Loạn giá vàng SJC
Đối với kênh vàng, tháng 8-2020 được xem là một trong các thời điểm lịch sử. Lúc đó, giá vàng thế giới đã lập đỉnh 2.080USD/ounce. Trong nước, giá vàng SJC có thời điểm biên độ dao động lên tới 5-6 triệu đồng/lượng trong 1 ngày. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng đẩy biên độ giá mua và giá bán lên mức 3-4 triệu đồng/lượng.
Tháng 3-2022, giá vàng thế giới một lần nữa tăng mạnh trước lo ngại lạm phát và chiến sự Nga - Ukraine. Các DN kinh doanh vàng trong nước đương nhiên không bỏ qua cơ hội này. Thậm chí lần này đà tăng của SJC còn dữ dội hơn. Tính từ thời điểm nổ ra chiến sự Nga - Ukraine ngày 24-2 cho đến đỉnh giá ngày 8-3, giá vàng thế giới tăng từ 1.900USD tiến lên đỉnh 2.078,8USD, tương đương tăng 178,8USD, quy đổi tỷ giá trong nước tương đương tăng 4,1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng SJC tăng từ 64 triệu đồng lên đỉnh 74,4 triệu đồng, tức tăng đến 10,4 triệu đồng/lượng.
Sau khi lập đỉnh, giá vàng quay đầu giảm mạnh trong 2 ngày 9 và 10-3. Trên thế giới, vàng giảm từ 2.078,8USD/ounce xuống 1.977USD/ounce, tương đương giảm 2,4 triệu đồng. Còn trong nước, vàng SJC từ đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng ngày 8-3 giảm xuống dưới 69 triệu đồng/lượng vào ngày 10-3. Mức giảm của vàng SJC hơn 5,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, trong biến động giá vừa rồi, dao động lên/xuống của giá vàng SJC luôn hơn gấp đôi giá vàng thế giới. Đồng thời, chênh lệch giá trong nước và thế giới lên đến 17-18 triệu đồng.
SJC là của ai?
Những ngày qua, thị trường vàng loạn giá nhưng không có bất kỳ sự can thiệp nào của NHNN. SJC là tên viết tắt của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Nhưng thực tế, khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN. Với Nghị định 24 và một loạt chính sách của NHNN đã thiết lập lại trật tự cho thị trường vàng. Điểm nổi bật nhất là vàng không còn khả năng gây bất ổn cho tỷ giá như trước.
Thế nhưng, sau khi mọi việc đi vào trật tự, NHNN vẫn chưa trả lại tự do cho thị trường vàng, dù nhiều năm trước các chuyên gia khuyến cáo NHNN nên chuyển chức năng kinh doanh vàng cho thị trường. Tức NHNN không nên độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng mà giao lại cho DN thực hiện, NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát, vừa giảm rủi ro cho cơ quan quản lý, vừa đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, SJC được NHNN cấp phép gia công vàng miếng. Đồng thời, NHNN tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường thông qua các TCTD, DN đã được cấp phép để tạo nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên từ đầu năm 2014, NHNN dừng đấu thầu vàng vì lý do đã ổn định cả về giá và lượng, nhu cầu thị trường vàng cần sự can thiệp của NHNN gần như không có. NHNN cũng hứa sẽ tiếp tục đấu thầu khi thị trường có nhu cầu.
Kể từ đó đến nay đã hơn 8 năm, chưa có phiên đấu thầu vàng miếng nào diễn ra. Cũng kể từ đó, vàng miếng SJC trở nên đắt đỏ, càng ngày mất sự liên thông với giá vàng thế giới. Khi NHNN đứng ngoài cuộc, nguồn cung bị đứt thời gian dài, các NHTM, DN kinh doanh vàng miếng đã đổi vai trở thành chủ thị trường, quyết định giá mua - bán, tạo ra sự loạn giá trong những đợt giá vàng thế giới biến động mạnh.
Không quản giá, ai lợi, ai thiệt?
Khi chưa có Nghị định 24, giá vàng cũng đã có những ngày nóng như chảo lửa, người dân ùn ùn “đi buôn” vàng, nhưng lúc đó chênh lệch giá trong nước và thế giới cũng chỉ ở mức 4 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua và giá bán chỉ 700.000 đồng. Chênh lệch này lúc đó đã được đánh giá bất ổn, có dấu hiệu đầu cơ, làm giá. Trong khi đó, đỉnh điểm sốt giá mới đây, vàng tăng lên kỷ lục 74,4 triệu đồng/lượng và cao hơn giá thế giới đến 17-18 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua giá bán lên đến 2-2,5 triệu đồng/lượng, nhưng không có bất kỳ động thái nào từ cơ quan quản lý, chỉ có các chuyên gia liên tục lên tiếng cảnh báo nguy cơ thua lỗ nếu đổ tiền lướt sóng vàng khi giá tăng quá nóng.
Giá vàng trong nước tăng giảm theo đà thế giới, song tạo chênh lệch giá nói trên không ai khác ngoài các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng. Hơn ai hết, các công ty kinh doanh vàng rất nhạy cảm với biến động của giá vàng thế giới. Trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine căng thẳng, giá vàng SJC đã được đánh lên. Giá mua nâng lên giá bán cũng phải nâng, nhưng để đảm bảo an toàn cho mình, các DN đã đẩy khoảng cách giá bán ra và giá mua vào lên khoảng 2 triệu đồng/lượng, tức ngay khi mua vàng miếng SJC người mua đã lỗ 2 triệu đồng/lượng.
Với khoảng cách đó, dù giá lên hay giá xuống, DN kinh doanh vàng vẫn có lời, chỉ người mua lời ít, thậm chí lỗ vì biên độ dao động mạnh trong thời gian quá ngắn. Đó là chưa kể đếnchiêu tăng giảm đột ngột của các DN. Ngày 9-3, khi vàng SJC vẫn còn đu trên đỉnh, nhiều người ôm vàng đi bán, các DN lập tức điều chỉnh giảm mạnh hàng triệu đồng mỗi lượng.
NHNN không can thiệp vào thị trường, vàng SJC không còn nguồn cung, các DN, NHTM cũng chỉ mua đi bán lại nhưng vị thế của họ đã đẩy họ lên nắm chuôi thị trường vàng, tự định đoạt giá. Như vậy, người mua chỉ có thiệt. Còn DN, với chênh lệch như vậy chắc chắn thu lợi nhuận không nhỏ từ các đợt sốt giá. Đây là điều không công bằng. Nhìn rộng hơn, thiệt thòi nặng nhất việc “thả cửa” thị trường vàng còn rơi vào phía cơ quan quản lý nhà nước.
Nghị định 24 chống vàng hóa, ổn định tỷ giá, nhưng chưa giải được bài toán “một mình một chợ” của giá vàng SJC vốn tồn tại nhiều năm nay. Và trong Nghị định 24 có nhắc đến mục tiêu huy động vàng trong dân, đưa dòng tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng với ứng xử của các công ty kinh doanh vàng, người dân sẽ găm giữ vàng chờ cơ hội, thay vì giao dịch mua bán như các kênh đầu tư khác. Có nghĩa, mục tiêu huy động vàng trong dân khó thực hiện được nếu vàng SJC không được trả lại đúng giá trị trường.
Khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN. Thế nhưng, sau khi mọi việc đi vào trật tự, NHNN vẫn chưa trả lại tự do cho thị trường vàng. |