Trong cơn nguy khốn do tác động khủng hoảng, hầu hết doanh nhân thuộc hàng đại gia phải thừa nhận đây chính là cơ hội, là dịp tốt nhất để họ “định giá” lại những giá trị mình đang sở hữu, để xem thực sự doanh nghiệp có tầm vóc ra sao, đến đâu, cái gì là tốt nhất và bền vững nhất, cái gì cần củng cố hoặc phải giữ gìn.
Cách nay hàng trăm năm, các nhà tư tưởng đã phát hiện ra một điều tưởng rất hiển nhiên nhưng lại vô cùng hệ trọng: mái ấm gia đình là tổ chức xã hội bền vững nhất, lâu dài nhất bất chấp mọi biến động của xã hội. Thể chế chính trị này sụp đổ, thể chế khác lên thay, mọi nền kinh tế đều có chu kỳ hưng thịnh và khủng hoảng, còn gia đình là một giá trị bất biến. Dù trong thời chiến hay thời bình, khi xã hội khủng hoảng, càng rối loạn thì vỏ bọc gia đình càng trở nên vững chắc, khả năng tự vệ càng cao để đối phó lại với sự nhiễu nhương ngoại lai. |
Thật có lý khi người Trung Quốc có câu nói “họa trung hữu phúc” đại ý trong họa có phúc, trong rủi có may. Khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều công ty phá sản, những công ty trụ được cũng điêu đứng, doanh thu giảm, không còn các hợp đồng béo bở, tiền trượt giá từng ngày, thị trường chứng khoán đỏ lựng.
Nhưng chính trong lúc này các nhà doanh nghiệp tài ba biết biến thảm họa thành cơ may, tìm ra những điều “phúc trong họa”. Đó là lúc tiến hành tái cấu trúc công ty cho hợp lý hơn, thay đổi công nghệ, tổ chức lại và tái đào tạo đội ngũ nhân sự, định lại hướng chiến lược, tìm đối tác mới...
Trước hết họ nhận ra hình như có rất ít bạn chí cốt, những người mà lúc còn ăn nên làm ra, tiền bạc rủng rỉnh, rượu bia tràn trề sao nhiều thế.
Nhưng khi công ty phá sản, ghế bị mất, cổ phiếu trở thành tờ giấy lộn chiến hữu chẳng còn mấy ai và cố nhiên các nàng chân dài bao giờ cũng là người bỏ đi đầu tiên khi thấy mỏ vàng đã cạn. Và chính lúc này các doanh nhân mới thấy hết giá trị đích thực của gia đình mà bấy lâu nay bị xếp vào hàng thứ yếu, do quá bận bịu và bị những ánh hào quang “ảo” che lấp.
Người nước ngoài rất thích cái cách người Việt Nam gọi: “nhà tôi”. Khi một ai đó giới thiệu đây là “nhà tôi” thì nó có nghĩa là “vợ tôi” nhưng cũng có nghĩa là “ngôi nhà của tôi” nơi đó có cha mẹ, vợ con và những người thân yêu của mình đang sống.
Trên thế giới không có cách gọi nào về người vợ và nơi cư ngụ của mình vừa thân thiết, trang trọng mà lại hay đến như thế. Nhưng đằng sau cách gọi đó là cả một tầng sâu văn hóa.
Doanh nhân là người đi nhiều nơi, ở các khách sạn 5 sao, dự các tiệc tùng thừa mứa, nhưng có nhiều người chưa chắc đã thấm được cái nghĩa của “nhà tôi”, mà chỉ khi sa cơ lỡ vận mới thấm thía được lời dạy của Khổng Tử rằng “nhà là gốc của nước” và “nhà nước chẳng qua là cái nhà cộng với non nước thành nhà nước”, còn quốc gia thì cũng bắt đầu từ việc cộng nhiều cái “gia” mà thành.
Do vậy mà “gia đình chính là hầm trú ẩn cuối cùng” không chỉ của bậc đế vương mà còn cả cho người dân dã vào bất kỳ khi nào, khi anh mất tất cả (tiền bạc, sự nghiệp, quyền lực) cái còn lại cuối cùng là gia đình (nếu gia đình mất nốt chả còn gì để nói cả).
![]() |
Quả đúng như vậy, sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng ai chả muốn trở về với gia đình nơi người ta thường gọi với một mỹ từ là “tổ ấm” (thương thay cho ai không có tổ ấm hay có tổ mà lạnh lẽo). Trong cơn bĩ cực và mạt vận ai là người cuối cùng còn lại bên cạnh doanh nhân? Đối tác ư? Bạn chén thù chén tạc ư? Thư ký trẻ đẹp ư?
Câu trả lời là không ai hết, mà người còn lại cuối cùng chính là vợ và những đứa con, những người thân sẵn lòng chia sẻ với anh miếng ăn cuối cùng và ngồi bên cạnh an ủi, lau nước mắt cho người anh hùng mạt vận, kể cả thăm nuôi khi anh lỡ rơi vào vòng lao lý.
Ngay cả đối với những doanh nhân trẻ, mới nổi chưa có gia đình riêng thì vòng tay người mẹ chính là bến đậu cuối cùng an toàn nhất mỗi khi gặp rủi ro, đau đớn, mất thăng bằng. Ở nơi đây anh nhận được năng lượng từ người mẹ để tiếp tục lao ra thương trường sẵn sàng chấp nhận sự va chạm khủng khiếp.
Trong cơn lốc của khủng hoảng, các hợp đồng triệu đô không còn, đất đai đóng băng, công ty làm ăn thất bát, ấy là lúc các doanh nhân mới có thời gian rảnh để thăm hỏi bà con gia đình hai bên nội ngoại, có thời gian chăm sóc con cái, có thời gian cùng nhau hàn huyên tâm sự, cùng nhau đi du lịch đây đó, trước là tránh bão sau là lấy lại sự thăng bằng.
Chính những lúc rảnh rỗi ấy mọi người mới có dịp gần gũi nhau, bình tâm ngồi bên nhau xem lại những cuốn album ngày cưới đã ố vàng, cùng nhau ôn lại kỷ nệm ngày còn “xe đạp ơi”, và tình yêu được hâm nóng , “con tim đã vui trở lại”.
Nhìn mái nhà và những đứa con, nhiều người mới ngộ ra trong lúc kinh tế hưng thịnh, tiền bạc chảy vào như nước, mọi chuyện hanh thông làm cho người ta dễ quên mất những giá trị sống thật vô cùng giản dị.
Đó đôi khi chỉ là những giây phút ngồi bên nhau ngắm nhìn các con nô đùa, uống trà cùng nhau vào mỗi buổi sớm, bàn chuyện nuôi dạy con, nói chuyện với người hàng xóm qua hàng rào phân cách mà lâu nay mình quên mất họ.
Còn những nữ doanh nhân cũng có dịp trở lại vai trò nội trợ chăm sóc chồng con khi không còn tiền thuê người giúp việc. Họ hình như cũng dịu dàng hơn và đẹp hơn lên trong mắt chồng con.
Nhiều gia đình đứng bên bờ nguy cơ đổ vỡ nay đã bình yên hơn, những mâu thuẫn tích cóp lâu nay được giải tỏa, nhiều cuộc ly thân nay được hàn gắn. Các mối quan hệ gia đình được hâm nóng lại và trở nên bền chặt hơn.
Các nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ, Hàn Quốc cho hay sau 3 năm khủng hoảng kinh tế tỷ lệ ly hôn ở các nước đó đang có xu hướng giảm, mọi người quay trở về với những giá trị gia đình truyền thống như đề cao tình yêu cổ điển, chung thủy hôn nhân một vợ một chồng.
Còn đàn ông Hàn Quốc là những người nổi tiếng thế giới vì sự la cà, bao giờ cũng về nhà sau 8 giờ tối vì mải miết đi nhậu với bạn bè thì nay hầu hết tất tả quay trở về với bữa cơm gia đình vừa tiết kiệm lại ấm cúng.
Thật thú vị khi biết rằng ở Tây Ban Nha, một trong số các hàng hóa bán được số lượng nhiều trong thời khủng hoảng chính là dụng cụ làm vườn. Việc họ tự trồng rau, cây trái, tự tay làm bánh ngọt không chỉ đơn thuần vì kinh tế mà cái chính là họ dành thời gian cho công việc gia đình để chia sẻ cùng nhau.