng để các nhà đầu tư khai thác. Theo đó, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang có những toan tính cho riêng mình trong chiến lược mở rộng, chiếm lĩnh thị phần chờ thời cơ bùng nổ.
Khó khăn còn nhiều
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 9 tháng năm 2013 đạt 1.932.012 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng thấp so với mức tăng cùng kỳ các năm trước (bình quân tăng 20-22%). Nguyên nhân giảm sút được đánh giá chủ yếu từ sức mua yếu. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 9 tháng năm 2013 đạt mức tăng 5,3%.
Năm nay được nhận định đầy khó khăn đối với doanh nghiệp bán lẻ. Trong bối cảnh này, chưa bao giờ người tiêu dùng được chứng kiến những cơn bão khuyến mại đến từ các nhà bán lẻ như hiện nay. Theo đó, hàng tháng, hàng quý các siêu thị đều đua nhau tung ra chương trình khuyến mại, nhưng vẫn không kích thích được sức mua của người dân, doanh số bán hàng nhiều siêu thị chỉ bằng năm ngoái hoặc thấp hơn. Bà Vũ Thị Hậu, |
Xét về cơ cấu ngành kinh tế, 9 tháng qua nhóm khách sạn, nhà hàng và dịch vụ đạt mức tăng cao hơn các ngành khác (đều tăng khoảng 15%), ngành thương nghiệp đạt mức tăng cao nhất 11,95%, ngành du lịch có mức tăng thấp nhất 2,36%.
Cùng với đó, trong 9 tháng qua, ước tính có hơn 11.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Những con số này phần nào cho thấy sức mua có dấu hiệu được cải thiện, doanh nghiệp bán lẻ đang lạc quan hơn vào thị trường.
Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh tổng quan của thị trường bán lẻ Việt Nam thời điểm này mới thấy khó khăn vẫn còn khá nhiều. Theo lãnh đạo của một hệ thống siêu thị nội có tiếng, doanh thu năm 2013 của doanh nghiệp ông có thể giảm sút khoảng 40% so với năm ngoái.
“Nếu những mặt hàng như thực phẩm vẫn có mức tăng doanh số ổn định thì doanh thu một số mặt hàng như dệt may, đồ điện gia dụng… tại siêu thị sụt giảm khá mạnh” - vị này nói.
Chỉ tính riêng tại TPHCM, theo chia sẻ của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương, sản phẩm điện máy hiện đang nằm trong 3 nhóm hàng có mức tồn kho cao. Thị trường bán lẻ điện máy cũng vừa chứng kiến thêm cuộc chia tay của siêu thị điện máy Home One.
Điều này cho thấy những khó khăn hiện nay khiến cả nhà đầu tư nước ngoài vốn vẫn được xem là mạnh về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm cũng đang loay hoay tìm hướng đi. Cụ thể là trường hợp của Công ty Family Mart Nhật Bản, sau một thời gian liên doanh cùng Phú Thái mở hệ thống cửa hàng tiện lợi, đã bán lại toàn bộ cổ phần của mình cho Phú Thái.
Theo nhận định của một số người trong ngành, cuộc chia tay này do kinh doanh không hiệu quả. Và dù mới đây Family Mart trở lại thị trường bằng việc khai trương cửa hàng tiện lợi tại quận 1, TPHCM, nhưng cũng khó có thể nói trước liệu sự trở lại này có thành công hay không.
Một khó khăn nữa các doanh nghiệp phải đối mặt khi mở rộng mạng lưới là việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp và việc trụ lại chịu lỗ thời gian đầu. “Thời gian lỗ hiện nay kéo dài hơn trước. Vì thế nếu không trường vốn nhà đầu tư khó trụ lại với thị trường” - tổng giám đốc một siêu thị bộc bạch. Và thực tế cũng có một vài chuỗi siêu thị phải đóng cửa bớt chi nhánh do không chịu nổi giá thuê mặt bằng cùng nhiều chi phí khác.
Nhưng vẫn đẩy mạnh đầu tư
Không ít nhà bán lẻ khi được hỏi vì sao thị trường đang khó khăn nhưng vẫn không ngừng đẩy mạnh đầu tư, đều có chung câu trả lời khó khăn chỉ là tạm thời, thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai rất tiềm năng. Tính đến nay mô hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm hơn 20%, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM chiếm khoảng 16% và 36%.
Trong khi đó tỷ lệ này ở những nước khác trong khu vực khá cao, như Indonesia 43%, Thái Lan 46%, Malaysia 53%, Trung Quốc 64%... Điều này cho thấy dư địa phát triển cho các nhà bán lẻ rất lớn. Theo một thống kê gần đây, cả nước hiện có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, 3 hệ thống chuỗi lớn nhất là Co.opmart với 63 siêu thị và 1 đại siêu thị, Big C 25 đại siêu thị và Metro có 24 trung tâm.
![]() |
Lotte, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc, đề ra mục tiêu có 60 đại siêu thị vào năm 2020 |
Mặc dù chưa có những cái tên lớn như Wall Mart, nhưng thị trường bán lẻ đã chứng kiến sự đổ bộ của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Lotte của Hàn Quốc, Tập đoàn NTUC FairPrice của Singapore, Aeon của Nhật Bản hay Berli Jucker của Thái Lan…
Với thế mạnh về vốn và kinh nghiệm, những nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị trường. Metro, Big C không ngừng vươn dài “cánh tay” của mình ra nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chỉ tính riêng Big C, trong năm 2013 hệ thống này đã có thêm 4 đại siêu thị và sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2014.
Một cái tên ngoại khác cũng đặt nhiều tham vọng ở thị trường Việt Nam là Lotte, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc, khi đề ra mục tiêu có 60 đại siêu thị vào năm 2020. Trong khi đó, Aeon Nhật Bản dự kiến đầu năm 2014 đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm đầu tiên với vốn đầu tư khoảng 109 triệu USD tại quận Tân Phú TPHCM.
Theo kế hoạch của Aeon, đến năm 2020 tập đoàn này sẽ có 20 trung tâm mua sắm với vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD. Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), cho rằng việc có thêm nhiều nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập sẽ làm cho thị trường thêm sôi động, thúc đẩy nhà đầu tư trong nước nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội chọn lựa.
Về khối nội, riêng mảng siêu thị những cái tên quen thuộc như Co.opmart, Citimart… đang tỏ rõ tham vọng đẩy nhanh độ phủ của mình. Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua Co.opmart đã khai trương đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn Co.opXtraplus tại Linh Trung, Thủ Đức (TPHCM) với vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Đây là kết quả của liên doanh giữa Saigon Co.op với Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore), với vốn điều lệ ban đầu 6 triệu USD, trong đó Saigon Co.op 64% và FairPrice 36%.
Có thể thấy việc tham gia mô hình đại siêu thị sẽ phần nào giúp Co.opmart tạo ra đối trọng với Big C và Metro. Theo dự kiến, mỗi năm Co.opmart sẽ cho ra đời khoảng 1-2 đại siêu thị và đến năm 2020 con số này sẽ lên khoảng 20 đại siêu thị. Ngoài ra, mảng siêu thị và cửa hàng tiện lợi cũng được Co.opmart đặt mục tiêu mở rộng. Trong khi đó, Citimart cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2017 có 100 siêu thị; Vinatextmart đặt mục tiêu có 200 siêu thị vào năm 2015.
Nắm bắt cơ hội vàng
Để tăng thêm tiềm lực tài chính cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm, một vài nhà bán lẻ trong nước đã tìm cách liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dù đến nay trong các liên doanh khối nội vẫn giữ tỷ lệ áp đảo, nhưng theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, nếu không thận trọng, nhà đầu tư trong nước sẽ rơi vào bẫy thâu tóm của khối ngoại.
Theo các chuyên gia, cứ khoảng 100.000 người dân cần có 1 trung tâm thương mại hoặc trung tâm mua sắm lớn; 10.000 người dân cần có 1 siêu thị và 1.000 người dân cần có 1-3 cửa hàng tiện lợi. Như vậy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay còn xa mới đáp ứng được nhu cầu. Do đó, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều khoảng trống cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, |
Nói rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, chia sẻ: “Liên doanh cũng có mặt lợi và hại. Lợi là nhà bán lẻ trong nước có thêm vốn, học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm. Song nếu thiếu thận trọng khó tránh khỏi việc bị thâu tóm”.
Bên cạnh đó, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh hoạt động khuyến mại, giảm giá càng khiến lợi nhuận nhiều nhà bán lẻ bị sụt giảm. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn nhà đầu tư nội nên bắt tay nhau để tạo thêm sức mạnh hơn là mạnh ai nấy làm.
Trên thực tế, trước đây đã có một số doanh nghiệp nội liên kết nhưng không mang lại kết quả cho nhóm cũng như cho doanh nghiệp khác trong ngành. Theo nhiều chuyên gia, cho đến nay chưa thể khẳng định phần thắng thuộc về bên nào, khối nội hay khối ngoại trong cuộc chạy đua trên thị trường bán lẻ. Bởi riêng mảng bán lẻ điện máy đang gần như nằm trong tay nhà đầu tư trong nước với những cái tên mạnh như Nguyễn Kim, Thegioidienmay.com, Pico…
Nhưng đến năm 2015 khi thị trường hoàn toàn mở cửa, khó có thể nói trước điều gì. Và cũng khó để trả lời câu hỏi khi nào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ bùng nổ. Chỉ biết đây đang là sân chơi cho những nhà đầu tư trường vốn, có kế hoạch kinh doanh đúng đắn và lâu dài. Tất cả đều đang âm thầm chuẩn bị cho thời cơ bùng nổ thực sự.
Bộ Công Thương mới đây đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại. Theo đó, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Dự báo đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội. Đó có thể sẽ là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư.