Thu hút các tập đoàn Mỹ, chỉ 'lót ổ' chờ 'đại bàng' là chưa đủ

(ĐTTCO) - Nói về sự kiện đoàn doanh nghiệp (DN) Mỹ với hơn 50 DN lớn sang làm việc và khảo sát thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cho rằng sẽ tạo kỳ vọng thu hút đầu tư từ DN Mỹ trong thời gian tới.
Tập đoàn Intel đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Tập đoàn Intel đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Bởi thực tế cho thấy vốn đầu tư của DN Mỹ vào Việt Nam hiện vẫn còn khá khiêm tốn, thậm chí Mỹ không nằm trong top 10 nhà đầu tư FDI vào Việt Nam.

Từ “đường vòng” đến “đường thẳng”

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, để đón được những DN “đại bàng” Mỹ vào đầu tư, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng DN trong nước, nhằm tạo sự hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, nhất là trong bối cảnh chính sách ưu đãi về thuế hiện nay đã tỏ ra không còn phù hợp.

Thực tế, các DN Mỹ đưa vốn đầu tư vào Việt Nam bằng 2 cách: trực tiếp từ Mỹ sang và thông qua nước thứ 3. Về số vốn đầu tư từ Mỹ theo cách 1, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết cơ bản không có đột biến, vẫn ở mức khoảng 1 tỷ USD/năm. Đây là con số thấp khi so với dòng vốn đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông…

"Về cách thứ 2, vốn của DN Mỹ nhưng họ đầu tư vào DN của các quốc gia khác thông qua các hình thức liên doanh, mua bán, sáp nhập, sau đó mới quay sang đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư theo cách này lớn hơn cách 1” - ông Toàn phân tích.

Các DN Mỹ hầu hết là DN lớn, quy mô đa quốc gia, có chuỗi sản xuất rộng khắp. Nhưng khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức thứ 2, xét về nguồn gốc dòng vốn được xếp theo nước thứ 3, mà không xem là vốn đầu tư từ Mỹ. Vốn đầu tư của các DN Mỹ vào Việt Nam thông qua Đài Loan, Singapore hiện khá nhiều.

Vậy tại sao DN Mỹ đầu tư vào Việt Nam lại đi lòng vòng như vậy? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc để họ hưởng những ưu đãi về thuế. Nhưng bây giờ với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, việc đi “đường vòng” có thể không còn phù hợp nữa, thay vào đó phải là đầu tư trực tiếp, tức đi “đường thẳng”.

So với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác, điều đáng mừng tỷ lệ DN Mỹ gia tăng đầu tư và có cái nhìn tích cực về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Những dự án của họ cũng tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam đang rất cần, có ý nghĩa ở tầm trung hạn.

Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (Amcham), gần 80% hội viên được khảo sát đã đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của họ về Việt Nam, và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.

Đặc biệt, sự hiện diện của những cái tên hàng đầu như P&G, Coca Cola, Apple, Google, Intel, cho thấy mức độ ưu tiên của giới đầu tư Mỹ vào Việt Nam.

Hiện thực hóa ngay và có thể

Ông Toàn phân tích thêm, chúng ta rất cần dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia, những tập đoàn lớn về công nghệ cao. Trước đây Chính phủ đã từng lập tổ công tác để “đón đại bàng” là các DN lớn đến từ Mỹ và EU.

Nhưng vấn đề ở đây là phải trả lời được câu hỏi: DN Mỹ đầu tư vào Việt Nam họ cần cái gì, hay nói đúng hơn Việt Nam phải làm gì để hấp dẫn họ. Có thể nói phái đoàn DN Mỹ đến Việt Nam vừa rồi khá “hùng hậu”, nhiều DN “đại bàng” với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Song, để hiện thực hóa được việc hợp tác đầu tư có lẽ còn là câu chuyện dài. Trước mắt, một số lĩnh vực khả thi nhất có thể hợp tác ngay, hiện thực hóa bằng những dự án cụ thể.

Thứ nhất, lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm nhất là ngành công nghiệp chất lượng cao, trong đó có công nghệ sản xuất linh kiện, chất bán dẫn, chip… Đây cũng là những thứ thị trường thế giới đang rất cần và chúng ta có đủ tiềm năng lẫn khả năng để hợp tác với DN Mỹ về lĩnh vực này.

Thứ hai, lĩnh vực logistics, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và hoàn toàn có thể hợp tác với DN Mỹ, hoặc kêu gọi họ hợp tác.

Thứ ba, hợp tác đầu tư về lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đây là lĩnh vực có thế mạnh đặc biệt của Mỹ. Như chúng ta thấy mới đây, chỉ trong khoảng 10 ngày hàng loạt ngân hàng tên tuổi của Mỹ sụp đổ. Song không vì thế cả hệ thống ngân hàng Mỹ bị chao đảo. Họ vẫn bảo lãnh, mua bán, và có những công cụ hiệu quả để điều tiết, ngăn chặn khủng khoảng dây chuyền.

“Điều này cho thấy thị trường tài chính - ngân hàng Mỹ có tuổi đời hàng trăm năm với bề dày kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính dồi dào. Nếu chúng ta mở rộng hơn về lĩnh vực này tôi tin vẫn đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư tài chính đến từ Mỹ” - ông Toàn khẳng định

“Gió tầng nào gặp mây tầng đó”

Muốn thu hút DN lớn của Mỹ, theo ông Toàn bản thân chúng ta phải mạnh, như cách nói vui là “gió tầng nào sẽ gặp mây tầng đó”. Mạnh ở đây là nói về trình độ, năng lực, quy mô, cơ sở hạ tầng, khung khổ pháp lý…

Cụ thể, muốn đón được nhà đầu tư đến từ Mỹ, Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực tốt có trình độ, có chất lượng cao để tiếp thu được các dự án có chất lượng cao. Thời gian Intel mới vào Việt Nam đã từng gặp vướng về nguồn nhân lực.

Thế nên, lần này các DN lớn của Mỹ đến Việt Nam khảo sát để triển khai hợp tác đầu tư trong đổi mới sáng tạo, tạo lập các cứ điểm về công nghệ, đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực tốt, tương ứng với trình độ sản xuất theo yêu cầu của các DN Mỹ. Thực tế, hiện nay đội ngũ lao động trình độ cao, đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư tuyển dụng, là điều Việt Nam đang thiếu và cần phải bắt tay làm ngay.

Tiếp đến, đội ngũ DN cũng cần nâng cao về chất lượng để có thể tương thích được với chuỗi sản xuất của DN Mỹ. Nếu chúng ta không có chính sách tốt để DN trong nước phát triển, vươn lên, tiếp cận công nghệ tốt và hợp tác với nước ngoài tốt, sẽ không thể phát triển được.

Chúng ta vẫn cảnh báo tình trạng DN Việt tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị ở phân đoạn thấp, chủ yếu ở lao động giản đơn với những khâu sản xuất gia công như bao bì, linh kiện đơn giản… Rõ ràng, chúng ta cần có những chính sách thích đáng để DN Việt có thể hợp tác sâu hơn với DN nước ngoài.

Phân tích sâu hơn, ông Toàn cho rằng trước đây với DN FDI chúng ta dùng công cụ ưu đãi bằng thuế (miễn, giảm…) là chủ yếu. Nay theo số liệu tính toán các DN FDI đang đóng thuế ở mức trung bình hơn 12%/năm, tức mức thấp hơn cả thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay (15%). Một số tập đoàn lớn vào Việt Nam như các tập đoàn công nghệ thậm chí còn đóng thấp hơn rất nhiều, chỉ 6-8%/năm.

Thuế tối thiểu toàn cầu ra đời gần như đã xóa các ưu đãi này. Theo đó, những ưu đãi thuế trước đây, nay Việt Nam không thể áp dụng được nữa. Do đó, chúng ta càng phải tính đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng DN để tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, muốn phát triển DN Việt, đặc biệt là DN công nghệ, cần đầu tư phát triển các quỹ về công nghệ, nhất là quỹ về đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia. Tăng sức mạnh cho 2 quỹ này để áp dụng, hoàn toàn nằm trong nội luật có thể áp dụng được. Tuy nhiên, lâu nay các quỹ này bị đóng băng, nhiều thủ tục phiền hà, DN rất khó tiếp cận, đây là điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ.

Ngoài ra, nhà đầu tư Mỹ rất cần tính minh bạch trong quản trị, tài chính, khung khổ pháp lý, hạn chế tối đa những chi phí không chính thức đối với DN. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều nguồn vốn FDI có chất lượng, đòi hỏi chúng ta phải mạnh tay cải thiện môi trường đầu tư, giảm những chi phí không chính thức.

Các DN Mỹ cũng rất tôn trọng và đề cao tính bản quyền, tính sở hữu trí tuệ về công nghệ, về sản phẩm. Chúng ta cũng cần phải chú trọng về việc này.

Cuối cùng, Việt Nam cần tính đến cơ chế ưu đãi khác đối với các DN FDI nói chung và DN Mỹ nói riêng. Ưu đãi đó không phải là về thuế, mà về sự phối hợp với họ để cùng đào tạo nguồn nhân lực chẳng hạn, tạo điều kiện khung khổ pháp lý để xây dựng các trung tâm về đổi mới, về công nghệ như của Samsung chẳng hạn.

Phái đoàn DN Mỹ đến Việt Nam vừa rồi khá “hùng hậu”, nhiều DN “đại bàng” với nhiều lĩnh vực khác nhau. Song, để hiện thực hóa được việc hợp tác đầu tư có lẽ còn là câu chuyện dài. Trước mắt, một số lĩnh vực khả thi nhất có thể hợp tác ngay, hiện thực hóa bằng những dự án cụ thể.

Các tin khác