(ĐTTCO) - Năm 2016 được coi là thời điểm hội tụ tương đối đầy đủ các điều kiện để triển khai 4G tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm chính thức thương mại hóa dịch vụ này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh cụ thể của từng doanh nghiệp (DN).
![]() |
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khi trao đổi với báo chí về lộ trình triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam.
Phóng viên: - Thưa ông, tới thời điểm này, Việt Nam đang có thế mạnh nào để thúc đẩy nhanh việc triển khai 4G trong năm nay?
Thứ trưởng Phan Tâm: Đầu năm 2016, Chính phủ đã ban hành chương trình băng rộng quốc gia đến năm 2020, đặt mục tiêu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng quốc gia hiện đại, an toàn, dung lượng lớn và có tốc độ cao, cung cấp đa dịch vụ trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Chương trình này cũng đặt mục tiêu phải phát triển hạ tầng băng rộng di động 3G, 4G với mục tiêu phủ rộng 95% dân số cho đến năm 2020. Chính vì vậy, Bộ TT&TT sẽ khẩn trương xem xét việc cấp phép chính thức 4G trong thời gian tới.
Mặt khác, qua theo dõi và đánh giá thực tế, Bộ TT&TT cũng nhận thấy, năm 2016, Việt Nam cũng đã hội tụ tương đối đầy đủ các điều kiện cần và đủ để triển khai thành công công nghệ mới 4G.
Cụ thể, hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều nhu cầu về các ứng dụng, dịch vụ đòi hỏi băng thông cao. Về mặt trang thiết bị, các thiết bị 4G, thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng và giá cả hợp lý. Đặc biệt, các DN cũng đã sẵn sàng kế hoạch đầu tư và triển khai 4G.
Chính những lý do này mà trong thời gian qua Bộ đã cấp phép thử nghiệm cho một số DN triển khai công nghệ 4G, và chắc chắn trong thời gian tới các DN được cấp phép thí điểm sẽ có báo cáo triển khai. Từ đó, Bộ sẽ xem xét và cấp phép chính thức 4G trong thời gian tới.
Về cơ chế chính sách, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa cho các DN viễn thông triển khai thành công 4G.
Bộ cũng đã xem xét rất nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm các giải pháp như: Tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh bằng các biện pháp quản lý theo cơ chế thị trường; thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ nội dung số như chính phủ điện tử, giao thông thông minh, y tế từ xa… Cuối cùng là các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các DN xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động.
Theo hướng này, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục chi tiết hóa các chính sách dùng chung cơ sở hạ tầng liên ngành, thúc đẩy đơn giản hóa, chuẩn hóa và đồng bộ hóa việc cấp phép cơ sở hạ tầng kỹ thuật thụ động của các bộ, ngành, cũng như các địa phương.
- Đến nay, ngoài một số DN đã triển khai thí điểm 4G, các nhà mạng khác có kế hoạch triển khai và sử dụng 4G như nào, thưa ông?
- Theo kế hoạch và chiến lược phát triển trong 5 năm tới, riêng năm 2016, các DN đã dành sự quan tâm lớn cho sự phát triển băng rộng chung, trong đó có băng rộng di động cũng được dành kế hoạch đầu tư rất lớn.
Ngoài Viettel, VNPT, Vinaphone thì FPT cũng đã có đề xuất phát triển 4G với Bộ TT&TT. Chúng tôi sẽ xem xét tất cả các đề xuất này và cũng sẽ cân nhắc việc cấp phép trong thời gian tới trên cơ sở kết quả thử nghiệm vừa rồi.
-Dự kiến, 4G sẽ được cấp phép chính thức vào thời điểm nào, thưa Thứ trưởng?
- Như tôi đã nói, năm nay hội tụ tương đối đầy đủ các điều kiện để triển khai 4G tại Việt Nam, nhưng thời điểm chính thức thương mại hóa thì phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh cụ thể của từng DN để giải quyết bài toán tối ưu hóa giữa đầu tư dịch vụ và thị trường thiết bị đầu cuối.
Một trong những yếu tố mà chúng ta cần cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để 4G triển khai thành công là mô hình kinh doanh cũng như những chia sẻ hợp lý giữa các DN đầu tư mạng, các DN khai thác dịch vụ trên hạ tầng đó cũng như các DN phát triển các ứng dụng và dịch vụ trên mạng và cả phía người tiêu dùng.
Chỉ khi nào mối quan hệ giữa các bên tham gia thị trường băng rộng di động này được cân bằng, tạo ra hệ sinh thái bền vững thì lúc đấy chúng ta mới tận dụng được tất cả lợi thế của công nghệ di động 4G và phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế phát triển.
-Trân trọng cảm ơn ông!