Thị trường thẻ ATM: Cần định hướng phát triển căn cơ

Sau hơn 20 năm ra đời và phát triển, thị trường thẻ ATM nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng thẻ được phát hành. Từ 5 triệu thẻ năm 2006 đến nay đã có gần 40 triệu thẻ trên 80 triệu dân. Đây là con số rất lý tưởng trong việc phát triển dịch vụ thẻ ở Việt Nam. Tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng, thẻ ATM dường như đã bị bỏ qua. Liệu thị trường thẻ ATM đang quá tải hay quá tầm?

Sau hơn 20 năm ra đời và phát triển, thị trường thẻ ATM nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng thẻ được phát hành. Từ 5 triệu thẻ năm 2006 đến nay đã có gần 40 triệu thẻ trên 80 triệu dân. Đây là con số rất lý tưởng trong việc phát triển dịch vụ thẻ ở Việt Nam. Tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng, thẻ ATM dường như đã bị bỏ qua. Liệu thị trường thẻ ATM đang quá tải hay quá tầm?

Quá tải hay quá tầm?

Nếu nói về việc phát triển số lượng thẻ ATM có thể thấy hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nước ta đã có những thành công bước đầu khi chỉ với 50 ngân hàng đã phát hành hơn 200 thương hiệu thẻ. Một ngân hàng cổ phần lớn có ít nhất 1-3 thương hiệu như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng nội địa lẫn quốc tế, thẻ liên kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng phục vụ cho phân khúc khách hàng riêng lẻ…

Thời gian gần đây, NHTM nào cũng nỗ lực chạy đua phát hành thẻ mới, tổ chức nhiều chương trình phát hành thẻ miễn phí đồng thời mở rộng đối tượng từ sinh viên, công nhân, bác sĩ, giáo viên… đến khách hàng cao cấp như lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức…

Nếu không thu phí các ngân hàng sẽ không thể phát triển mạnh mạng lưới ATM, như thế việc thanh toán và rút tiền qua hệ thống ATM sẽ trở lên khó khăn hơn. Tình trạng nghẽn mạch như thời gian qua cũng có lý do từ việc thua lỗ kéo dài trong đầu tư ATM của các NHTM. Vì vậy đã đến lúc phải hướng đến việc tổ chức thị trường thẻ bài bản: Ngân hàng nào dịch vụ tốt thì giá cao để người dân quen dần. Nếu thu phí mà không cung cấp dịch vụ tốt, các NHTM cũng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Ông BÙI TẤN TÀI,
Phó Tổng giám đốc ACB

Tuy nhiên, đến nay chỉ có số ít ngân hàng đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ thẻ, còn hầu hết NHTM nhỏ chỉ mới chạy đua về số lượng thẻ chứ chưa quan tâm đến hiệu quả sử dụng.

Điều này dẫn đến hệ quả cả nước hiện có hơn 40 triệu thẻ nhưng thẻ “rác”, thẻ “chết” chiếm số lượng lớn. Không ít người có 3-4 thẻ của nhiều NHTM khác nhau nhưng không mấy khi xài, chủ yếu sử dụng thẻ của ngân hàng mình nhận lương hoặc thẻ của các NHTM lớn có nhiều dịch vụ thanh toán tiện ích.

Dù hệ thống ATM đã liên thông, các NHTM nhỏ có thể “xài ké” công nghệ của ngân hàng lớn, nhưng do “xài ké” sẽ bị thiệt về phí khi giao dịch cũng như không nhận được nhiều tiện ích dịch vụ thẻ tại ATM ngân hàng khác nên các chủ thẻ ngại sử dụng.

Bất cập của thị trường thẻ nước ta là người dân sử dụng thẻ ATM chủ yếu thực hiện giao dịch rút tiền. Thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho thấy, năm 2010 hơn 83% các giao dịch qua thẻ ATM là rút tiền, 16,3% chuyển khoản và chỉ có 0,5% dùng thẻ để thanh toán.

Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia ngân hàng, cho rằng trên thị trường chỉ có vài ngân hàng lớn như VCB, VietinBank, DongABank, ACB… đầu tư công nghệ ATM và phát triển điểm chấp nhận thẻ (POS). Vì thế việc chú trọng phát triển số lượng thẻ trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đã dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm rút tiền ATM vào những dịp lễ, tết.

Cũng dễ hiểu, do chi phí đầu tư vào ATM, các dịch vụ trên máy, duy trì bảo dưỡng… rất lớn, trong khi nguồn thu từ hoạt động ATM không đủ bù đắp. Chính vì vậy từ năm ngoái, một số NHTM đã tăng mức thu phí giao dịch ngoại mạng từ 3.300 đồng lên 5.500 đồng/lần, đồng thời dự kiến thời gian tới sẽ thu phí giao dịch nội mạng. Việc tăng thu phí này đã vô tình tạo tâm lý e ngại giao dịch qua thẻ, người dân chuyển qua giao dịch bằng tiền mặt tiết kiệm hơn.

Loay hoay dịch vụ thanh toán

Có một thực tế thị trường thanh toán thẻ ATM/POS từ năm 2008 đến nay được các NHTM triển khai một cách riêng lẻ khiến chi phí đầu tư cao, thiếu tính tương thích liên thông giữa các ngân hàng và chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn bảo mật cũng không đồng đều.

Theo ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc Maritime Bank, hiện nay hệ thống POS và các phương pháp thanh toán khác như mobile banking, sóng điện từ, IB ở nước ta chưa được áp dụng rộng rãi. Các cửa hàng, siêu thị không muốn dùng POS vì quy trình dài, chậm hơn, lại bị thu phí.

Đa phần người dân sử dụng thẻ ATM ở nước ta chủ yếu để rút tiền mặt rồi thanh toán thay vì thanh toán qua máy POS. Ảnh: LÃ ANH

Đa phần người dân sử dụng thẻ ATM ở nước ta chủ yếu để rút tiền mặt
rồi thanh toán thay vì thanh toán qua máy POS. Ảnh: LÃ ANH

Đây là những rào cản cho phát triển dịch vụ thẻ ATM. Nhiều NHTM thừa nhận ngoài thói quen sử dụng tiền mặt, người dân ít thanh toán tiền hàng hóa bằng thẻ còn do dịch vụ hỗ trợ thanh toán chưa đồng bộ. Nhiều nơi đặt máy ATM nhưng chỉ giao dịch với thẻ tín dụng quốc tế, các chương trình khuyến mại ưu đãi cũng chỉ dành nhiều cho thẻ tín dụng quốc tế…

Ngoài ra, nhiều NHTM chỉ tập trung vào một nhóm đơn vị POS thay vì mở rộng đối tượng, dẫn đến tình trạng dịch vụ POS chỗ thừa, chỗ thiếu và thực tế doanh số thanh toán qua ATM của các NHTM vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. 

Có ý kiến cho rằng, hiện nay ở các nước trong khu vực và trên thế giới đều thực hiện việc thu phí rất cao khi rút tiền mặt để khuyến khích người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là định hướng ta cần thực hiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Trương Tấn Vinh, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Australia, để chiêu dụ khách hàng sử dụng thẻ, các NHTM lớn có số lượng phát hành thẻ lớn của Australia đã miễn phí giao dịch rút tiền mặt qua ATM cả nội mạng lẫn ngoại mạng.

Chỉ với những máy rút tiền tại sòng bạc mới tính phí. Với chính sách ưu đãi cho thanh toán, các trung tâm thương mại, các siêu thị ở Australia ưu tiên người mua hàng thanh toán bằng thẻ hơn người sử dụng tiền mặt.

Các máy ATM ở Australia rất hiếm khi trục trặc như hết tiền, nghẽn mạch gây tâm lý bất an cho chủ thẻ. Đây là những điều các NHTM Việt Nam nên học hỏi để hướng đến gia tăng dịch vụ thanh toán thẻ đúng với nội lực và khả năng công nghệ của mình.

Quy hoạch lại thị trường thẻ

Bước vào năm 2012, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch gia tăng tiện ích cho dịch vụ thanh toán thẻ. Một số NHTM quy hoạch và phát triển dịch vụ thẻ ATM theo hướng mới, khác với trước đây. Maritime Bank cho biết bên cạnh phát hành thẻ nhanh trong vòng 10 phút, ngân hàng còn miễn phí hoàn toàn dịch vụ internet banking, mobile banking, bao gồm cả chuyển khoản liên ngân hàng, miễn phí mọi giao dịch tại quầy (cả chuyển khoản liên ngân hàng với số tiền dưới 1 tỷ đồng), đồng thời nâng cao hạn mức giao dịch ATM, chuyển khoản tối đa 200 triệu đồng/ngày.

Thực tế hiện nay nhiều người sử dụng thẻ nhưng chưa biết đến tính năng thanh toán của thẻ. Vì thế, để phát triển dịch vụ thẻ các NHTM cần tập trung triển khai dịch vụ POS với nhiều tính năng như tích lũy điểm thưởng giao dịch qua POS. NHNN và Chính phủ cần khuyến khích phát triển dịch vụ này bằng việc giảm thuế, hỗ trợ đầu tư hệ thống POS. Các NHTM cũng cần tổ chức tư vấn để các doanh nghiệp, đặc biệt tổ chức bán lẻ ủng hộ thanh toán không dùng tiền mặt và người dân an tâm khi sử dụng dịch vụ ATM.

Ông PHÙNG DUY KHƯƠNG,
Phó Tổng giám đốc Maritime Bank

Ông Bùi Tấn Tài cho biết trong năm nay ACB sẽ đầu tư thêm 100 máy ATM, nâng tổng số máy của ACB lên 500, đồng thời đẩy mạnh kết hợp với các đối tác bán lẻ, phát triển mạng lưới phân phối để nhanh chóng phát triển dịch vụ thanh toán qua thẻ.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, năm nay DongA Bank sẽ không mở tràn lan máy ATM mà tập trung quy hoạch lại hệ thống ATM. Theo đó, nếu phòng giao dịch của DongA Bank hoặc địa điểm nào tốt, thuận lợi có thể lắp đặt 3-4 máy tại một điểm và bảo vệ an toàn.

Theo đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, đến năm 2020 sẽ có 95% cán bộ hưởng lương ngân sách và 80% lao động nhận lương qua tài khoản. Như vậy, việc đầu tư mở rộng dịch vụ ATM/POS của các NHTM sẽ còn tiếp diễn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận để hệ thống ATM bị tắc nghẽn, quá tải… thời gian qua có lỗi của NHNN khi không kịp thời đưa ra chủ trương phát triển đồng bộ, hiện đại của hệ thống. Vì vậy, trong 5 năm tới NHNN sẽ triển khai, hoàn thành dứt điểm việc kết nối ATM/POS trên toàn quốc, chấm dứt tình trạng nghẽn mạch, quá tải nhất là dịp tết.

Theo các chuyên gia ngân hàng, đã đến lúc cần quy hoạch và nâng tầm thị trường thẻ, không thể để tình trạng mỗi ngân hàng làm mỗi kiểu. Trong đó cần đưa ra tiêu chuẩn và điều kiện đối với những ngân hàng khi phát triển dịch vụ thẻ.

Cụ thể cần phân loại nhóm NHTM nào được sử dụng phân khúc dịch vụ thẻ. Điều này nhằm tránh tình trạng các NHTM năng lực tài chính yếu, công nghệ kém vẫn chạy đua phát triển thẻ theo kiểu “đem con bỏ chợ”, tạo ra thị trường thẻ cạnh tranh không lành mạnh, nhất là việc chỉ phát triển về lượng trong khi chất  ngày càng đi xuống.

Các tin khác