Tái cấu trúc nền kinh tế đã được đề cập từ rất lâu, thời gian gần đây các quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN đã được thể hiện ở tất cả các cấp quản lý. Do vậy cần nhìn nhận quá trình tiến hành cải cách DNNN một cách toàn diện, trên cơ sở đó đánh giá những mặt đạt và chưa đạt nhằm đẩy mạnh hơn quá trình này trong những năm tới.
Tiến trình chậm chap
Chủ trương đổi mới DNNN là xuyên suốt kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, được chia 3 giai đoạn chính. Đó là giai đoạn 1986-1990 thực hiện hạch toán kinh doanh, tính đúng, tính đủ chi phí giá thành sản phẩm trong các DN quốc doanh. Nhiều quyết định được ban hành và quy định quyền chủ động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của DN quốc doanh.
Tuy nhiên, trong thực tế quyền tự chủ của các DN này vẫn bị lồng vào cơ chế bao cấp, xin cho vẫn chi phối các hoạt động. Đến cuối năm 1989, cả nước có khoảng trên 12.000 DN quốc doanh, với quy mô chủ yếu là vừa, nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, hiệu quả hoạt động thấp.
Giai đoạn 1990-2000, đẩy mạnh cải cách DN quốc doanh theo 2 hướng: giao khoán, bán, cho thuê, cho phá sản và cổ phần hóa (CPH) DN quốc doanh làm ăn không hiệu quả, DNNN không cần giữ sở hữu 100% vốn; xây dựng, củng cố DNNN làm ăn hiệu quả, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nhiều quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm đẩy mạnh tổ chức sắp xếp lại DN quốc doanh.
Theo đó, số lượng DN quốc doanh đã giảm mạnh từ 12.000 đơn vị (năm 1990) xuống còn khoảng 7.000 đơn vị (năm 1995). Trong giai đoạn này đã có 548 DNNN được CPH. Tỷ trọng GDP của DN quốc doanh đã tăng từ 32,5% năm 1990 lên 42,2% vào năm 1995, thể hiện sự lấn át của DNNN đối với DN của các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế ngày càng gia tăng.
Chính phủ nên cho phép phần vốn thu hồi sau CPH, thoái vốn của DNNN địa phương do địa phương quản lý. Các địa phương nên hình thành công ty đầu tư tài chính nhà nước giống như mô hình SCIC. Hiện nay, TPHCM đã có Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HIFIC) thực hiện chức năng gần giống như SCIC. Đồng thời, HIFIC còn thực hiện chức năng đầu tư vốn nhà nước vào các DN và tài trợ vốn cho các đơn vị, DN trên địa bàn vay vốn ưu đãi. PGS.TS Nguyễn Văn Trình, |
Giai đoạn 2000-2010, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại và CPH DNNN. Việc chuyển DNNN 100% vốn chủ sở hữu thành CTCP đã mở ra giai đoạn mới của CPH DNNN so với giai đoạn trước chỉ làm thí điểm.
Theo đó, đã tiến hành CPH gần 3.300 DNNN, gấp gần 6 lần so với giai đoạn 1990-2000, đã kéo theo tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong GDP giảm mạnh so với giai đoạn trước. Năm 2010 kinh tế nhà nước chỉ còn chiếm tỷ trọng 33,74% GDP so với 42,2% GDP năm 1990.
Giai đoạn 2011 đến nay, với quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế với 3 trụ cột là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tín dụng và tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2011-2015”, với 3 mục tiêu tái cơ cấu về tổ chức, tài chính và quản trị.
Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2011-2013, cả nước đã tổ chức sắp xếp được 180 DN. Trong đó đã tiến hành CPH 99 DN; sắp xếp dưới các hình thức khác 81 DN. Tuy nhiên, việc thực hiện CPH giai đoạn này diễn ra quá chậm. Chính vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo trong 2 năm 2014 và 2015 phải CPH 432 DN, nhưng 3 tháng đầu năm 2014 chỉ thành lập được Ban chỉ đạo CPH ở 146 DN, 26 DN được phê duyệt giá trị DN và IPO được 13 TCT.
Tiêu chí đánh giá hiệu quả
Từ đầu năm 2014, trên tinh thần triển khai Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, DNNN đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc, CPH, thoái vốn nhà nước trong các đơn vị thuộc mình quản lý. Theo đó, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Xây dựng đã IPO các TCT, DN thuộc bộ. TPHCM đã xây dựng kế hoạch CPH 29 DN lớn thuộc quản lý của TP.
Trong khi đó Hà Nội đặt mục tiêu sắp xếp, CPH 27 DN thuộc TP quản lý trong năm 2014. Tuy nhiên, để đẩy mạnh tiến trình sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN một cách có hiệu quả, cần thiết giải quyết một số vấn đề cấp thiết.
Theo đó, Quốc hội cần nhanh chóng ban hành lại Luật DNNN. Nếu không ban hành luật riêng để điều chỉnh hoạt động của DNNN, sửa đổi Luật DN, bổ sung các điều luật riêng quy định việc điều chỉnh hoạt động và quản lý DNNN, sẽ khó phù hợp với tính chất đặc thù của chế độ sở hữu trong DNNN, các mục tiêu, vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Đối với các bộ, ngành, cần nhanh chóng ban hành các hướng dẫn triển khai Nghị quyết 15/ NQ-CP để làm cơ sở triển khai đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý DNNN, như quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên sở hữu nhà nước, quy chế về nhà quản trị tại DNNN 100% vốn sở hữu, DNNN sở hữu trên 50% vốn điều lệ, quy định về CPH bộ phận các DNNN đã CPH.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ nhiệm vụ của DNNN đối với kinh tế - xã hội và kinh doanh. Từ đó, xây dựng 2 bộ tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của DNNN. Hiện nay, do chưa phân biệt rõ 2 chức năng này nên trong hạch toán dễ dẫn đến các tiêu cực, làm méo mó thị trường.
Vấn đề nữa là Chính phủ cần nhanh chóng thay đổi cơ chế quản lý, giám sát, kiểm tra đối với DNNN. Xóa bỏ ngay cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN, thành lập cơ quan ngang bộ, chuyên trách quản lý DNNN. Nên tái cấu trúc TCT vốn nhà nước (SCIC) thành cơ quan ngang bộ, đảm nhận việc quản lý DNNN và vốn nhà nước đầu tư tại các DN và bổ nhiệm một Phó Thủ tướng phụ trách.
Bởi trong DNNN, hội đồng quản trị (hoặc hội đồng thành viên) đều là viên chức, người lao động ăn lương nên dễ nảy sinh các tiêu cực. Để giải quyết vấn đề này, SCIC với tư cách cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ở DN, qua đó sẽ giám sát lại hoạt động của hội đồng quản trị các DNNN này.