Chiều 13-2, tiếp tục chuyến công tác kiểm tra các công trình giao thông trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến kiểm tra công trường Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và làm việc với các đơn vị về phương án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tiếp đó, Thủ tướng đã đến dự Lễ đón tàu hàng quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu năm tại Cảng container Tân cảng Cái Mép Thượng (khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải).
Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 2 địa phương Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 34,2km và qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 19,5km. Tổng mức đầu tư dự án gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần và đã được khởi công xây dựng vào tháng 6-2022; dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Thủ tướng phát lì xì cho công nhân thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Theo báo cáo của Bộ GTVT và các địa phương, dự án thành phần 1 (do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản) đang thực hiện công tác chuẩn bị và triển khai thi công hiện trường; dự án thành phần 2 (Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản) có 2 gói thầu xây lắp và cũng đang triển khai thi công một số hạng mục đã có mặt bằng với khối lượng đạt khoảng 3%.
Riêng đối với dự án thành phần 3 (do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản) đã triển khai thi công và đạt tiến độ rất tốt với khối lượng đạt khoảng 12%.
Dự án thành phần 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Vướng mắc chủ yếu hiện nay của dự án là công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dẫn đến tiến độ thi công không đáp ứng theo kế hoạch. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 1 mới bàn giao 5%, thành phần 2 bàn giao gần 20%.
Thủ tướng nghe báo cáo về tiến độ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Sau nghe các báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Đồng Nai vừa qua đang phải triển khai giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án hạ tầng lớn. Dođó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT, Tập đoàn Điện lực cử tổ công tác hỗ trợ Đồng Nai hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6-2024.
Về nguyên vật liệu, Thủ tướng đồng ý chủ trương lấy đất cát khai thác từ quá trình xây dựng sân bay Long Thành làm nguyên vật liệu đắp nền cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Riêng đối với dự án thành phần 3, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí 600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2023 để bổ sung cho Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai dự án trong năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu phấn đấu thông xe tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2025.
Về việc đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thành phương án nguồn vốn trong tháng 2-2024.
Dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55km, quy mô 4 làn xe đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016, là tuyến giao thông quan trọng kết nối TPHCM với vùng Đông Nam bộ, do VEC hiện đang là chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác.
Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác đến thăm, làm việc tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải
Còn tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đã chứng kiến tiếp nhận tàu container trọng tài siêu lớn cập bến và phát lệnh làm hàng đầu năm để bốc xếp những container xuất khẩu đầu Xuân Giáp Thìn 2024 trên tuyến biển xa.
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các doanh nghiệp thời gian qua đã quyết tâm, nỗ lực để đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu như hiện nay.
Phát lệnh làm hàng đầu năm tại Cảng container Tân cảng Cái Mép Thượng
Thủ tướng yêu cầu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, logistics phải cùng đồng tâm hiệp lực, chung tay xây dựng, phát triển ngành hàng hải hiện đại, hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tăng năng lực hạ tầng bến cảng và hạ tầng kết nối, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa kết nối Cái Mép với ĐBSCL và các tuyến hành lang đường thủy nội địa kết nối các khu vực Tây Ninh, Bình Dương. Khẩn trương hoàn thành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, tiếp tục nghiên cứu đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép để vận chuyển hàng hóa từ các vùng miền đến khu cảng nước sâu.