Nhận định này được lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra tại tọa đàm “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Báo Nhân dân tổ chức ngày 17/11.
Thiếu hụt lao động cục bộ
Đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động trong nước, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Trong quý 3/2021, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.
Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% lao động vùng Đông Nam Bộ có và 44,7% lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.
Do tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP. HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương (chiếm khoảng 60% số người dân di chuyển).
Qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường, mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân, nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý 1 và quý 2/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.
“Nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Doanh nghiệp tăng mạnh tuyển dụng cuối năm
Tại một trong những thị trường lao động trọng điểm phía Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, đến thời điểm hiện này, quy mô lao động để hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn từ 80%-90% tổng số lao động. Người lao động ở các tỉnh lân cận TP. HCM như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đã quay lại làm việc khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Theo ông Tấn, từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nâng công suất hoạt động bình thường như trước thời điểm có dịch, dự kiến sẽ thiếu hụt lao động, nhưng không ở mức trầm trọng. Hiện thành phố cũng cho phép mở lại các lĩnh vực dịch vụ thương mại, góp phần thu hút lao động làm việc trong khu vực phi chính thức quay trở lại hoạt động.
Ông Tấn cũng nhận định, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt nhất, dự kiến nhu cầu nhân lực quý 1/2022 của thành phố cần khoảng 75.000 chỗ làm việc cho việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thông tin, trong và sau đợt dịch lần thứ tư vừa qua, số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước khoảng 50.000 - 60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.
“Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu sử dụng khoảng 35.000 - 40.000 lao động, song khá khó khăn để có thể tuyển dụng đáp ứng nhu cầu này. Đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, do tâm lý người lao động hiện còn e ngại quay trở lại làm việc vì tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn”, bà Hiền cho biết.
Theo bà Hiền, những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn là: Dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Một số doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn như: Công ty Cổ phần Taekwang Vina cần 5.000 lao động; Công ty Chang Shin Việt Nam cần 2.000 lao động; Công ty Longwell cần 3.300 lao động…
Như vậy, tình trạng khan hiếm lao động số lượng lớn sẽ tiếp diễn trong quý 4/2021 và quý 1/2022 càng làm cho quá trình khôi phục hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Còn tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng cho biết, đến nay, Bình Dương có 750.000 người lao động trở lại làm việc (đạt tỷ lệ 71% so số lao động cuối tháng 4/2021, trong các khu công nghiệp có 87% lao động đã trở lại làm việc). Dự kiến tới cuối tháng 11, có khoảng hơn 1 triệu người lao động sẽ trở lại làm việc.
Hiện nay, các doanh nghiệp trở lại sản xuất theo phương án phòng, chống dịch (3 xanh, 3 tại chỗ, 3 tại chỗ chuyển sang 3 xanh) vẫn chưa sử dụng hết số lao động theo công suất của doanh nghiệp.
Ông Tuyên dự báo tình hình thị trường lao động tỉnh Bình Dương sẽ không có tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong tháng 12/2021 và quý 1/2022. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh từ quý 2/2022 trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả.
Để tạo thuận lợi trong việc kết nối thông tin thị trường lao động trong tình hình mới, tỉnh Bình Dương triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc.
Cụ thể, thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động qua website. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, không chỉ trong phạm vi tỉnh, mà kết nối với tất cả các tỉnh có nguồn lao động thông qua hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn gồm:
1. Hỗ trợ trực tiếp người lao động: giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm…;
2. Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
3. Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
4. Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động.
5. Hoàn thiện bền vững thị trường lao động, hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an.
6. Bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động.
7. Xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.
Về nguồn kinh phí thực hiện chương trình là khá lớn, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ nghiên cứu để bố trí kinh phí đủ để thực hiện 7 giải pháp này. Ngoài ngân sách Trung ương, sẽ huy động ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.