Sau giai đoạn độc quyền, thị trường viễn thông Việt Nam gần như được “tháo khoán” với sự xuất hiện của 8 mạng viễn thông, gây ra cuộc chạy đua và cạnh tranh quyết liệt để giành miếng bánh thị phần ngày một thu hẹp. Tuy nhiên, sự ra đi của EVN Telecom, S-Fone và mới đây nhất là Beeline, cùng với việc có thể sẽ sáp nhập Mobifone và Vinaphone đã đẩy thị trường này đứng trước một giai đoạn hoàn toàn mới.
Chưa thực sự cạnh tranh
Việc thương hiệu Beeline chấm dứt hoàn toàn sứ mệnh sau 3 năm gia nhập thị trường viễn thông, nhường chỗ cho thương hiệu thay thế GMobile 100% vốn nhà nước, đã nói lên nhiều điều về thực trạng thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay. Sau sự ra đi của Beeline, các doanh nghiệp nhà nước đã hoàn toàn áp đảo thị trường với 4/5 nhà mạng thuộc sở hữu nhà nước.
Việc doanh nghiệp rời bỏ thị trường hay sáp nhập là điều hết sức bình thường. Khi phát triển đến một mức độ nào đó, doanh nghiệp đủ mạnh tiếp tục tồn tại, doanh nghiệp không có khả năng, hoặc chưa tận dụng hết năng lực kinh doanh của mình nên rời khỏi thị trường. Dù vậy, thực tế phát triển của thị trường viễn thông hiện nay đòi hỏi một môi trường quản lý tốt hơn để duy trì cạnh tranh lành mạnh. Ông PHẠM HỒNG HẢI, |
Theo nhiều chuyên gia, dù việc mua bán doanh nghiệp là chuyện bình thường, nhưng việc có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước tham gia đã tạo nên một sân chơi không thực sự công bằng trên thị trường viễn thông vốn được xem là đã cởi mở từ vài năm nay, đồng thời tạo rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Câu chuyện của Beeline cho thấy một thực tế: Đối với thị trường viễn thông di động Việt Nam, nhiều tiền chưa chắc đã thành công. Còn nhớ thời điểm năm 2009, lúc mới vào Việt Nam, Beeline được đánh giá là “nhà giàu” khi được Vimpelcom đầu tư tổng cộng 463 triệu USD. Có những thời điểm trung bình mỗi ngày Beeline “gặt hái” hơn 15.000 thuê bao hoạt động thực, với tốc độ tăng trưởng tương đương gần 400%. Vì vậy, sự ra đi của EVN Telecom hay S-Fone trước đây là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Theo TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông (TT-TT), hơn 95% tài sản của mạng viễn thông đều thuộc Nhà nước. Điều đó chứng tỏ thị trường viễn thông Việt Nam vẫn chưa thực sự cạnh tranh.
“Có thể liên tưởng bức tranh thị trường hiện nay giống như một gia đình có một ông bố cho các con ăn riêng rồi để các con cạnh tranh với nhau. Vậy chưa thể có sự cạnh tranh thực sự” - TS. Mai Liêm Trực nhận xét.
Sau cuộc chia tay của Beeline, mọi sự chú ý đổ dồn vào “con lai” cuối cùng còn tồn tại là Vietnamobile, mạng di động “tiểu gia” duy nhất còn bám trụ lại. Và tương lai khó khăn của mạng di động này cũng là điều có thể đoán trước. Theo bà Elizabete Fong, Giám đốc điều hành Vietnamobile, hiện nay chính sách với các doanh nghiệp nhỏ chưa thật sự mở và công bằng, chưa tạo điều kiện cho họ từng bước hoàn thiện mình.
Quay lại độc quyền?
Giai đoạn độc quyền viễn thông được các chuyên gia đánh giá bằng 2 từ “ác mộng”, khi người dân phải rất khó khăn để được sử dụng dịch vụ viễn thông, tốc độ phát triển chậm, dịch vụ yếu. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường viễn thông hiện nay lại đang khiến cho nhiều người lo ngại đến một sự độc quyền kiểu mới, trong đó có độc quyền của doanh nghiệp nhà nước và độc quyền của các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như điện thoại di động, internet băng rộng, điện thoại cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo tính cạnh tranh.
Cổ phần hóa hay sáp nhập MobiFone sẽ ảnh hưởng mạnh |
Quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt những doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sáp nhập nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả hạ tầng cơ sở, nguồn lực và tài nguyên viễn thông một cách hợp lý, để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.
Tuy nhiên, con số 3 hay 4 mạng viễn thông di động cũng gây lo ngại bởi “uy quyền” của các mạng di động “đại gia” với thị trường là quá lớn. Bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc CTCP Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), đơn vị sở hữu mạng di động Vietnamobile, cho biết nếu không cẩn thận, không duy trì chính sách tốt, sự lũng đoạn thị trường hoàn toàn có thể xảy ra.
Trên thực tế, câu chuyện sáp nhập MobiFone và VinaPhone đang rất nóng bỏng, bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp đến thị trường viễn thông di động Việt Nam những năm kế tiếp. Theo số liệu từ “Sách trắng về Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam 2012”, thị phần thuê bao điện thoại di động của Viettel chiếm áp đảo với 40,67% (trong đó có 0,22% của EVN Telecom), kế tiếp là VinaPhone với 30,07%, MobiFone 17,90%, Vietnamobile 8,04%, Gtel 3,21% và xếp cuối bảng là SPT 0,1%.
Nếu MobiFone và VinaPhone sáp nhập, thị trường sẽ còn 4 mạng di động: VinaPhone-MobiFone, Viettel, Vietnamobile và GMobile, trong đó 2 mạng di động đầu tiên đã chiếm đến 95% thị phần, dư sức điều chỉnh thị trường theo hướng các mạng lớn mong muốn, các mạng khác chỉ có thể “quẫy đạp” trong 5% còn lại. Và như thế, cơ hội nào cho Vietnamobile và GMobile?
Khi thế chân vạc bị gãy, các mạng nhỏ hoàn toàn có thể bị triệt tiêu theo cách của EVN Telecom hay Beeline. Và “bóng ma” độc quyền hoàn toàn có thể quay lại khi 2 mạng thống lĩnh thị trường quay qua bắt tay nhau. Không riêng gì viễn thông di động, một số dịch vụ khác cũng đang dần quay lại thế độc quyền, mà điển hình thị trường thuê kênh truyền dẫn với 2 doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là VNPT và Viettel.
Cổ phần hóa Vinaphone và MobiFone hay sáp nhập?
Những diễn biến từ đầu năm 2012 đến nay đã khiến thị trường viễn thông di động đứng trước ngã ba đường, mà yếu tố quyết định lớn nhất cho tương lai là việc đối xử như thế nào với 2 mạng di động của VNPT. Không thể sáp nhập VinaPhone và MobiFone là ý kiến đồng nhất của rất nhiều chuyên gia kinh tế.
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, không thể sáp nhập vì 2 lý do: Phải xem xét lại Luật Cạnh tranh và trong bối cảnh tái cấu trúc, việc sáp nhập 2 doanh nghiệp này là tín hiệu không tốt. Phương án hợp lý và được tán đồng nhiều nhất là cổ phần hóa theo tinh thần của Nghị định 25 của Chính phủ, đồng thời không đẩy thị trường trở lại trạng thái ngấp nghé độc quyền.
Việc tập trung kinh tế vào 1-2 nhà mạng vô cùng nguy hiểm. Mặc dù hiện nay trên thị trường viễn thông vẫn còn 5 nhà mạng nhưng có khoảng cách rất lớn, khó lấp đầy nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile. Tập trung quyền lực, tập trung kinh tế vào 2 nhà mạng lớn để các nhà mạng nhỏ chết dần rõ ràng không phải kịch bản tốt. Ông TRẦN MẠNH HÙNG, |
TS. Mai Liêm Trực cũng cho rằng, sở dĩ 10 năm qua các doanh nghiệp viễn thông của Nhà nước vẫn phát triển tốt vì thị trường còn rất màu mỡ. Thế nhưng, khi cạnh tranh mạnh, giá cước giảm nhanh và mật độ người sử dụng dịch vụ tăng cao, nếu cứ giữ 100% vốn nhà nước, chắc chắn chỉ 1-2 doanh nghiệp trụ lại được. Nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp từng khẳng định đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa VNPT là xu thế tất yếu. Theo đó, cổ phần hóa MobiFone làm càng sớm càng tốt vì quyền lợi đất nước.
Trên thực tế, bài toán sáp nhập hay cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone đặt cơ quan chủ quản vào tình thế “nhức đầu” khi phải đứng giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích thị trường. Bởi thực tế, việc cổ phần hóa MobiFone chắc chắn làm VNPT không vui do mất đi “con gà đẻ trứng vàng”, đồng nghĩa mất đi sức mạnh, giảm tính cạnh tranh và có nguy cơ “thua trắng” trước Viettel.
Đây là lý do vì sao từ năm 2009 VNPT đã thuê Tập đoàn Tài chính - Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) định giá MobiFone để chuẩn bị cổ phần hóa, nhưng cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp quyết định cổ phần hóa cũng không phải dễ dàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay.
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải, tách hay nhập 2 mạng viễn thông này đều “có vấn đề”. Đến cuối năm nay, Bộ TT-TT sẽ có câu trả lời cho việc sáp nhập hay không 2 mạng di động của VNPT.
Như vậy, câu chuyện VinaPhone- MobiFone sẽ là điểm mấu chốt, là “ngòi nổ” trên thị trường viễn thông hiện nay, bởi nó sẽ tác động mạnh mẽ đến những vấn đề hóc búa khác như cạnh tranh, chính sách khuyến khích dành cho các mạng nhỏ, đất sống của những mạng này, thế cân bằng của thị trường, sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước… Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ phải “nín thở” chờ quyết định của Bộ TT-TT.
Thị trường sẽ chuyển biến ra sao phải chờ bộ chủ quản quyết định tháo “ngòi nổ” này theo hướng nào. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa là hướng đi được các chuyên gia khuyến cáo để thị trường cạnh tranh lành mạnh và phát triền bền vững.