Chủ nhân của các điểm du lịch này là hộ gia đình, liên gia đình tại địa phương, hoặc các nhà đầu tư nhỏ ở dưới xuôi như Hà Nội lên thuê để mở điểm du lịch. Với họ trước là tăng thu nhập, sau là tạo cơ hội cho bạn bè, người thân lên nghỉ dưỡng.
Điểm lợi thế nhất của các điểm du lịch nhỏ này rất độc đáo, có bản sắc riêng, phong cảnh núi rừng, hoa lá, hồ suối tuyệt đẹp, không khí tươi mát, yên bình, thức ăn ngon, sạch, người dân thân thiện. Dù không bằng khách sạn có sao, nhưng các chủ đầu tư cũng đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất như nhà nghỉ, phòng ốc, thiết bị điện, nước, nhà vệ sinh, wifi.
Lẽ ra trong bối cảnh dịch Covid, các nơi tụ tập đông người không được chính quyền khuyến cáo, thì các điểm du lịch nhỏ lẻ sẽ thu hút khách, song rất nhiều điểm ít khách. Tìm hiểu kỹ mới thấy có 2 điểm nghẽn của loại hình này, đó là thông tin quảng bá và giao thông.
Nếu có dịp đến khu phố cổ Hà Nội sẽ thấy nơi đây có số lượng và mật độ tập trung khách sạn rất cao, phải nói là san sát. Khách quốc nội và quốc ngoại rất dễ tìm thấy thông tin về các điểm du lịch tầm cỡ như Bái Đính, Tam Chúc, Chùa Hương, Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng và rất sẵn các phương tiện giao thông đưa du khách đến, trong khi rất ít thông tin về các điểm du lịch nhỏ lẻ ở 14 tỉnh vùng Tây Bắc và Đông Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…
Hỏi các tiếp tân lý do vì sao họ nói các resort nhỏ, homestay, farmstay không gửi thông tin đến các khách sạn nên không có để quảng bá. Tìm thông tin trên mạng lại không dễ, nhất là với khách nước ngoài vì không biết bắt đầu từ đâu, và nếu có cũng rất sơ sài.
Điều tiếp theo là để đến được những homestay thú vị đó thật gian nan. Do các điểm du lịch nhỏ, lẻ này không lớn nên chỉ số rất ít được đưa vào tour ngắn ngày của vài công ty du lịch, còn những điểm nhỏ, xa trung tâm tự bơi là chính. Lâu nay, những người đến các điểm du lịch nhỏ lẻ thường là các bạn trẻ, tự phượt bằng xe máy, các khách khác đi xe từ Hà Nội lên trung tâm thành phố, thị xã, sau đó thuê xe máy đến điểm du lịch.
Những homestay cách trung tâm thị xã chừng 1,2km khách có thể đi bộ hay thuê xe, nhưng cách xa 10-20km quả thật dễ làm nản lòng những người trung niên, cao tuổi, nữ giới và cả khách nước ngoài. Những người cao tuổi rất thích đến những nơi yên tĩnh, trong lành như thế, nhưng các homestay này xa về địa lý và dịch vụ y tế hầu như bằng không, nên khó hút được nhóm khách này.
Để chuẩn bị đón đầu làn sóng du lịch nước ngoài sau dịch, ngay từ bây giờ Sở Du lịch Hà Nội, các hiệp hội du lịch, khách sạn ở Hà Nội cần liên kết với đối tác ở các tỉnh vùng Đông và Tây Bắc như các sở du lịch, hiệp hội, chủ điểm du lịch nhỏ lẻ lại, cùng nhau xây dựng thành chuỗi liên hoàn đồng bộ, hoàn chỉnh làm cho sản phẩm phong phú, luôn tươi mới và bổ sung cho nhau.
Trước hết, cần thay đổi nhận thức về vị thế tiềm năng các điểm du lịch nhỏ lẻ này sẽ trở thành dòng sản phẩm du lịch chủ đạo trong một chiến lược dài hơi. Chính các điểm du lịch nhỏ lẻ này sẽ góp phần làm thay đổi bức tranh du lịch Việt Nam, xưa nay bị cho là đơn điệu, nhàm chán, khách đến 1 lần không có gì để quay lại.
Cần học người Thái, họ quan niệm 1USD rơi vào bất cứ cửa hàng nào, nơi nào trên đất Thái đều là của chung đất nước trên tinh thần “toàn dân làm du lịch”. Với nhận thức này, khi có người khách bất kỳ muốn đến những nơi xa như làng nổi Amphawa hay làng nổi Damnoen cách Bangkok 60km và 110km, thậm chí cả những khách có nhu cầu khám phá nơi nào đó một mình theo công việc riêng, nhân viên của khách sạn luôn vui vẻ tìm mọi cách thỏa mãn yêu cầu của khách.
Họ thông báo cho tất cả khách sạn trên địa bàn biết thông tin về yêu cầu khách, tìm những vị khách có chung nhu cầu, rồi có đầu mối gom họ lại thành một nhóm, tổ chức chương trình chu đáo, tìm xe cộ đưa họ đến điểm du lịch.
Do vậy chúng ta không nên coi điểm du lịch homestay, farmstay với 2, 3 giường ngủ là chuyện vặt của mấy người dân bản địa, mà đó là một phần dù nhỏ cũng là kinh tế chung của quốc gia và góp một phần dù nhỏ nhoi vào thương hiệu du lịch nước nhà.
Ngoài ra, việc khách lẻ tự đi từ Hà Nội đến Hà Giang, Cao Bằng rất khó khăn, ngoài việc không quen thông thổ, tiền thuê xe mất vài triệu là điều khiến họ ngần ngại, chưa kể các rủi ro, bất trắc có thể xẩy ra. Do vậy cần có liên kết 3 bên giữa các khách sạn tại Hà Nội với nhà xe và chủ các điểm du lịch nhỏ lẻ.
Các bên cần chia sẻ về thông tin, nguồn lực và cả về lợi ích. Thông tin về các điểm du lịch nhỏ, lẻ của miền Tây Bắc cần phải được xuất hiện trên các trang web, trên máy bay, ở sân bay và trên bàn tiếp tân của các khách sạn.
Khi khách có yêu cầu đến điểm A, B mà không đủ lượng khách, các khách sạn lập tức thông báo cho nhau để gom khách và báo cho nhà xe vận chuyển, đồng thời chủ các homestay ở điểm đến chuẩn bị chủ động đón khách.
Vấn đề nan giải nhất là vận tải. Các nhà nghỉ, khách sạn mini, homestay, farmstay các tỉnh ở vùng Tây Bắc và Đông Bắc nên liên kết hình thành một đội xe liên tỉnh và xây dựng kế hoạch hành động thống nhất. Các điểm du lịch nhỏ lẻ này cần thay đổi chất lượng dịch vụ, tìm hiểu nhu cầu của khách để tìm ra thế mạnh của mình, hướng tới sự “khác biệt, độc đáo”.
Cái cách mạnh ai nấy chạy, làm ăn nhỏ lẻ, chưa kể đến việc cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép, nói xấu nhau, hạ giá phòng như hiện nay khiến nhiều địa điểm du lịch nhỏ lẻ trở nên đìu hiu, vắng vẻ và đã có những nơi phải đóng cửa. Khèn, đàn tính, sáo mèo, múa sạp, thổ cẩm, thịt trâu gác bếp hay đấy, vui đấy, nhưng ngày nào, tuần nào, tháng nào cũng diễn đi diễn lại, khách cũng mau chán mà người diễn cũng nản.
Nếu biết khai thác tốt, đưa vào trong chiến lược quốc gia, có tầm nhìn xa, có đầu tư bài bản về tài chính, trí tuệ, các điểm du lịch nhỏ lẻ sẽ trở thành thế mạnh của đất nước, góp phần làm thay đổi đời sống của bà con các dân tộc ít người nơi phên dậu Tổ quốc.