Thị trường tiền tệ - Kiệt máu, mất sức

Với việc Ngân hàng Nhà nước việt nam (NHNN) áp dụng trần lãi suất mới (nội tệ, ngoại tệ) và một loạt biện pháp hành chính mạnh tay thời gian gần đây, thị trường tiền tệ đã phân tầng, lộ diện các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém. Việc các NHTM nhỏ cắn răng vay nóng trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao ngất trời sẽ đẩy nhiều NHTM nhỏ vào cửa tử.

Với việc Ngân hàng Nhà nước việt nam (NHNN) áp dụng trần lãi suất mới (nội tệ, ngoại tệ) và một loạt biện pháp hành chính mạnh tay thời gian gần đây, thị trường tiền tệ đã phân tầng, lộ diện các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém. Việc các NHTM nhỏ cắn răng vay nóng trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao ngất trời sẽ đẩy nhiều NHTM nhỏ vào cửa tử.

Đã khó càng thêm khó

Biện pháp hành chính mạnh tay của NHNN gần đây đã giúp triệt tiêu sự lộn xộn, bất hợp lý của mặt bằng lãi suất tiền gửi diễn ra trước đây.

Theo đó, vốn huy động đã có sự dịch chuyển ngược dòng so với trước: Dòng vốn tiền gửi chảy mạnh vào những NHTM có lãi suất huy động vượt rào nay tập trung vào những NHTM lớn, có uy tín, thương hiệu. Chính vì vậy cuộc đua huy động vốn của hệ thống NHTM không còn cân sức.

Để xử lý khó khăn thanh khoản hiện tại cho các NHTM, NHNN có thể thực hiện thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Hiện nay, một số NHTM không có trái phiếu chính phủ để thế chấp vay vốn tại ngân hàng và cũng không dám thế chấp hợp đồng tín dụng do sợ NHNN “soi”, vì hợp đồng tín dụng nhiều NHTM chủ yếu là cho vay bất động sản. Vì vậy, để hỗ trợ thanh khoản cho những NHTM có khả năng mất thanh khoản, NHNN có thể buộc các NHTM phải thế chấp bằng vốn điều lệ. Dù giải pháp này khá mạnh tay nhưng khi cấp thiết cũng phải tính đến.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Phó Chủ tịch UBGSTC Quốc gia

Không còn áp dụng công cụ lãi suất để cạnh tranh, nhiều NHTM nhỏ sụt giảm mạnh vốn huy động, khó khăn thanh khoản, đã phải chấp nhận vay vốn lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng. Cơ chế cho vay của NHNN với các NHTM trên thị trường mở có, nhưng ít NHTM nhỏ vay được.

Hệ quả những ngày gần đây lãi suất liên ngân hàng nhảy vọt lên 23-25%/năm, cao gần gấp đôi lãi suất tiền gửi dân cư nhưng nhiều NHTM nhỏ phải “ngậm bồ hòn” vay để giải quyết thanh khoản trước mắt.

Nếu tình trạng này kéo dài các NHTM nhỏ không chỉ bị thiệt vì chi phí giá vốn huy động bị đội lên cao do lãi suất vay liên ngân hàng tăng nóng, mà còn gây nguy cơ rủi ro về kỳ hạn khi dòng vốn huy động quá lệ thuộc vào vốn ngắn hạn từ NHTM khác. Trong khi đó, các NHTM lớn vừa được cửa tăng vốn huy động, vừa có cửa tiêu vốn!

Thời gian gần đây cả tiền gửi của doanh nghiệp và tiền gửi dân cư tại hệ thống NHTM đều giảm mạnh, trong khi quy mô tín dụng vẫn như cũ. Do vậy, ngay lập tức các NHTM nhỏ thiếu thanh khoản do quy mô vốn huy động giảm và bị khách hàng rút tiền với khối lượng lớn.

Mặt khác, vừa qua NHNN bán ra một lượng ngoại tệ rất lớn để can thiệp thị trường vàng cũng như đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cuối năm nên cũng đã hút tiền đồng về với số lượng đáng kể. Điều này càng làm các NHTM “khát” nguồn, căng thẳng thanh khoản xảy ra là điều tất yếu.

Các NHTM lớn trên thị trường thời điểm này cũng phải co thủ, phòng ngừa thanh khoản cuối năm nên thị trường tiền tệ rơi vào cảnh kiệt máu, khát vốn. Hệ quả tất yếu là kỳ hạn cho vay cũng như lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng thay đổi theo hướng ngắn hạn, cao ngất ngưởng.

Cuộc đua không cân sức

Dòng vốn huy động sụt giảm mạnh, các NHTM nhỏ không thể tăng trưởng tín dụng - vốn được xem là “cần câu” chính, chiếm trên 80% lợi nhuận của các NHTM nhỏ. Một lãnh đạo NHTM nhỏ thừa nhận giá vốn vay bị đội lên cao do nguồn vay nóng từ thị trường liên ngân hàng.

Do vậy ngân hàng không thể cạnh tranh trong cho vay theo hướng giảm lãi suất đối với khu vực sản xuất, mặc dù điều này là đúng đắn. Các ngân hàng nhỏ đang đối diện nguy cơ mất khách hàng vào tay các NHTM lớn.

Nhiều NH đang đau đầu khi nguồn vốn huy động bị rút ra gửi NH khác. Ảnh: LÃ ANH

Nhiều NH đang đau đầu khi nguồn vốn huy động bị rút ra gửi NH khác. Ảnh: LÃ ANH

Việc chu chuyển nguồn vốn hiện nay cũng làm khả năng kiếm lợi nhuận từ nay đến cuối năm của các NHTM càng hẹp hơn do lĩnh vực cho vay được hy vọng nhất là phi sản xuất cũng không thể mong chờ, khi NHNN vẫn yêu cầu các NHTM kéo giảm tỷ lệ dư nợ xuống 16%/năm vào cuối năm nay.

Nhiều NHTM cho rằng việc kéo xuống 16% từ nay đến cuối năm là rất khó, vì khoản nợ của khách hàng đến hạn mới trả, ngân hàng không thể thu hồi nợ trước hạn, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, khi chi phí huy động vốn quá cao đã làm các NHTM nhỏ phải chịu một áp lực rất lớn về rủi ro nợ xấu. Để tiêu được vốn giá cao, không ít NHTM nhỏ chấp nhận đổ vốn vào các lĩnh vực cho vay với độ rủi ro cao.

Điều chắc chắn là năm nay lợi nhuận của nhiều NHTM sẽ thấp hơn năm ngoái, bởi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, đòi hỏi NHTM phải trích dự phòng rủi ro cao, đã đẩy chi phí hoạt động của ngân hàng tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, nhận xét: “Doanh nghiệp chỉ có thể chấp nhận lãi suất khoảng 18%/năm. Nếu lãi suất cho vay quá cao sẽ gây rủi ro cho chính ngân hàng. Ngay như ACB là NHTM lớn nhưng hiện nay nợ quá hạn cũng xấp xỉ 1,7%, trong khi trước kia chưa bao giờ quá 1,5% trên tổng dư nợ. Với những NHTM nhỏ có thể dễ dàng nhận thấy áp lực nợ xấu càng gia tăng do nguồn vốn không nhỏ đang nằm trong lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực đang bị NHNN siết lại”.

Nỗi lo phân nhóm và bất bình đẳng

NHNN đã thành lập nhóm G12+1 (gồm NHNN và 12 ngân hàng lớn, chi phối 85% thị phần cả nước) thường xuyên họp định kỳ với NHNN để bàn thảo, cùng góp ý về những biện pháp chính sách tiền tệ. Nhiều NHTM đánh giá cao giải pháp này của NHNN trong việc mở ra cơ chế đối thoại chính sách, nhằm đóng góp, xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, không ít ý kiến chuyên gia nghi ngại việc thành lập nhóm G12+1 có thể dẫn đến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, và tình trạng “phân biệt đối xử” khi các NHTM trong nhóm này có nhiều đặc quyền trong đối thoại với NHNN. Không loại trừ nhóm này tư vấn chính sách theo hướng có lợi cho mình gây bất lợi cho NHTM nhỏ.

Vì thế mới xảy ra chuyện vừa qua một số NHTM lớn tiếng công bố mình là một trong 12 NHTM của nhóm G12+1 như là chiêu “đánh bóng” tên tuổi để tạo lợi thế cạnh tranh.

NHTM lớn huy động lãi suất 6%/năm kỳ hạn dưới 1 tháng trên thị trường tiền gửi rồi cho các NHTM nhỏ vay lãi suất qua đêm, 1 tuần trên liên ngân hàng từ 23%-25%/năm. Với cách làm này, các NHTM lớn đang kiếm lãi ít nhất 16-19%/năm một cách nhẹ nhàng và an toàn hơn so với việc cho khách hàng doanh nghiệp vay. Nếu hành xử như vậy, ngay cả những NHTM lớn đã hết “room” tín dụng vẫn mạnh tay huy động vốn để tăng cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

TS. LÊ THẨM DƯƠNG,
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM

Thực tế những diễn biến trên thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng gần đây có thể dễ dàng nhận thấy nhóm NHTM G12+1 đang “được mùa” trong việc huy động vốn lẫn kiếm lợi lớn trên thị trường liên ngân hàng.

Chưa kể, việc NHTM cho phép 5 NHTM và 1 doanh nghiệp (nhóm G5+1) kinh doanh vàng tài khoản và bán vàng huy động để bình ổn thị trường, được giới tài chính nhận định NHNN đang tạo ra thêm một cửa kiếm lợi lớn cho 5 NHTM lớn trong kinh doanh vàng, càng gây bất bình đẳng trong cuộc đua tranh trên thị trường tiền tệ.

Tại cuộc họp gần đây với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhiều NHTM nhỏ cho rằng nếu thành lập nhóm G12+1, cần thiết phải cho đại diện NHTM nhỏ có tiếng nói trong nhóm này chứ không thể bị động, đứng ngoài cuộc chơi.

Bởi các NHTM nhỏ dù chỉ chiếm 20% thị phần nhưng chiếm số lượng lớn trong số ngân hàng hiện nay. Ngoài ra, nếu NHNN công bố phân loại “sức khỏe” NHTM theo các nhóm, bậc, nên dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có tiêu chí về an toàn hoạt động chứ không nên phân nhóm NHTM theo nhóm lớn, nhóm nhỏ dễ dẫn đến suy nghĩ NHTM nhỏ là xấu và NHTM lớn là tốt. Điều này sẽ khiến các NHTM nhỏ bất lợi trong kinh doanh.

Ông Trương Hoàng Lương, Tổng giám đốc KienLongBank, cho rằng nên minh bạch thông tin với cả NHTM nhỏ. Vì ngay như KienLongBank vừa chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên thành thị còn nhiều khó khăn để chiếm lĩnh thị trường, nhưng với địa bàn hoạt động ở nông thôn, tỷ suất sinh lời trên vốn của KienLongBank khá cao, hiệu quả có thể hơn một số ngân hàng lớn khác.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, một trong những tiêu chuẩn vào nhóm G12+1 là tổng tài sản phải đạt 100.000 tỷ đồng. Và  để có được số tài sản này không phải chuyện lớn bởi 2 NHTM có thể “bắt tay” cho vay lòng vòng để làm tăng tổng tài sản. Vì vậy, DongABank không thấy bị thiệt nếu không tham gia vào G12+1.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nếu chỉ thực hiện chính sách tiền tệ dựa trên quan điểm chủ yếu của các NHTM lớn có thể tạo nên cuộc đua không “cân sức” mà hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến sự bất ổn của thị trường tài chính lẫn nền kinh tế.

Các tin khác