Thị trường vàng: Chưa có thuốc đặc trị

Những ngày qua giá vàng thế giới biến động theo xu hướng giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn ở mức cao. Đặc biệt cuối tuần qua, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới lập kỷ lục lần 2 với hơn 3 triệu đồng/lượng (trước đó vào ngày 26-9, chênh lệch gần 4 triệu đồng/lượng). Điều này cho thấy thị trường vàng trong nước vẫn bất ổn mỗi khi thị trường vàng thế giới biến động.

Những ngày qua giá vàng thế giới biến động theo xu hướng giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn ở mức cao. Đặc biệt cuối tuần qua, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới lập kỷ lục lần 2 với hơn 3 triệu đồng/lượng (trước đó vào ngày 26-9, chênh lệch gần 4 triệu đồng/lượng). Điều này cho thấy thị trường vàng trong nước vẫn bất ổn mỗi khi thị trường vàng thế giới biến động.

Trước tình hình này, dư luận tỏ ra hoài nghi giải pháp ngắn hạn của NHNN khi cho phép nhóm G5+1 bán vàng bình ổn. Trong khi đó, dường như thị trường vàng vẫn còn bất định, đang trông chờ những giải pháp căn cơ, dài hạn từ NHNN.

> Ngoại tệ “té nước” theo vàng

Rộng cửa thao túng

Cuối tuần qua giá vàng thế giới giảm rất nhanh, quy đổi theo giá USD tự do có ngày giá vàng thế giới giảm 1 triệu đồng/lượng, nhưng trong nước giá vàng vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, giá vàng miếng SJC có ngày cao hơn thế giới 3,2 triệu đồng/lượng, ngay cả những thương hiệu vàng ít tên tuổi cũng cao hơn giá vàng thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng.

Cầu vàng vật chất trên thị trường tăng mạnh, người dân lại tiếp tục đổ xô mua vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), có ngày SJC bán ra gần 12.000 lượng. Tình trạng người dân xếp hàng chờ đợi mua vàng càng tạo tâm lý đầu cơ cất trữ vàng trong dân.

Khả năng vàng lậu nhập về để dập vàng thương hiệu ảnh hưởng không nhiều đến thị trường. Nhưng hiện nay có hiện tượng vàng nhập lậu được chuyển cho các tiệm vàng ở các tỉnh để chế tác thành vàng nữ trang, vàng nhẫn 4 số 9. Khi nguồn vàng miếng SJC không đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường, người dân sẽ chuyển sang mua vàng nhẫn, vàng nữ trang. Chỉ khi nào đảm bảo cung cầu cho thị trường, giá vàng trong nước mới không chênh lệch quá cao so với thế giới.

NGUYỄN THỊ CÚC,
Phó Tổng giám đốc PNJ

Theo Th.S Phan Thanh Hải, chuyên gia ngân hàng, khi giá vàng thế giới tăng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp; khi giá vàng thế giới giảm khoảng cách sẽ dãn ra. Hiện nay, giá vàng thế giới đang ở mức đáy nên nhu cầu mua vàng trong nước sẽ tăng cao, càng kéo dãn khoảng cách giá trong nước và thế giới.

Hơn nữa, người dân và nhà đầu tư dự đoán đầu năm tới NHNN có thể sẽ giảm trần lãi suất huy động và điều chỉnh tăng tỷ giá, cộng với tâm lý gần đây thông tin tái cấu trúc hệ thống NHTM càng kích thích người dân chuyển từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang mua vàng để đầu tư.

Điều này làm cung cầu vàng trong nước mất cân đối, người dân có vàng lo cất trữ, không bán ra trong khi người có vốn nhàn rỗi chuộng mua vàng.

Trước tình trạng phải mua vàng giá cao trong khi giá vàng thế giới giảm, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Người dân đang là nạn nhân của việc đầu cơ, thao túng thị trường vàng? Lợi nhuận lớn từ mua bán vàng miếng đang chạy vào túi nhóm bán vàng bình ổn G5+1. Vai trò quản lý của NHNN có phải buông lỏng khi mở cửa cho phép bán vàng bình ổn, tạo sự độc quyền cho SJC?

Một NHTM trong nhóm G5+1 lý giải: Sở dĩ có sự chênh lệch lớn do giá vàng thế giới giảm quá nhanh, làm giá vàng trong nước không giảm theo kịp. Ngân hàng mua vàng đối ứng trên tài khoản bị lỗ khi giá vàng thế giới giảm mạnh, nên buộc phải neo giá cao để bù lỗ?

Tuy nhiên, việc neo giá quá cao trên 3 triệu đồng/lượng cho thấy có sự nhập nhằng giữa kinh doanh và bình ổn. Và như vậy, giải pháp ngắn hạn bán vàng bình ổn, kéo giá vàng trong và ngoài nước xích lại không quá 400.000-500.000 đồng/lượng như mục tiêu của NHNN không chỉ thất bại, mà còn đang tạo ra tác dụng ngược.

Điều đáng nói, việc duy trì sự chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới đang tạo cơ hội vàng nhập lậu lũng đoạn thị trường trong nước, gây bất ổn thị trường ngoại hối. Nếu như SJC không dập vàng không rõ nguồn gốc, giới nhập lậu vàng vẫn có cửa tiêu thụ qua việc dập các loại khác. Dù bán vàng thương hiệu ít tuổi thấp hơn 400.000-500.000 đồng/lượng so với vàng SJC họ vẫn có thể kiếm lời 1 triệu đồng/lượng.

Dài cổ chờ Nghị định

Khi cầu vàng trong nước tăng cao, có nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên cho các NHTM bán vàng bình ổn được nhập vàng, đồng thời cho phép các NHTM được tăng thêm hạn mức dùng vàng huy động để bán vàng bình ổn can thiệp thị trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giải pháp này chưa thể giải quyết căn cơ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi trước đó các NHTM đã bán vàng trong nước, mua vàng tài khoản, nay cho nhập các NHTM cũng chỉ cân lại kho chứ chưa tác động nhiều lên giá vàng.

Cảnh hỗn độn khách hàng chờ mua vàng thương hiệu SJC. Ảnh: Lệ CHI

Cảnh hỗn độn khách hàng chờ mua vàng thương hiệu SJC. Ảnh: Lệ CHI

Muốn tác động, NHNN phải buộc cho nhập nhiều, trong khi thời điểm cuối năm cầu ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hóa gia tăng, cùng với cầu ngoại tệ nhập vàng sẽ càng đổ “thêm dầu vào lửa”, gây áp lực lên tỷ giá. Chưa kể, mua vàng tài khoản để bán vàng trong nước thời điểm này cũng rất rủi ro cho các NHTM khi giá vàng thế giới luôn biến động.

Một vấn đề đáng lo hiện nay là cầu vàng trong dân đang lớn và xu hướng của giá vàng thế giới vẫn khó lường. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến các NHTM càng khó về thanh khoản tiền đồng lẫn vàng.

Hiện nay để “chữa cháy”, đảm bảo thanh khoản, nhiều NHTM yêu cầu khách hàng mua vàng phải gửi lại ngân hàng hoặc tăng lãi suất huy động chứng chỉ vàng để hút vàng trong dân. Tuy nhiên, thị trường vẫn trông chờ một cơ chế huy động vàng trong dân hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường.

Được biết dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng của NHNN vẫn chưa được Chính phủ thông qua. Tại cuộc họp với Tổ tư vấn Thủ tướng mới đây vẫn còn nhiều quan điểm chưa đồng tình với dự thảo Nghị định này.

Một chuyên gia trong tổ tư vấn Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã định hướng khung để xây dựng lại dự thảo Nghị định mới theo hướng đảm bảo các yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp tài sản của dân. Ngoài ra, mục tiêu quản lý vàng phải tạo ra sự cân bằng giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế mới chống được việc buôn lậu.

Thí dụ, nên xóa bỏ hình thức quota, chuyển sang áp dụng nguyên tắc quản lý qua thuế xuất nhập khẩu. Bởi lẽ, thực tế cho thấy khi giá vàng trong nước đang tăng cao, xin được quota, nhưng khi vàng nhập về giá lại giảm xuống, lỗ là điều không tránh khỏi. Còn quản lý bằng chính sách thuế có thể cộng ngay trong giá để tính khi nhập khẩu.

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, cho rằng NHNN nên đứng ra huy động vàng, các NHTM là đại lý huy động. Huy động xong toàn bộ vàng đó không đem về NHNN mà để tại kho các NHTM và NHNN quản lý theo hạn mức. Khi cần NHNN có thể dùng vàng huy động để bình ổn vàng thị trường, người dân muốn mua bán vàng có thể đến các NHTM để mua. Giá mua bán sẽ do NHNN quy định trong biên độ giá cho phép tùy vào từng thời điểm.

Giám sát chặt dòng vốn vay mua vàng sản xuất

Nghị định quản lý thị trường vàng nên mở ra hướng cho phép kinh doanh vàng tài khoản, kể cả trong nước và quốc tế. Nên cho phép dân chúng mở tài khoản ở ngân hàng để kinh doanh hoặc cho phép dùng chứng chỉ vàng để lưu ký. Thành lập sàn vàng trung tâm phục vụ cho hoạt động này sẽ có lợi hơn nhiều so với chuyện mua bán vàng miếng bằng tiền mặt hiện nay.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Đồng tình với quan điểm NHNN cần sớm khai thác nguồn lực vàng trong dân để can thiệp thị trường, nhưng một chuyên gia ngân hàng cho rằng NHNN chỉ cần quản lý cân bằng thị trường vàng trong và ngoài nước, không nên quá ôm đồm quản lý cả việc kinh doanh và sản xuất vàng nữ trang.

NHNN cũng không nên quy định quá ngặt nghèo đối với các tiệm vàng kinh doanh nữ trang nhỏ lẻ. Ngoài ra, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại việc NHNN để SJC độc quyền mà nếu không có những biện pháp giảm sát, quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến sự độc quyền, thậm chí cố tình làm giá, gây lũng đoạn thị trường.

Điều này đang biểu hiện rõ những ngày qua khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên quá cao, tình trạng nhập lậu vàng cũng gia tăng, mà một trong những dấu hiệu là giá USD trên thị trường tự do tăng cao những ngày gần đây.

Theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần, vừa qua NHNN đã cho phép các NHTM cho vay vốn mua vàng phục vụ mục đích sản xuất và gia công vàng nữ trang. Quy định này hợp lý vì đặc thù kinh doanh mặt hàng nữ trang thường chôn vốn, nên các công ty sản xuất vàng nữ trang rất cần vốn để xoay vòng.

Nhưng NHNN cũng cần giám sát chặt quá trình này, trong đó nên có quy định các công ty vay phải xuất trình rõ nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, vàng nhẫn 4 số 9. Bởi lẽ, một khi không chặn cửa này, vô tình các NHTM đang tiếp tay cho nhập lậu vàng, đẩy thị trường vàng và ngoại tệ ngày càng bất ổn…

Các tin khác