Trong dự thảo Thông tư quy định thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức sử dụng vốn nhà nước và Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra lấy ý kiến nhằm thay thế Thông tư 01/2007/TT-NHNN. Theo đó có nội dung cho phép NH thu phí nộp tiền mặt với mức không quá 0,05% số tiền nộp. Điều này dấy lên nhiều ý kiến lo ngại người dân sẽ đắn đo khi gửi tiền tiết kiệm vào NH.
Gửi vào, rút ra đều chịu phí
Trước khi đưa ra dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt, Thông tư 01/2007/TT-NHNN quy định mức phí rút tiền mặt từ 0-0,05%/giá trị tiền mặt. Song trên thực tế, mỗi NH áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản, do vậy theo NHNN chưa ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại Thông tư này, NHNN quy định rõ các tổ chức tín dụng (TCTD) được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt của khách hàng, nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai. Đồng thời, TCTD được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình, nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán và cũng phải niêm yết công khai.
Mục đích của thông tư này nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Thực tế, trong Luật TCTD có quy định, NHTM được quyền thu các loại phí kể cả phí giao dịch tiền mặt. Đồng thời, Nghị định 22 của Chính phủ cũng quy định TCTD được thu phí và yêu cầu đặt ra đối với NHNN là phải quy định trần mức phí. Vì vậy, NHNN ban hành Thông tư này để chặn trần lại.
Quy định thu phí giao dịch tiền mặt của NHNN nhằm hướng đến mục tiêu giảm giao dịch tiền mặt, giảm chi phí cho việc in tiền, vận chuyển tiền, chi phí giao dịch của khách hàng, đồng thời thực hiện mục tiêu định hướng người dân chuyển sang giao dịch bằng tài khoản, giao dịch thông qua kênh NH điện tử. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống giao dịch trực tuyến, các thiết bị hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển, thu phí giao dịch tiền mặt là điều bất cập. TS. Cao Sỹ Kiêm, |
Trước khi thông tư này được đưa ra, nhiều NHTM cũng đã thu phí giao dịch tiền mặt đối với khách hàng nộp tiền vào tài khoản thanh toán mở ở tỉnh, thành khác nơi mở tài khoản với mức phí dao động từ 10.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chẳng hạn tại DongABank, nếu khách hàng nộp tiền mặt vào tài khoản mở ở tỉnh, thành phố khác sẽ trả phí 0,033% số tiền nộp (đã bao gồm VAT), tối thiểu 11.000 đồng và tối đa 990.000 đồng.
Tại VPBank, nộp hoặc rút tiền mặt từ tài khoản thanh toán VNĐ khác tỉnh, thành phố nơi mở tài khoản, khách hàng phải nộp phí 0,02%, tối thiểu 10.000 đồng và tối đa 1 triệu đồng; đối với tài khoản ngoại tệ là USD, mức phí 0,2% và tài khoản ngoại tệ khác phí 0,4%. Theo biểu phí dịch vụ Sacombank niêm yết, mức phí khách hàng nộp tiền mặt vào tài khoản 0,027%, tối thiểu 15.000 đồng và tối đa 900.000 đồng. Nhiều NHTM quốc doanh cũng tiến hành thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản mở ở tỉnh, thành phố khác.
Cụ thể, tại Vietcombank, nếu chủ tài khoản thực hiện nộp tiền mặt ở chi nhánh khác tỉnh, thành phố với chi nhánh nơi mở tài khoản phải đóng phí 0,03%. Trước nay, các giao dịch chuyển tiền vào tài khoản tại NH chủ yếu là chuyển tiền cho tài khoản khác ở cùng hoặc khác NH.
Nhưng việc chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác trong cùng hệ thống nhiều NHTM không thu phí, nên người dân thường chọn nộp tiền vào tài khoản tại NH, hoặc đến máy ATM chuyển sang tài khoản khác trong cùng hệ thống để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nếu thông tư này có hiệu lực, những giao dịch chuyển tiền vào tài khoản của chính mình hay mở cùng tỉnh, thành cũng có thể mất phí.
Giảm động lực gửi tiền
Mặc dù quy định trước đây đã cho phép NHTM có thể thu phí giao dịch tiền mặt và dự thảo thông tư này chỉ quy định để chặn trần, song nếu áp dụng các khách hàng nhỏ lẻ, người lao động có thu nhập thấp sẽ chịu thiệt thòi. Hiện nay, theo biểu phí quy định, khách hàng mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại NH chịu rất nhiều loại phí.
Cụ thể, khi mở tài khoản, hầu hết NH không thu phí nhưng yêu cầu khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 10.000-50.000 đồng, khi rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi thanh toán, khách hàng phải mất phí 0,01-0,03% tùy theo từng NH. Ngoài ra còn các mức phí khác như phí định kỳ hàng tháng nếu khách hàng đăng ký dịch vụ mobile banking, internet banking; phí chuyển khoản từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản khác…
Việc áp dụng mức phí thế nào tùy thuộc vào sự cạnh tranh giữa các NH. Một khi không bắt buộc, NH có nhu cầu hút tiền mặt sẽ không thu phí; NH thừa thanh khoản, không muốn hút tiền có thể thu phí. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nếu NH nào thu phí phải xem xét lại cách kinh doanh. Bởi NH thu phí đồng nghĩa với việc để mất khách hàng. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn là kinh tế tiền mặt, toàn bộ hệ thống buôn bán nhỏ lẻ đều sử dụng tiền mặt, nếu NH thu phí sẽ tự hại mình. TS. Trần Du Lịch, |
Tại một số NH, nếu chuyển tiền tại quầy với 1 triệu đồng, khách hàng phải chịu phí lên đến 22.000 đồng. Trong khi đó, số tiền gửi thanh toán và số tiền duy trì trong tài khoản chỉ được áp dụng lãi suất không kỳ hạn 0,3-1%/năm, nhưng NH có thể luân chuyển tiền trong tài khoản này với lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm cũng ở mức 2,08%/năm.
Vài năm gần đây, các công ty đã thực hiện chi trả lương qua NH, nhưng để tiết kiệm chi phí, nhiều người không rút tiền tại máy ATM mà đến NH thực hiện giao dịch để không phải trả phí. Vì vậy, nếu áp thêm mức phí theo thông tư mới, người lao động có thu nhập thấp sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi.
Về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế chia sẻ trong điều kiện công nghệ hiện đại như internet banking, mobile banking phát triển, người dân sẽ chủ động tiếp cận các giao dịch trực tuyến, không giao dịch bằng tiền mặt. Nhưng hiện nay người dân chưa tin vào giao dịch trực tuyến do nhiều nguyên nhân, như không làm chủ được giao dịch, lo ngại bị tiết lộ thông tin… nên vẫn thích giao dịch trực tiếp hơn.
Vì vậy, giao dịch trực tuyến có thể là xu hướng của tương lai. Từ thực tế này, có chuyên gia cảnh báo hiện nay người dân chủ yếu giao dịch với NH bằng tiền mặt, trong khi NH huy động vốn của người dân cũng bằng tiền mặt. Vì vậy, nếu NH thu phí giao dịch tiền mặt sẽ gây khó khăn đối với việc huy động vốn.
Theo đó sẽ làm mất động lực gửi tiền của người dân, hạn chế người dân mở tài khoản, chuyển sang giữ tiền mặt để chi tiêu. Nếu muốn người dân ưu tiên giao dịch qua tài khoản, NH cần giảm phí nộp tiền mặt, phí chuyển tiền nội bộ và liên NH, đồng thời đảm bảo nhu cầu giao dịch của người dân trong những ngày nghỉ. Phí nộp tiền chỉ nên thu đối với những khách hàng nộp số tiền lớn hoặc các đối tượng hoạt động sản xuất kinh doanh, những người có thu nhập thấp nên miễn phí để khuyến khích họ giao dịch không dùng tiền mặt.
Đầu tư hạ tầng thay vì thu phí
Theo Hội Thẻ NH Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2013, tổng số lượng thẻ của 50 tổ chức phát hành đạt hơn 66,2 triệu thẻ, tăng hơn 20% so với năm 2012, tổng doanh số thanh toán thẻ đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 23,37% so với 2012. Về cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch thanh toán thẻ, hiện cả nước đã lắp đặt được khoảng 15.300 ATM và gần 130.000 POS. Đến hết quý I-2014, số lượng thẻ NH đã đạt hơn 68,5 triệu thẻ và đã có 15.500 máy ATM, gần 138.000 POS cho nhu cầu không dùng tiền mặt của người dân.
Tuy nhiên, dù số lượng thẻ không ngừng tăng cao, doanh số thanh toán qua thẻ có khởi sắc, nhưng người dân chủ yếu sử dụng thẻ NH để rút tiền mặt. Bởi hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ chỉ tập trung ở các trung tâm mua sắm cao cấp, siêu thị, nhà hàng… còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của người dân.
Hiện tại, nhiều quốc gia đã hoàn thiện việc thanh toán không dùng tiền mặt, trong khi tại Việt Nam hơn 90% tổng số giao dịch mỗi ngày trong nền kinh tế ở khu vực dân cư và doanh nghiệp là sử dụng tiền mặt.
Nguyên nhân do sử dụng tiền mặt là thói quen từ rất lâu và người dân chưa được tiếp xúc với các phương tiện thanh toán hiện đại. Đến thời điểm này, chỉ mới có một bộ phận người có thu nhập cao tiếp cận với thanh toán không dùng tiền mặt còn đại đa số vẫn chưa biết đến phương thức này.
Hành lang pháp lý hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt tuy được cải thiện nhưng chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ nên các hoạt động liên quan đến thanh toán điện tử, thương mại điện tử vẫn gây lo ngại cho người sử dụng.
Đặc biệt, gần đây, rủi ro khi thanh toán qua thẻ như gian lận tài khoản thẻ, sử dụng thẻ giả hoặc thông tin về các nhóm tội phạm nước ngoài ăn cắp thông tin tài khoản cá nhân gia tăng, càng khiến người dân không khỏi nghi ngại đối với hoạt động thanh toán trực tuyến.
![]() |
Thanh toán không dùng tiền mặt (qua các máy post) chủ yếu |
Có thể thấy, với hạ tầng thanh toán qua thẻ còn nhiều hạn chế hiện nay rất khó định hướng người dân chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt trong một sớm một chiều bằng giải pháp thu phí nộp tiền mặt. Kinh nghiệm ở một số nước trong thời điểm khủng hoảng, họ thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản nhưng không áp dụng đối với nội tệ, chỉ áp dụng với ngoại tệ.