1. Sự kiện khánh thành và thông xe hầm Thủ Thiêm nối hai bờ Đông-Tây sông Sài Gòn vào ngày 20-11-2011 là cột mốc có ý nghĩa lớn lao đối với TPHCM trên con đường phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng tạo động lực thúc đẩy cho cả vùng, nhất là bán đảo Thủ Thiêm.
![]() |
Hầm vượt Thủ Thiêm góp phần tạo động lực phát triển bờ Đông sông Sài Gòn. |
Trước đây, khi nói đến Thủ Thiêm trong tương lai, người ta hay liên tưởng, ví von và ước mơ một ngày nào đó sẽ như Phố Đông của Trung Quốc. Hơn hai mươi năm trước, Phố Đông (Trung Quốc) là một vùng đất nghèo được bao bọc xung quanh bởi con sông Hoàng Phố.
Vậy mà giờ đây, khu đất cằn trên dòng sông này đã trở thành một biểu tượng của Trung Hoa đại lục, nối liền hai bờ Đông và Tây của thành phố Thượng Hải. Đó là chuyện xứ người nhưng cũng có cái gì đó na ná Thủ Thiêm của chúng ta.
Cách đây 10 năm, khi nói đến Thủ Thiêm nói riêng và vùng đất quận 2 (được tách ra từ huyện Thủ Đức), người ta vẫn nghĩ đó là vùng ven, đường sá lầy lội, muỗi mòng...
Thủ Thiêm hôm nay thay đổi từng ngày: công tác đền bù giải tỏa cơ bản đã hoàn thành (98%), nhiều căn nhà đang được di dời, những con đường mới, hạ tầng kỹ thuật được xây dựng... đang hòa mình vào không khí sôi động của một thành phố là trung tâm kinh tế-tài chính năng động của cả nước.
Sự kiện thông hầm vượt sông Sài Gòn đánh dấu bước ngoặt phát triển mới cho Thủ Thiêm. Thủ Thiêm trước nay như cách biệt với “thế giới bên ngoài”.
Chỉ cách một con sông nhưng bờ Tây là một đô thị tráng lệ với những tòa nhà chọc trời, còn Thủ Thiêm là những bãi cỏ hoang, nhà cửa ọp ẹp với những con đường đất sình lầy. Hầm Thủ Thiêm thông xe thực sự đã đánh thức một Thủ Thiêm đang ngủ say vươn vai, đứng dậy.
Tạo niềm tin vững chắc cho người dân vào một Thủ Thiêm hiện đại, lộng lẫy trong tương lai không xa.
2. Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là một trong những dự án lớn của TPHCM với chiều dài 1,49km, trong đó tổng chiều dài đoạn hầm dìm dưới sông 380m, phần còn lại là đường dẫn, đảm bảo cho 6 làn xe lưu thông và có hai đường thoát hiểm cùng các thiết bị thông gió, chiếu sáng, hệ thống cấp nước, chống cháy, đo đạc độ ô nhiễm không khí và hệ thống đếm xe...
Trong sơ đồ phát triển cơ sở hạ tầng của khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngoài đại lộ Đông-Tây với 12 làn đường dành cho xe cơ giới và dự án hầm dìm Thủ Thiêm, còn có các dự án giao thông quy mô khác với 5 cây cầu chiến lược, nối bán đảo Thủ Thiêm với các khu vực trọng yếu khác của TPHCM: cầu Thủ Thiêm nối với quận Bình Thạnh; cầu Phú Mỹ nối với quận 7; cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn mới và cầu Trần Não nối trung tâm thành phố với quận 2 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong đó, đại lộ Đông-Tây được coi là điểm nhấn quan trọng nhất của cửa ngõ đi vào bán đảo, kết nối Thủ Thiêm với quận 1 và các khu vực khác của thành phố, mang lại dáng vẻ văn minh, hiện đại cho một bán đảo đậm chất Nam bộ, một đô thị xanh trên dòng sông Sài Gòn.
Mục tiêu của khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là trung tâm thương mại, tài chính của cả nước và khu vực. Điều kiện địa lý của Thủ Thiêm cùng với quy hoạch của con người, Thủ Thiêm mai này sẽ trở thành một khu đô thị mang bản sắc một đô thị sông nước nhưng hiện đại.
Hầm Thủ Thiêm thông xe đã tạo nên sức sống mới cho khu vực quận 2, nhất là những khu dân cư trục đường nối vào hầm. Khách sạn, nhà hàng, dịch vụ môi giới nhà đất mọc lên như nấm... có thể nói hầm Thủ Thiêm đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Lê Dũng, Phó Trưởng Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết một số dự án bất động sản khu vực Thạnh Mỹ Lợi phải nộp tiền sử dụng đất lên đến hàng chục triệu đồng/m2, điều mà những năm trước không ai có thể ngờ tới...
Không lâu nữa Thủ Thiêm sẽ là “Phố Đông” của Sài Gòn-TPHCM, là niềm tự hào của Đảng bộ và chính quyền và nhân dân TP nói riêng và cả nước nói chung.