Đến thời điểm này mới có 66 trong khoảng 90 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) hoàn thành đề án tái cấu trúc, 44 đề án trong số đó được phê duyệt với số tiền cần thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư trái ngành ước hơn 23.700 tỷ đồng. Thời hạn đến năm 2015 TĐ, TCT phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành đang đến gần, trong khi đó thị trường chứng khoán (TTCK), bất động sản vẫn ảm đạm, cho thấy triển vọng việc thoái vốn không hề sáng sủa.
Rao giá quá cao
Theo thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội (HNX), cuối tháng 6, TĐ Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã hoàn thành việc bán 3.030.000 cổ phần (CP) tại CTCP Đầu tư Vinatex. Toàn bộ CP này được 2 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua với giá 10.000 đồng/CP. Nhưng trường hợp bán hết CP đấu giá của Vinatex là duy nhất đến thời điểm này trong chuỗi nỗ lực thoái vốn, bán bớt vốn nhà nước của TĐ, TCT.
Tùy thuộc tình hình thị trường, những khoản đầu tư không hiệu quả nên cho phép doanh nghiệp có quyền bán lỗ. Với khoản đầu tư ngoài ngành đang có lợi nhuận có thể thực hiện chậm hơn. Với những trường hợp đấu giá lần thứ 2 không thành công, nên cho phép bán dưới giá trị sổ sách để đẩy nhanh việc thoái vốn. Ngoài ra, cần xác định rõ các tiêu chí để các cơ quan quản lý, chủ sở hữu nhà nước thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả các kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Th.S Nguyễn Quốc Việt, |
Trong tháng 6 vừa qua, HNX đã thông báo không tổ chức phiên đấu giá CP của một số TĐ, TCT vì không có sự tham dự của nhà đầu tư. Đó là các trường hợp thoái vốn tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu của TĐ Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng CTCP Sông Hồng tại CTCP Sông Hồng Miền Trung, TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại CTCP Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa...
Đáng chú ý là trường hợp thoái vốn tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, số lượng bán đấu giá là 1.000.000 CP với giá khởi điểm 26.000 đồng/CP. Đây được coi là mức giá cao so với các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng như với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong ngành. CTCP Bảo hiểm Toàn cầu có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, kinh doanh bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm đối với nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đầu tư và tài chính...
Thực trạng ảm đạm của TTCK hiện nay đang đe dọa khả năng thành công của EVN khi muốn thoái vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank). Theo kế hoạch, ngày 9-8 tới, 25,2 triệu CP ABBank (EVN nắm giữ hơn 102 triệu CP) sẽ được đấu giá với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/CP. Hình thức là bán cả lô 25,2 triệu CP, không bán lẻ.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, CP ABBank được rao mua - bán 6.000-6.500 đồng/CP. Hiện ABBank đã sử dụng hết room 30% tỷ lệ sở hữu CP tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài nên trong đợt đấu giá này chỉ có những nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia.
Đợt đấu giá tới đây cũng sẽ là một chỉ báo xem mức hấp dẫn đến đâu của ngân hàng này trong mắt nhà đầu tư, nhưng xem ra với tình hình hiện nay đây sẽ là thách thức không nhỏ khi số tiền bỏ ra ít nhất cũng khoảng 250 tỷ đồng.
Theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN), trong bối cảnh thị trường bất động sản, chứng khoán suy giảm PVN khó thực hiện yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Thí dụ khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thoái vốn lúc nào và ai mua là điều rất khó khăn.
Chính sách cho thoái vốn chưa thông
Sau hàng loạt hướng dẫn nhưng những vướng mắc tại các doanh nghiệp vẫn chưa có hồi dứt, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tiếp tục có hướng dẫn thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các TĐ, TCT. Theo đó, với các khoản đầu tư ngoài ngành tại công ty chưa niêm yết, các TĐ, TCT chủ động lựa chọn phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp để chuyển nhượng trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước và không thấp hơn giá thị trường.
Trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị hơn 10 tỷ đồng ở các doanh nghiệp có lãi, TĐ, TCT phải thực hiện đấu giá qua Sở GDCK. Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị hơn 10 tỷ đồng ở các doanh nghiệp lỗ và các khoản đầu tư tài chính có giá trị dưới 10 tỷ đồng, các TĐ, TCT được thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá hoặc thực hiện đấu giá qua Sở GDCK.
Đối với các khoản đầu tư ngoài ngành thuộc các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư, nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà thoái vốn không thành công, giao SCIC mua lại sau khi đã trừ khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư theo quy định.
![]() |
Vinacafe với những sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước |
Thế nhưng, dù có thêm hướng dẫn, việc thực hiện cũng không hề dễ. Để bán đấu giá CP chưa niêm yết qua Sở GDCK phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó có việc doanh nghiệp không được lỗ lũy kế. Như vậy với các khoản đầu tư trên 10 tỷ đồng lại đang lỗ lũy kế, doanh nghiệp không thể thực hiện thoái vốn được.
Đó là chưa tính các khoản đầu tư đáp ứng đủ điều kiện chào bán, việc tìm được người mua ở mệnh giá 10.000 đồng/CP cũng là một thách thức.
Tại hội nghị về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc TCT Cà phê Việt Nam (Vinacafe), thừa nhận việc thoái vốn đầu tư ở những doanh nghiệp có lãi còn làm được, nhưng ở những đơn vị đang lỗ nặng, thoái vốn chắc chắn lỗ nặng hơn. Chẳng hạn, tại Vinacafe Buôn Ma Thuột (nơi Vinacafe nắm 39% CP) đang nợ ngân hàng trên 1.600 tỷ đồng, nên việc thoái vốn rất khó khăn.
Về cơ bản, việc thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành phải tuân thủ nguyên tắc bảo toàn vốn và đảm bảo giá thị trường, nhưng nghịch lý là giá thị trường không được thấp hơn mệnh giá - là điều khó khăn cho việc thoái vốn. Như để thoái vốn khỏi CTCP Thức ăn chăn nuôi thủy sản Bạc Liêu với giá thấp hơn mệnh giá, SCIC phải được sự chấp thuận của Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, việc bảo toàn vốn tại nội dung hướng dẫn của Bộ Tài chính đang làm khó cho doanh nghiệp, khi nhiều khoản đầu tư của họ đang ngày càng giảm giá trị. Với các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hiện nay, chưa bàn đến chuyện giá thấp, ngay cả việc tìm được người mua lại các khoản đầu tư lớn này cũng không dễ dàng.
Trì hoãn vì trách nhiệm
Lý giải về những băn khoăn xung quanh việc bán CP phải ít nhất bằng mệnh giá nhưng thực tế giá thị trường thấp hơn, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), khẳng định bộ này đã có hướng dẫn đầy đủ. Cụ thể, nếu khoản đầu tư của doanh nghiệp ngoài ngành bị giảm phải trích lập dự phòng tài chính.
Khi tiến hành thoái vốn mà giá thấp hơn khoản đầu tư, doanh nghiệp dùng khoản trích lập dự phòng bù vào, nếu vẫn lỗ đưa vào chi phí. “Doanh nghiệp khi tuân thủ theo hướng dẫn trên sẽ làm lợi nhuận giảm xuống và lúc đó chủ sở hữu sẽ yêu cầu phải trả lời. Vì thế, với quy định nếu 2 năm điều hành doanh nghiệp không hiệu quả phải rút lui khỏi vị trí là áp lực lớn mà nhà quản lý doanh nghiệp có đầu tư ngoài ngành phải chịu” - ông Tiến nói.
Không thể nói bán CP của một doanh nghiệp mà lại nói không xác định được giá thị trường, giá thấp để đề nghị bán chỉ định. Nếu bán chỉ định sẽ có những vấn đề chúng ta không lường trước được sự gian lận, nguy cơ thất thoát. Đó là thực tế đã rút ra từ việc cổ phần hóa trước đây. Ông Đặng Quyết Tiến, |
Hiện Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP để tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động thoái vốn. Bộ Tài chính cũng đang tập hợp các vướng mắc trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7, 8 để Chính phủ ra nghị quyết đối với các đề án tái cơ cấu trong các trường hợp đặc biệt.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, trong tháng 7, 8 cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát những trường hợp nào chưa có đề án tái cơ cấu và đến cuối quý III sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến việc trong trường hợp EVN không bán hết CP tại ABBank hoặc nhà đầu tư chỉ muốn mua giá thấp hơn mệnh giá, theo ông Tiến, yêu cầu của Chính phủ là không được nắm giữ mà phải bán và phải lựa chọn các thời điểm để bán cho hết. Nếu bán giá thấp phải lấy từ trích lập dự phòng để bù, nếu vẫn còn thấp phải bỏ ra một phần tiền thu từ giá điện để bù đắp.
Đã làm sai phải chịu trách nhiệm, dù việc bán CP không đơn giản. Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa qua, Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp xây dựng lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Đối với những dự án, những khoản đầu tư càng để lâu càng mất vốn, cần phải thoái sớm.
Có ý kiến cho rằng dù việc thoái vốn lần này có khả năng làm mất một phần giá trị vốn của Nhà nước, nhưng là cái giá phải chấp nhận để tái cơ cấu nền kinh tế. Để thoái vốn thành công, điều quan trọng không nên quy trách nhiệm hình sự cho những lãnh đạo TĐ, TCT thoái vốn khi làm mất tài sản của Nhà nước. Bởi nếu làm như vậy, dù bắt buộc theo lộ trình, lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ tìm mọi cách trì hoãn.