1. Ca khúc Trịnh Công Sơn viết: “Sài Gòn mùa xuân còn thoáng lá vàng bay, có mùa thu nào đang ở lại. Mặt đường bình yên nằm ngoan như con suối, kết hoa vàng cho lộng lẫy đời”.
Gắn bó với Sài Gòn nhiều năm, mỗi lần Tết đến giúp tôi hiểu thêm một chút về thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam này. Sài Gòn sầm uất đấy, Sài Gòn đô hội đấy, Sài Gòn tấp nập đấy, nhưng dường như ít người nhận ra Sài Gòn còn mang một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp thanh thản và thong dong.
Khi mới vào Sài Gòn, tôi đinh ninh ở Sài Gòn chỉ có tết… Tây. Bởi lẽ, Sài Gòn quần tụ nhiều văn hóa khác nhau và cũng có nhiều người nước ngoài sinh sống. Từ Noel đến ngày đầu năm dương lịch, đường sá Sài Gòn được trang hoàng lộng lẫy, người nối người náo nức, xe nối xe nườm nượp.
Gặp gỡ, chúc tụng, nâng ly diễn ra khắp nơi. Tôi cũng hòa lẫn trong dòng chảy hào hứng ấy, ngắm pháo hoa và hát “Happy new year” của ban nhạc ABBA. Có lẽ tết Tây ở Sài Gòn rực rỡ nhất nước ta. Thế nhưng, càng ngày tôi càng hiểu Sài Gòn tết âm lịch còn đáng nhớ hơn Sài Gòn tết dương lịch.
Nói đến tết cổ truyền rất khó so sánh, vì mỗi nơi có một đặc điểm riêng. Thênh thang đất khách bạc vàng chưa hẳn mang lại nhiều hạnh phúc bằng bờ tre, góc bếp cố hương.
Nhưng có một sức quyến rũ kỳ lạ khi nhóm lên ngọn lửa giao thừa, hình như có chút hơi ấm tổ tiên để hoài vọng, hình như có chút nồng nàn kỷ niệm để sẻ chia. Người bốn phương tìm đến Sài Gòn lập nghiệp, suốt mười hai tháng bôn ba, ai cũng muốn có dăm ba phút giây ngồi lại dưới bóng râm ngôi nhà tuổi nhỏ.
Cho nên, khoảng giữa tháng chạp không khí tất bật hiện rõ trên từng khuôn mặt bao người. Mọi phương tiện giao thông xuôi về ĐBSCL hoặc ngược về miền Trung, miền Bắc đều đông đặc người chen lấn. Trời cuối năm Sài Gòn bao giờ cũng se lạnh, như tiễn biệt, như luyến lưu.
Cứ thế, từng chiếc xe khởi hành, từng đoàn tàu rời ga, từng chuyến bay cất cánh, đưa những mảnh đời trôi dạt mưu sinh quay lại bến sông thơ dại, nơi có dáng mẹ gầy bước dọc bờ Nhật Lệ, nơi có bóng tình nhân che nón bên dòng Vu Gia. Càng gần tết, Sài Gòn càng vắng.
Đôi lần dừng lại chờ đèn đỏ ở một ngã tư không kẹt xe, tôi bất giác nghe ngọn gió Sài Gòn run rẩy thổi ngang lòng mình niềm xao xác khôn nguôi.
Tết ở Sài Gòn buồn lắm! Nhiều người từng than thở như vậy. Phải thông cảm cho những tâm trạng ấy, tâm trạng của những người vì lý do này hoặc điều kiện khác không có dịp đón xuân nơi chôn nhau cắt rốn.
Họ ở lại Sài Gòn như kẻ dự phần mùa xuân bất đắc dĩ, thân xác họ ở Sài Gòn nhưng hồn vía họ đã bay về phía xa xôi cách trở bằng thương nhớ nhọc nhằn.
Ngay khi đứng tại đường hoa Nguyễn Huệ, trung tâm của lễ hội tết Sài Gòn, tôi vẫn nắc nỏm rằng, cái thảm cỏ uốn lượn xanh mượt kia và cái chậu cây tỉa tót mỹ miều nọ cũng phần lớn được làm từ bàn tay của những người không ăn Tết nơi đây.
Trong trăm ngàn sắc màu tươi thắm ấy, chắc có chậu vạn thọ của người Sa Đéc, cành hồng nhung của người Đồng Xoài, giò phong lan của người Đắk Lắk, nhánh xương rồng của người Phan Rang...
Tất cả tạo thành một bài ca bất tận của sự chung tay cống hiến. Có lẽ những người ăn tết Sài Gòn đều ít nhiều cảm nhận điều giản dị ấy, khiến từng bước chân dạo qua đường hoa Nguyễn Huệ cũng ngập ngừng hơn, bồi hồi hơn, bịn rịn hơn.
2. Tết Sài Gòn không thiếu thứ gì. Không thiếu người của địa phương nào đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Mảnh đất ngỡ đọa đày áo cơm dần dần trở thành mảnh đất gắn bó vui buồn. Sài Gòn có rất nhiều hội đồng hương. Tết Sài Gòn được góp thêm thanh âm bởi sự chân tình của các hội đồng hương.
Dù chưa có thống kê đầy đủ nào, nhưng tại Sài Gòn có những hội đồng hương hoạt động sôi nổi như hội đồng hương Thái Bình, hội đồng hương Huế, hội đồng hương Hải Phòng, hội đồng hương Nam Định, hội đồng hương Thanh Hóa...
Công nhân hay sinh viên không có cơ hội về quê ăn tết đều có thể tìm thấy niềm thân ái ở các hội đồng hương. Cứ nhìn cách vun đắp yêu thương của các hội đồng hương, sẽ thấm thía thêm tết Sài Gòn còn có hương vị của hào hiệp và cưu mang.
Nhiều bạn trẻ kinh tế khó khăn đã thổ lộ với tôi rằng, những ngày tết họ ở lại Sài Gòn rất thú vị, ban ngày làm việc thời vụ để kiếm thêm thu nhập còn ban đêm chung vui với hội đồng hương. Không có nỗi ấm áp nào so sánh được một đêm trừ tịch nơi xứ lạ mà nghe được giọng nói quê nhà cùng những câu chuyện quê nhà.
Tôi thầm nghĩ, ngoài Sài Gòn chẳng có ở đâu trong những ngày tết chỉ cần dạo một vòng có thể nghe hết câu quan họ ngân nga ở dãy phố này lại được nghe câu ví dặm ở dãy phố nọ, hoặc được nghe dăm câu vọng cổ ở dãy phố kia.
Ảnh: Việt Dũng |
Tết Sài Gòn đậm nét nhất ở đâu? Không phải ở các khu du lịch như Đầm Sen hay Suối Tiên, mà cũng không phải ở khu biệt thự sang trọng như Phú Mỹ Hưng.
Muốn chìm ngập trong tết Sài Gòn hãy đến Chợ Lớn (chợ Bình Tây). Tôi không biết ngày xưa ông Quách Đàm đứng ra xây dựng chợ Bình Tây có nghiên cứu kỹ lưỡng về phong thủy ra sao, nhưng bây giờ địa danh ấy đã thành một điểm hẹn khó quên.
Ngày tết, nếu bắt đầu từ chợ Bình Tây đi theo hướng bến Bình Đông rồi qua kênh Tàu Hũ sẽ cảm thấy từng cung bậc tưng bừng. Những người ba bốn đời có hộ khẩu Sài Gòn đều sống nhiều nhất quanh chợ Bình Tây. Nhờ vậy, những nếp ứng xử ngày tết hầu như được bảo tồn.
Ngoài việc trang hoàng nhà cửa đỏ chói, người Sài Gòn - Chợ Lớn không thể thiếu múa lân, múa rồng vào ngày tết. Tuy nhiên, có một phong tục đáng nhắc của người Sài Gòn là tết phải coi tuồng. Những người lớn tuổi kể lại, hồi xưa cứ sáng mồng một là các thương nhân thuê cả gánh hát tuồng đến nhà biểu diễn.
Hiện tại, chẳng mấy ai còn hứng thú với việc chen chúc diễn tuồng tại gia. Thế nhưng, ba ngày tết thì người Sài Gòn – Chợ Lớn vẫn rủ nhau đi xem hát bội ở sân đình.
3. Tôi có nhiều người bạn Việt kiều, mỗi năm đều cố gắng thu xếp để đón tết Sài Gòn. Ánh mắt họ đăm đắm ngước nhìn những hàng me trên đường Nguyễn Du hoặc những hàng sao trên đường Trần Quốc Thảo, bàn tay họ sờ từng viên gạch trên tường nhà thờ Đức Bà, sao mà gần gũi và thiêng liêng.
Thử hỏi làm sao không bùi ngùi, khi chứng kiến người đang quanh năm sống cạnh sông Seine mà trở về ngồi thẫn thờ im lặng bên sông Bến Củi. Thử hỏi làm sao không xao xác, khi chứng kiến người mỗi ngày đi lại trên cầu Cổng Vàng tráng lệ soi bóng vịnh San Francisco nức danh ở Hoa Kỳ mà trở về hân hoan ngắm nghía cầu Tân Thuận cũ kỹ bắc qua khúc sông Nhà Bè.
Tôi yêu cái tết Sài Gòn từ những câu chuyện của họ. Đó là những câu chuyện đơn giản thôi, những câu chuyện luôn bắt đầu bằng hai chữ ngày xưa. “Ngày xưa tớ tập xe đạp ở công viên Phú Lâm”, “ngày xưa mình quen một cô gái ở Ba Thôn miệt Hóc Môn”, “ngày xưa tui phải qua phà Thủ Thiêm để đến giảng đường”…
Rất nhiều cái tên đất, tên xóm, tên ấp được gọi khe khẽ trên môi thật nồng nàn. Tết Sài Gòn xôn xao trong tôi khi nhận tin bạn bè hẹn hò đáp chuyến bay đường dài chỉ để được rảo bước qua chợ Bến Thành sáng tinh mơ, hoặc chỉ để được nghe tiếng chim hót trong vườn hoa Tao Đàn.
Thời tiết Sài Gòn những ngày cận tết hao hao như mùa thu Hà Nội. Chút nắng vàng bâng khuâng, chút gió thoảng mơ hồ, chút mây trắng nhẹ trôi…
Sài Gòn ngày tết vắng vẻ mà lãng mạn, thanh tĩnh mà lưu luyến. Đi giữa ngày tết Sài Gòn bỗng thèm hát lên tha thiết “Sài Gòn mùa xuân về dưới những hàng cây, có nhiều tiếng cười như trẻ lại, ngày vội vàng lên bình minh thay đêm tối, nắng phai từ lâu chiều vẫn dài”.
Sài Gòn cuối năm