Năm 2014 đánh dấu mốc 5 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào đời sống. Hành trình chinh phục người tiêu dùng tuy còn nhiều gian nan, song hàng Việt đang ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng trên chính sân nhà.
70% người tiêu dùng tin hàng Việt
Dạo quanh một số khu chợ truyền thống tại TPHCM, không khó để tìm thấy những sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Thậm chí khi hỏi mua một số mặt hàng, nhiều tiểu thương còn nhấn mạnh đây là hàng Việt Nam, không phải hàng Trung Quốc. Hàng Việt Nam hiện diện ngày càng nhiều tại các khu chợ truyền thống là một phần kết quả từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2009.
Theo số liệu mới nhất từ Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau 5 năm thực hiện, đến nay hàng Việt đã đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường và dần chiếm ưu thế với 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam. Đặc biệt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng 80-90%. Phong trào thực hiện cuộc vận động từ Trung ương đến các địa phương vẫn được triển khai mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn hầu hết là doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường. Những chuyến đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa không phải để giải phóng hàng tồn kho hay bán hàng dạo mà nhằm xây dựng mạng lưới chân rết hàng hóa của doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp. Bà Vũ Kim Hạnh, |
Một trong những đơn vị có nhiều hoạt động tích cực hưởng ứng cuộc vận động này là Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đơn vị xúc tiến chuyên nghiệp của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). BSA đã có hàng loạt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường. Một trong số hoạt động nổi bật là chuỗi hội chợ HVNCLC.
Từ tháng 9-2009 đến tháng 6-2014, BSA đã tổ chức 39 hội chợ tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, 3 lần tại Vương quốc Campuchia. Trung bình mỗi hội chợ có 150-330 doanh nghiệp tham gia, doanh thu đạt 7-42 tỷ đồng. Riêng hội chợ tại Campuchia doanh thu đạt 3,2-4 triệu USD/hội chợ.
Song hành với đó là chuỗi phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Sau 5 năm, nhịp độ 2 phiên chợ/tháng vẫn được duy trì đều đặn và cũng từng ấy thời gian, 40-50 doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với chương trình để đưa hàng đến phục vụ người tiêu dùng nông thôn - thị trường nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngỏ. Tính đến nay đã có 125 phiên chợ được tổ chức tại 27 tỉnh, thành trong cả nước với tổng doanh số trên 115 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, vài năm trở lại đây hàng Việt bắt đầu hiện diện trong các khu chợ truyền thống, nơi vốn được coi là lãnh địa của hàng ngoại nhập, trong đó phần lớn là hàng Trung Quốc. Làm nên thành công này có phần đóng góp tích cực của dự án hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống. Đây là dự án trọng điểm năm 2012 của Hội Doanh nghiệp HVNCLC thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thâm nhập hàng hóa vào kênh phân phối truyền thống tại các chợ trên địa bàn TPHCM.
9 doanh nghiệp tham gia dự án đạt kết quả khả quan như Vinamilk, Trung Nguyên, Duy Tân, Sunhouse, Bidrico, Liên Thành, Mỹ Hảo, Duy Thành và Chí Thành. Dự án đã thực hiện chương trình tại 20 chợ thuộc 10 quận, thu hút 32.000 lượt người tiêu dùng. Các doanh nghiệp mở được 100 điểm bán mới tại các chợ, độ phủ, doanh số tăng trung bình 30-40%. Trên 2.200 tiểu thương tham gia các buổi huấn luyện kỹ năng bán hàng và kết nối trực tiếp với nhà sản xuất.
“Tự hào hàng Việt”
Có thể khẳng định, sau 5 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Đặc biệt, sau sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đem giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với rất nhiều người tiêu dùng, việc tin tưởng, sử dụng hàng Việt Nam còn là hành động thể hiện lòng yêu nước.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế đây chính là thời điểm tốt để doanh nghiệp nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, đẩy lùi sự hiện diện của hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc tại nhiều kênh phân phối. Bản thân các doanh nghiệp cũng xem đây là cơ hội giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong cả khâu xuất và nhập khẩu.
Đã đến lúc các doanh nghiệp phải chuyển đổi phương thức cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh bằng giá mà còn bằng chất lượng sản phẩm. Thực tế cho đến nay hầu hết doanh nghiệp đã thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng chiến lược aphát triển bền vững dựa trên sự đổi mới công nghệ và quản trị. Ông Phạm Ngọc Hưng, |
Để cuộc vận động ngày càng bám rễ sâu vào đời sống người dân, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%.
Đề án với trọng tâm là tổ chức nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, phấn đấu đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá cuộc vận động; phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Để đạt được mục tiêu trên, đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp, gồm: nhóm giải pháp giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam; nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng…
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án vào khoảng 228,93 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước 119,83 tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn khác 109,1 tỷ đồng.
Có thể thấy phía Nhà nước cũng như các cơ quan liên quan đã có những hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong cuộc chiến giành lấy thị phần từ mảnh đất màu mỡ với hơn 90 triệu dân, nhất là khi cánh cửa hội nhập đang mở ra.
Nỗ lực đổi mới của doanh nghiệp
Song để người tiêu dùng thực sự tin tưởng, lựa chọn hàng Việt, các doanh nghiệp với nỗ lực đầu tư, cải tiến công nghệ, sản phẩm, chất lượng… sẽ là nhân tố quyết định. Tại diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo lần thứ nhất do Hội Doanh nghiệp HVNCLC phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) tổ chức, TS. Giáp Văn Dương, người sáng lập Giapschool, chia sẻ: “Nếu cách đây khoảng 5 năm, đổi mới sáng tạo vẫn là một chuyện xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp, thời gian gần đây, thuật ngữ Đổi mới - Sáng tạo đã gần như là câu cửa miệng của nhiều doanh nhân và nhà làm chính sách”.
Để thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh hơn các hoạt động đổi mới sáng tạo, trong buổi lễ trao giải HVNCLC 2014, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN đã trao bằng khen cho 17 doanh nghiệp HVNCLC có thành tích nổi bật trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Dịp này, Hội Doanh nghiệp HVNCLC cũng cho ra mắt Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo với hơn 50 thành viên ban đầu. Thành phần chủ chốt của câu lạc bộ là 30 doanh nghiệp, đại diện Bộ KHCN, một số viện, trường, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Mới đây, ngày 24-6-2014, 75 doanh nghiệp tiêu biểu đã được tôn vinh “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” lần thứ nhất do Bộ KHCN và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Và cũng từ năm 2014, ngày 18-5 hàng năm được chọn làm ngày KHCN Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: “Phong trào đổi mới sáng tạo bắt nguồn từ doanh nghiệp, trách nhiệm của chúng tôi là tiếp sức doanh nghiệp trong quá trình đổi mới sáng tạo. Bộ KHCN được Chính phủ giao 4 chương trình để các doanh nghiệp có cơ hội tham gia. Ngoài chương trình đổi mới công nghệ quốc gia còn có chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia và chương trình nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa Việt Nam đến năm 2020. Khi tham gia, doanh nghiệp được hỗ trợ hoạt động KHCN, nhập khẩu công nghệ, đào tạo nhân lực”.
![]() |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà |
Đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, là một con đường dài, quan trọng là quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Sự kết hợp giữa các viện, trường và doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo sản phẩm, công nghệ mới cũng đang được nhắc lại như một nhân tố quan trọng trong hành trình của doanh nghiệp. Tất cả làm nên một bức tranh thành công cho doanh nghiệp trong công cuộc chinh phục người tiêu dùng.