LTS: Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 với tiêu đề “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” do Uûy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì cùng sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam vừa phát hành. Báo cáo đã nhìn trực diện toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam với các mặt tiến bộ đạt được và các yếu kém, nguy cơ… nếu không xử lý triệt để. ĐTTC giới thiệu một số nội dung để bạn đọc tham khảo.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có những can thiệp trong năm 2011 và đã gặt hái được những thành công nhất định trong việc kiềm chế lạm phát và bình ổn tỷ giá nhưng những vấn đề cốt lõi của thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tồn tại: Tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn trên tổng dư nợ vẫn tiếp tục tăng; thị trường bất động sản vẫn đóng băng; nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy giảm, trong khi lạm phát vẫn còn ở mức cao; vấn đề 2 tỷ giá, sự chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá liên ngân hàng, vẫn luôn thường trực; nguồn vàng trong dân vẫn chưa được khơi thông…
Nhận diện khuyết tật thị trường tiền tệ
Những hiện tượng xảy ra trên thị trường tiền tệ, tài chính, và ngân hàng có mối quan hệ lẫn nhau. Chẳng hạn, hiện tượng cung tiền giảm là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến căng thẳng thanh khoản, đẩy lãi suất lên cao, tăng trưởng của nền kinh tế bị suy giảm.
Tỷ giá được ổn định cũng một phần là nhờ lãi suất VNĐ được đẩy lên cao, khiến nhu cầu giữ ngoại tệ của người dân giảm đi. Tuy nhiên, những hiện tượng này đều bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn.
Cụ thể, có 3 nguyên nhân chính: (i) Chính sách mở rộng cung tiền trong quá khứ; (ii) Cơ cấu nguồn vốn không hợp lý; (iii) Việc chuyển quá nhanh các ngân hàng hoạt động khu vực nông thôn lên khu vực thành thị. Việc tìm hiểu các nguyên nhân sâu xa này sẽ là cơ sở để đề xuất các chính sách giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Nguyên nhân chính gây bất ổn tiền tệ xuất phát từ việc “phanh gấp” cung tiền để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng cung tiền và tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn được duy trì ở mức rất cao trong những năm trước đó.
Theo số liệu của IMF, tốc độ tăng trưởng cung tiền, tín dụng và huy động bình quân hàng năm trong giai đoạn 2006-2010 là 32,5, 35,5, và 34,6%. Ngoại trừ 6 tháng cuối năm 2008, NHNN luôn duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức khá thấp, từ 5-7,5%, trong cả giai đoạn 2005-2009, khiến mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng được duy trì ở mức thấp tương ứng, từ 7-8,5%/năm trong giai đoạn này. Đây chính là nguyên nhân khiến tín dụng của nền kinh tế bùng nổ.
Cơ cấu nguồn vốn không hợp lý, mà nguyên nhân chính là do cung tiền mở rộng trước đó và do cơ chế sở hữu chéo tại các NHTM, là những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng yếu kém buộc phải tăng lãi suất huy động lên rất cao để thu hút nguồn vốn từ thị trường 1. Đây cũng là nguyên nhân khiến nợ xấu, nợ quá hạn tăng mạnh trong hệ thống ngân hàng khi thị trường bất động sản đóng băng. |
Nền kinh tế Việt Nam phải duy trì mức tăng trưởng cung tiền cao trong những năm trước lại có căn nguyên từ mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào đầu tư. Cụ thể, để có được mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 7,5% trong giai đoạn 2001-2005 và 6,9% trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam đã cần lượng vốn đầu tư trung bình tương ứng là 39,1% và 42,7%.
Nhu cầu đầu tư lớn trong khi tiết kiệm lại có xu hướng giảm nên nền kinh tế bắt buộc phải dựa vào chính sách nới lỏng tiền tệ. Do khả năng hấp thụ vốn đầu tư kém, chủ yếu đến từ hiệu quả đầu tư công thấp và hoạt động yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nên đã tạo ra hiện tượng dư thừa tiền trong nền kinh tế, gây áp lực lạm phát.
Khi những đồng tiền giá rẻ có sẵn trên thị trường, các doanh nghiệp sẽ kỳ vọng tương lai tiếp tục “tươi đẹp” như hiện tại. Vì thế, các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư mạnh phát triển các dự án trong lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp…
Có nhiều ngân hàng thực chất là “sân sau” của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, phát triển cơ sở hạ tầng, nên việc cho vay bất động sản, phát triển cơ sở hạ tầng chiếm tỷ trọng rất lớn ở các ngân hàng này. Cơ cấu nguồn vốn vì vậy bị phân bổ không hợp lý giữa cho vay ngắn hạn và cho vay dài hạn; giữa cho vay đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và cho vay đầu tư sản xuất.
Hậu quả chuyển đổi nhanh, giải pháp xử lý nợ xấu
Trước nhu cầu huy động vốn tăng cao để đáp ứng đòi hỏi tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế, trong giai đoạn 2005-2007, NHNN đã chấp nhận cho phép 13 ngân hàng được chuyển đổi từ mô hình nông thôn lên thành thị. Các ngân hàng này trước khi chuyển đổi, vốn điều lệ chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm 2011, các ngân hàng thương mại (NHTM) này đã buộc phải tăng vốn chủ sở hữu lên 10-20 lần chỉ trong vòng 5 năm.
Hậu quả của việc phải phát triển với tốc độ cực nhanh của nhóm các ngân hàng này là việc tăng trưởng tài sản bằng mọi giá để tương ứng với lượng vốn chủ sở hữu tăng thêm. Do trình độ quản trị của các ngân hàng này không theo kịp với đà tăng tài sản nên dẫn đến chất lượng tín dụng kém.
Một lý do khác khiến chất lượng tín dụng ở các ngân hàng này kém vì chúng thường là “sân sau” của các tập đoàn, cả nhà nước lẫn tư nhân, vì để tăng vốn chủ sở hữu lớn như vậy các ngân hàng này buộc phải dựa vào vốn đóng góp của chính các tập đoàn này.
Một vấn đề khác nảy sinh khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu quá nhanh của nhóm ngân hàng này là chính các tập đoàn đằng sau các ngân hàng này cũng phải vay vốn từ các ngân hàng khác để đáp ứng yêu cầu. Hệ quả là vốn vay của các tập đoàn bị sử dụng sai mục đích. Đây là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến nợ xấu, nợ quá hạn dắt dây trong toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) của Việt Nam.
Thị trường bất động sản đóng băng càng tăng nợ xấu ngân hàng |
Thách thức lớn nhất trong năm 2012 là giải quyết được vấn đề nợ xấu, nợ quá hạn trong hệ thống các TCTD để ổn định thanh khoản toàn hệ thống. Để thực hiện việc làm sạch các khoản nợ xấu và nợ quá hạn của hệ thống các TCTD, rõ ràng Việt Nam cần phải có một dòng vốn “sạch” tương đối lớn từ bên ngoài bơm vào, ước tính lên đến 250-300 nghìn tỷ (tương ứng với tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn khoảng 10-12% tổng dư nợ). Dòng vốn này có thể đến từ nước ngoài hoặc từ ngân sách nhà nước.
Nguồn vốn trong nước xử lý việc này có thể hình thành từ việc thành lập hoặc cho phép thành lập các doanh nghiệp mua lại các khoản nợ quá hạn tại các ngân hàng trực thuộc NHNN. Những khoản nợ quá hạn kém mà nhiều khả năng khó có thể thu hồi được có tính chất tương tự nợ xấu sẽ được các NHTM lựa chọn để bán cho các doanh nghiệp mua bán nợ.
Hiện nay chúng ta có Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính. Chính phủ có thể thành lập thêm công ty mua bán nợ hoặc cấp thêm nguồn vốn mới cho DATC để thực hiện một phần nhiệm vụ mua lại nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Tuy nhiên, để không làm tăng cung tiền cũng như làm tăng bội chi ngân sách thì nguồn vốn bổ sung này sẽ không phải là nguồn vốn phát hành trái phiếu vay NHNN mà từ việc phát hành một loại trái phiếu đặc biệt với thời hạn 3-5 năm để huy động tiền dư thừa từ các NHTM. Để nguồn trái phiếu này không ảnh hưởng đến thâm hụt ngân sách thì việc trả nợ loại trái phiếu này nên từ việc cắt giảm các khoản chi của ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên.
Trong khi nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế thì để có thêm nguồn tiền mới, không còn cách nào khác là phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài vào thành lập các doanh nghiệp mua bán nợ.
Nếu không huy động được nguồn vốn từ nước ngoài vào việc xử lý nợ xấu, nợ quá hạn thì quá trình này sẽ kéo dài, khiến mặt bằng lãi suất khó có thể hạ được. Nền kinh tế sẽ bị đình đốn kéo dài, càng khiến cho số nợ xấu tăng mạnh.
Yêu cầu cải cách cơ cấu
Sự thu hẹp sản xuất trong năm 2012 là điều khó tránh khỏi khi lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh. So sánh với năm 2009, tăng trưởng chỉ hồi phục mạnh vào quý III khi có gói kích cầu được thực hiện từ đầu 2009. Mặt khác cần có chính sách để giữ mức giá bất động sản và chứng khoán ở mức như hiện tại nhằm ngăn chặn nợ xấu tăng mạnh.
Tuy nhiên, không nên để dòng tiền bị hút mạnh vào 2 kênh này vì khu vực sản xuất vẫn là khu vực cần được hỗ trợ vốn nhiều hơn. Với thị trường bất động sản, nếu có nguồn vốn nước ngoài vào để giải quyết nợ xấu và nợ quá hạn của hệ thống các TCTD và nếu như có các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà đất cho người nước ngoài thì thị trường chắc chắn sẽ hồi phục.
Chính sách tiền tệ nửa sau của năm 2012 sẽ là sự lựa chọn giữa việc hỗ trợ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Việc lựa chọn sang hỗ trợ tăng trưởng chỉ là vấn đề thời gian vì sức ép của doanh nghiệp. Nếu như không kịp tái cấu trúc nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng dựa vào năng suất thì kịch bản năm 2010 và 2011 sẽ lặp lại. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức trung bình khoảng 5% nhưng sẽ phải đối mặt với mức lạm phát cao 10-12% trong năm 2013. |
Như vậy, giải pháp để đảm bảo lạm phát giảm về dưới 10% trong khi duy trì được tăng trưởng ở mức độ vừa phải vẫn phải là đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế, giảm thuế doanh nghiệp và cải cách luật lệ theo hướng thị trường để tăng năng suất thay vì nới rộng cung tiền.
Ngoài ra, cần có các biện pháp giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn trên cả hai thị trường 1 và 2 để làm cho dòng vốn được khơi thông trong nền kinh tế.
NHNN đã thực hiện tốt chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát bất chấp sức ép từ khu vực doanh nghiệp. NHNN cũng đã sử dụng khéo léo một số biện pháp hành chính để hướng luồng vốn đến những khu vực tạo ra nhiều của cải vật chất như nông nghiệp, khu vực xuất khẩu, và khu vực sản xuất.
Nhờ đó tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn duy trì được ở mức khá. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt hơn, góp phần làm tỷ giá được ổn định. Về trung hạn, để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn rẻ mà không gây ra lạm phát thì mấu chốt là phải tiến hành thành công việc tái cấu trúc khu vực DNNN và đầu tư công để mang lại hiệu quả.
Đây là điều kiện tiên quyết để khiến cho tỷ lệ tín dụng trên huy động của hệ thống các TCTD quay trở về mức dưới 100%. Có như vậy mặt bằng lãi suất tín dụng mới giảm bền vững được.