Thị trường chứng khoán: Trở chứng bất kham, rủi ro thua lỗ

(ĐTTCO) - Từ hơn 1.200 điểm, VN Index đã liên tục điều chỉnh, và đến phiên 29-5 đã có lúc chỉ số này rớt xuống gần 900 điểm.
VN Index mất khoảng 25% điểm số, trong khi nhiều cổ phiếu (CP) đã giảm từ 40-50%. Liệu sau đợt giảm sâu, thị trường chứng khoán (TTCK) có thể phục hồi nhanh chóng? Trong khi đó đa phần nhà đầu tư (NĐT) gần như “sập sàn”, thua lỗ nặng và không hiểu điều gì đang xảy ra.
Bi thương tháng 5
Được hỏi về tâm trạng khi chứng kiến chứng khoán giảm, một NĐT dày dạn kinh nghiệm đã tếu táo rằng giờ chỉ còn biết hát 2 ca khúc “Tháng 4 là lời nói dối của em”, tức khi VN Index vượt 1.200 điểm, và “Tháng năm rực rỡ” cho một tháng điều chỉnh mạnh với màu đỏ “rực rỡ”. Cũng như mọi lần điều chỉnh sâu, thời điểm VN Index bắt đầu giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, cũng là lúc thơ, nhạc, ảnh chế với nội dung thua lỗ chứng khoán xuất hiện trên các diễn đàn, trang cá nhân của NĐT.
Thực tế, nếu VN Index giảm một mạch 25% hoặc giá CP giảm 40%, có lẽ sự “bi thương” không nặng nề đến vậy. Việc giảm từng phần mới là nguyên nhân khiến NĐT lỗ nặng, hay có thể chỉ thiệt hại một phần thành quả làm ra trong năm 2017. Cho đến trước tháng 5-2018, VN Index vẫn diễn tiến theo quy luật tăng khoảng 200 điểm, sau đó lại điều chỉnh giảm khoảng 100 điểm và lại tiếp tục tăng như vậy. 
 Không nhiều NĐT chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt điều chỉnh vừa rồi. Trong khi đó, khác với các lần trước, khi thị trường điều chỉnh vẫn có rất nhiều CP mạnh, lần này gần như không còn CP nào, nên mức độ điều chỉnh rất lớn. TTCK là ngôi sao 2017, số 1 trong quý I-2018, nhưng đến tháng 4 và tháng 5 lại kém nhất khu vực. Những ai đã mua ở đỉnh, dứt khoát tái cơ cấu danh mục là điều cần thiết. Quy tắc số 1 trên TTCK là NĐT phải sống sót, sau đó mới tính chuyện kiếm tiền.
Ông TRẦN THĂNG LONG,
Trưởng phòng Phân tích CTCK BSC
Diễn biến trên đầy kịch tính, nhưng cũng tạo cơ hội cho NĐT có thể đảo hàng, xoay vòng vốn liên tục và tạo ra lợi nhuận khủng. Năm 2017, VN Index tăng hơn 40%, nhiều CP có thể tăng 100-200%, thậm chí nhiều tài khoản nhân đôi, nhân ba. Theo chiều ngược lại, mỗi lần VN Index điều chỉnh giảm xuống các nấc 1.100 điểm, 1.000 điểm rồi gần 900 điểm lại chứng kiến một lần hy vọng rồi thua lỗ. 
Lấy đơn cử từ mức giá 7.5, VCB (Vietcombank) giảm giá xuống còn 6.0 và bắt đầu có dấu hiệu bật lên vào nửa đầu tháng 5. Với một CP vốn hóa lớn như VCB, việc giảm giá 20% được xem là đáng kể, nên lực mua vào tại vùng giá này khá lớn. Tuy nhiên, ngay sau đó VCB lại tiếp tục lao dốc xuống 5.5, rồi đáy gần nhất xấp xỉ 4.7 vào ngày 28-5 vừa qua. Giả sử NĐT sử dụng margin với tỷ lệ 1:1, cứ mỗi lần bắt đáy trật, giá CP giảm 10%, tức tài sản giảm 20%. Chỉ cần 3 lần như vậy việc tài sản giảm 60-70% là chuyện bình thường.
Vì thế, theo nhiều chuyên gia, khi VN Index tăng, phần lớn do việc tăng giá của những CP lớn. Nhưng khi CP lớn giảm, kéo theo VN Index giảm, đa số giá của các CP khác cũng giảm theo. Đây chính là lúc NĐT theo trường phái đầu tư giá trị có cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu những CP này.  
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho biết, từ năm 2017, chúng ta đã chứng kiến chỉ số VN Index đi lên trong bối cảnh kinh tế vĩ mô rất tốt. Nay các chỉ số vĩ mô vẫn tốt nhưng VN Index lại giảm sâu. Bởi lẽ, các chỉ số chứng khoán phải tuân theo quy luật vận động của riêng nó. Nghĩa là khi đã tăng mạnh, VN Index phải giảm sâu, tác động nhiều tới chỉ số chung, nay giảm sâu kéo VN Index đi xuống.

Ẩn số khối ngoại
Trong 20 phiên giao dịch gần nhất, chỉ duy nhất 2 phiên NĐTNN mua ròng, còn lại đều bán ròng với khối lượng và giá trị rất lớn. Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, một thống kê sơ bộ gần đây lại cho thấy, các quỹ ngoại lớn do Dragon Capital hay VinaCapital quản lý, như VEIL, VOF hay Pyn Elite Fund… lại có tỷ trọng CP khá cao. Vậy dòng tiền bán ròng của khối ngoại sẽ đến từ đâu?
Nếu trở lại giai đoạn quý I-2018, Việt Nam là một trong những TTCK tăng trưởng mạnh nhất thế giới, thì một số quỹ đã rơi vào thế không thể không mua, và nếu muốn mua sẽ hướng đến những CP vốn hóa lớn, đầu ngành có tính dẫn dắt. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến VN Index có thể vượt các ngưỡng 1.100 điểm rồi 1.200 điểm tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, việc thị trường nhanh chóng tạo đỉnh và điều chỉnh cũng buộc các quỹ này phải nhanh chóng bán ra, hoặc để chốt lời, bảo vệ thành quả, hạn chế thua lỗ. 
 Khi đầu tư vào CP ngoài việc dự đoán xu hướng tăng giảm của thị trường, của CP, quan trọng nhất vẫn phải nghiên cứu về công ty, tình hình tài chính, ban lãnh đạo, lịch sử phát triển... Đừng chỉ đầu tư hay tháo chạy bởi những tin đồn ông A kéo lên, bà B đánh xuống, hay quỹ ngoại này mua, quỹ lớn kia chạy... Đây là đầu tư chứng khoán, không phải là chơi chứng khoán.
 Ông NGUYỄN DUY HƯNG, 
Chủ tịch HĐQT CTCK SSI
Với một số quỹ có dòng vốn luân chuyển vào-ra nhanh như ETF, động thái này càng được thực hiện một cách quyết liệt hơn. Hệ quả giá CP càng giảm, thay vì khối ngoại tiến hành mua vào lại càng phải bán và bán một cách gấp gáp, giá CP vì vậy lại càng giảm sâu hơn. Theo một số thông tin chia sẻ trong giới quản lý quỹ, giai đoạn quý I-2018, một vài quỹ thậm chí đã phải ngưng việc nhận thêm vốn từ NĐT do lo ngại thị trường quá cao, vì nhận thêm tiền cũng không biết giải ngân như thế nào.
Chính vì vậy, việc tiến hành chốt lãi, thậm chí bán ra và CP giảm giá có khi lại là cơ hội để quỹ ngoại có thể huy động vốn trở lại. Xu hướng rút vốn tại các thị trường mới nổi cũng được lý giải là một trong những nguyên nhân khiến các quỹ ngoại bán ròng. Về điều này, nhìn lại trong lịch sử của TTCK Việt Nam, không phải mới xuất hiện và các lo ngại thường có phần thái quá so với thực tế diễn ra. 
Theo TS. Đinh Thế Hiển, tại Hoa Kỳ, nguồn tiền tham gia TTCK chủ yếu từ các quỹ đầu tư trung, dài hạn chiếm đến 80%, trong khi tại Việt Nam dòng tiền đầu tư gián tiếp (FII) đôi lúc vào nhanh nhưng rút cũng nhanh.
Do vậy cũng không thể nói chỉ tại các quỹ, mà phải nhìn nhận số lượng CP có thể đầu tư trung, dài hạn dù tăng cũng chưa phải là nhiều. Việc một số doanh nghiệp trên sàn thường xuyên có việc cổ đông lớn, chủ tịch HĐQT lướt sóng CP có thể khiến nhiều quỹ không thể yên tâm đầu tư trung, dài hạn. 
Thị trường chứng khoán: Trở chứng bất kham, rủi ro thua lỗ ảnh 1 NĐT cần tỉnh táo trước diễn biến của TTCK. 
Rủi ro vẫn còn tiềm ẩn
Suốt phiên ngày 4-5 đến 21-5, VN Index quanh quẩn ở vùng 1.000 điểm và giá trị giao dịch khớp lệnh tại HOSE chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng/phiên, một con số tương đối thấp nếu so với các tháng trước đó. Dòng tiền suy giảm đã khiến thị trường thiếu sức bật và kể từ 22-5 đến 28-5, VN Index chỉ mất 5 phiên để giảm gần 100 điểm, từ 1.000 điểm xuống sát 900 điểm trước khi bật lên trở lại vào ngày 29-5. 
Có 2 nguyên nhân chính lý giải cho sự sụt giảm thanh khoản của thị trường. Thứ nhất, việc NĐT bị thua lỗ, tài sản sụt giảm khiến ý định và cả nguồn lực để đầu tư trở lại thị trường giảm theo. Thứ hai, điều quan trọng hơn là dường như tại các ngưỡng 1.100 điểm, rồi 1.000 điểm dòng tiền lớn vẫn chưa có ý định quay trở lại với thị trường. Như đã nói ở trên, việc VN Index tăng mạnh, giá nhiều CP bị đẩy lên cao đã làm khó nhiều quỹ đầu tư. Mua những CP theo chỉ số giá càng lúc càng cao, trong khi đó mua nhóm CP mid cap và penny sẽ bị thua thiệt so với diễn biến của thị trường chung.
Và một điều rõ ràng là ngoài việc “đánh xuống” hay “giải chấp”, chỉ cần không có dòng tiền đủ lớn mua vào, giá CP dù có rẻ vẫn có thể rẻ hơn nữa. Nói cách khác, nếu tại các ngưỡng VN Index 1.200 điểm và 1.100 điểm, thị trường giảm vì bị bán ra, chốt lãi, tại các ngưỡng 1.000 điểm hay thậm chí 950 điểm của VN Index, dòng tiền lớn đứng ngoài đã khiến giá CP… tự rơi. 
Tại khu vực này, nếu có những ý kiến cho rằng thị trường bị đánh xuống, cũng có quan điểm cho rằng NĐT tự… sát phạt lẫn nhau, khi phải tháo chạy với giá thấp để bảo toàn vốn. Nếu như phiên 28-5 và nửa đầu phiên 29-5 thị trường được xem là quá bán, khi từ mức 960 điểm, VN Index đã có lúc rơi về 916 điểm, nửa cuối phiên 29-5 có đem lại đôi chút hy vọng cho NĐT.
Lần lượt nhóm CP ngân hàng với VCB, BID, CTG, HDB…, chứng khoán với SSI, HCM, VND… đã phục hồi rất mạnh khi tăng kịch trần. Nhưng 10 phiên gần nhất, chưa bao giờ VN Index có thể tăng được 2 phiên liên tục và điều này đã diễn ra ngay trong phiên 30-5. 
Xét về mặt điểm số, VN Index chỉ giảm 3,68 điểm, tương đương 0,39%, nhưng điều này bắt nguồn từ một số blue chips chủ chốt như VCB, BVH, bộ đôi VHM… Trong khi đó, một số CP khác mới tăng phiên trước, đến phiên này đã giảm trở lại với mức giảm tương đương. Ngay trong nhóm CP ngân hàng vốn đóng vai trò lớn trong sự phục hồi của thị trường ngày 29-5 không phải tất cả đều duy trì được đà tăng trong phiên kế tiếp, thậm chí có CP còn giảm.
Việc thị trường chỉ phục hồi được 1 phiên, nếu không muốn nói chỉ là… nửa phiên (phiên chiều 29-5), đã cho thấy sự phân hóa cũng như sự  khốc liệt đang thử thách NĐT như thế nào. Cơ hội dù vẫn còn, nhưng kèm theo đó rất nhiều rủi ro và việc lựa chọn CP để có thể sinh lời đã khó hơn cách đây vài tháng vì NĐT luôn đối mặt với rủi ro thua lỗ.

Các tin khác