Thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của phát triển kinh tế-xã hội TPHCM

(ĐTTCO) - Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp về tình hình kinh tế-xã hội của TP 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 29-6. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, đại diện các sở ngành, quận huyện...

Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc kỳ họp.
Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc kỳ họp.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, xung quanh việc phục hồi kinh tế của TP sau dịch có hai luồng ý kiến khác nhau, thứ nhất cho rằng kinh tế TP đã phục hồi tốt sau dịch, luồng ý kiến thứ hai cho rằng kinh tế TP phục hồi còn chậm, chưa đúng với tiềm năng của TP. 
Vì vậy cuộc họp này cần phân tích mổ xẻ để có đánh giá khách quan nhất từ đó có giải pháp phù hợp. Tuy nhiên theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, kinh tế TP sau dịch phục hồi khá đồng bộ, gần chạm mốc so với trước dịch. Chủ tịch TP cho biết, bên cạnh những nỗ lực của các sổ ngành để tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy kinh tế-xã hội Thành phố phát triển thì thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay.
“Điểm nghẽn “ này làm cho dòng tiền không được khơi thông, vốn không được đưa vào sản xuẩn kinh doanh từ đó không tạo công ăn việc làm cho người dân, không tạo ra ngân sách cho TP. Do đó từ nay đển cuối năm từng sở ngành phải tập trung để tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo đà cho sự phát triển trong năm 2023.
Từng sở, ngành được Chủ tịch TP yêu cầu báo cáo giải pháp liên quan đến sở mình, trong đó Giám đốc sở TNMT đề nghị nêu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai; Giám đốc Sở Xây dựng nêu giải pháp về phát triển nhà ở…
Thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của phát triển kinh tế-xã hội TPHCM ảnh 1 Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân (trái) và Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng (phải) được yêu cầu để xuất giải pháp về phát triển nhà ở và tháo điểm nghẽn về đất đai.
Về kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại cuộc họp cho biết, Kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp.
Đồng thời, TP tiếp tục chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của TP. Các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả hoạt động các Tổ công tác, tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng, nhất là góp phần giải quyết các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thực chất.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi đã được tổ chức chu đáo, tiếp nối chuỗi hoạt động thu hút sáng kiến từ giới doanh nghiệp để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tính chung 06 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,46%). Từ mức giảm sâu ở Quý III, IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%, quý II năm 2022 ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.
Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch. Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục.
Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức. Hoạt động thương mại dịch vụ từng bước được khôi phục. Thị trường hàng hóa và đời sống người dân ổn định. Các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống. Các cơ sở kinh doanh triển khai song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,3%). Các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả. Thành phố tiếp tục triển khai các Chương trình Bình ổn thị trường năm 2021[, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của TP với nguồn hàng tại các địa phương, khôi phục hoạt động các chợ truyền thống và 03 chợ đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường. Tổ chức chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” trên địa bàn TP năm 2022.

Các tin khác