Thức ăn nhanh kiểu Việt

VietMac là một trong những công ty chuyên cung cấp thức ăn văn phòng tại Việt Nam, thành lập chưa lâu, nhưng đã thu hút đông đảo khách hàng. yếu tố tạo nên sự khác biệt, độc đáo của VietMac là thức ăn nhanh kiểu Việt - sản phẩm của sự sáng tạo dựa trên nhu cầu thực tế. Anh Ngô Trọng Thanh (ảnh), Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietMac, là một trong những người khai phá ra sản phẩm này.

VietMac là một trong những công ty chuyên cung cấp thức ăn văn phòng tại Việt Nam, thành lập chưa lâu, nhưng đã thu hút đông đảo khách hàng. yếu tố tạo nên sự khác biệt, độc đáo của VietMac là thức ăn nhanh kiểu Việt - sản phẩm của sự sáng tạo dựa trên nhu cầu thực tế. Anh Ngô Trọng Thanh (ảnh), Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietMac, là một trong những người khai phá ra sản phẩm này.

Hiện đại hóa cơm nắm 

 

Cả đời chỉ mong được sống chậm nên khi người bạn rủ đi ăn thức ăn nhanh, tôi lựa lời từ chối. Nhưng khi nghe thuyết phục rằng thức ăn nhanh VietMac vẫn có cơm tẻ và ăn nhẩn nha được, tôi xiêu lòng.

Phòng ốc mát rượi, bàn ghế tinh tươm, không gian thoáng đãng, thơm tho. Ngồi chưa ấm chỗ, cô nhân viên với nụ cười tươi rói đã đon đả mang đến một ly nước mát rồi tận tình tư vấn chọn món ăn. Tôi chọn món thịt đà điểu châu Phi với cơm tẻ Việt. Người bạn chọn nhân cá.

Chưa đầy 5 phút sau, hai suất cơm đã được mang ra. Hai bánh cơm kẹp, một ly canh rau cải thịt băm và một ly salat. Khác với nắm cơm của bà, mẹ, chị mà tôi đã mang theo suốt cả thời ấu thơ được nắm bằng mo cau nên hạt cơm bị biến dạng, cơm kẹp giữ được nguyên hình mà vẫn dẻo, dính, cầm cắn mà không bị bở như lo ngại ban đầu của tôi.

Mỗi bánh tương đương một chén cơm ép chặt, được điểm xuyết 4 hạt bắp vàng nhìn vui mắt. Cắn một miếng, nhai chầm chậm, vị béo bùi của bắp, thơm dẻo của cơm, ngọt dai của thịt… quyện lại làm tôi gật gù. 25.000 đồng/suất, ngon lành, bảo đảm. Tôi đã tìm thêm được một lựa chọn cho bữa trưa công sở.

Anh Ngô Trọng Thanh nhớ lại: “Giữa năm 2010, trên chuyến bay sang New York (Hoa Kỳ) cùng gia đình, chúng tôi được phục vụ bữa ăn nhẹ, gồm một bánh cơm ép kiểu Nhật cùng một vài món ăn khác. Bữa ăn rất ngon cho dù mọi người đều khá mệt mỏi với chuyến bay dài. Lúc ấy, một ý tưởng lóe lên trong đầu tôi: Tại sao không thương mại hóa món cơm ép này tại Việt Nam?”.

Thị trường ăn trưa văn phòng tại Hà Nội, TPHCM rất lớn, do cuộc sống và công việc ngày một khẩn trương và căng thẳng nên thời gian nghỉ trưa bị rút ngắn. Tình trạng tắc đường cũng như khoảng cách lớn giữa nơi làm việc và nơi ở đã không cho phép công chức văn phòng về nhà dùng bữa trưa. Lực lượng công chức, nhân viên văn phòng đã tạo ra một thị trường cơm trưa khổng lồ.

Tuy vậy, hàng ngày vẫn có không ít người bận tâm với câu hỏi tưởng như rất đơn giản: “Ăn gì trưa nay?”, cho dù họ có khá nhiều lựa chọn, từ cơm hộp, cơm bụi, đến cơm máy lạnh. Trong khi đó, thức ăn nhanh - sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống hiện đại, mang nét đặc trưng của văn hóa Hoa Kỳ - khi vào Việt Nam lại được Việt hóa một cách bất ngờ.

Thay vì chỉ là một bữa ăn cho cuộc sống luôn di chuyển và luôn bận rộn, khi vào Việt Nam, nó lại trở thành một bữa ăn vui cho lứa tuổi teen và các gia đình có con nhỏ. Và kết quả là mỗi quán ăn nhanh lại thành một tụ điểm gặp gỡ cho các vị khách nhí.

Trong khi đó, giới văn phòng và doanh nhân lại luôn coi nó như một loại đồ ăn không phù hợp, có thể do khác khẩu vị và thiếu tính lành đặc trưng của bữa ăn người Việt. Thực trạng này đã mở ra một thị trường cho những sản phẩm Việt hóa sản phẩm thức ăn nhanh.

Anh Thanh kể: “Ngay sau khi trở về nước, tôi cùng các cộng sự bắt tay ngay vào việc chế biến một sản phẩm thức ăn nhanh dành cho người Việt. Vào Google để tìm nhà cung cấp máy móc làm cơm kẹp, tôi phát hiện đã có một số hãng nước ngoài sản xuất rice-burger. Tôi lập tức sang Đài Loan, Singapore và Malaysia để tìm hiểu, nhưng không có nhiều thông tin, do ở những nước đó, người ta ăn cơm không nhiều như ở Việt Nam.

Trở về, tôi quyết định tự làm rice-burger của riêng mình, như một cách hiện đại hóa cơm nắm, cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, và nâng nó lên một tầm cao mới, như kiểu fast food Việt. Ông David M. Hassen (Đại học Southern Taxas, Hoa Kỳ) là thầy dạy marketing của tôi cũng khuyên tôi nên cẩn thận, vì ông e rằng người Việt Nam chưa sẵn sàng để sử dụng thức ăn nhanh.

Tuy nhiên, tôi nghĩ khi cuộc sống càng bận rộn, tính tiện dụng càng cần thiết. Chỉ có người Việt mới gọi bữa ăn là bữa cơm. Vì vậy, tôi tin vào triển vọng của sản phẩm cơm kẹp. Từ xa xưa, ông cha mình đã có thức ăn nhanh là món cơm nắm, muối vừng, sao mình không tận dụng”.

Dòng sản phẩm mới

Chọn gạo gì để nấu cơm là điều không đơn giản. Hơn 30 loại gạo được thử nghiệm, nhưng gạo thơm thì cơm không khô, loại gạo cho cơm bông lại ít nhựa. Cuối cùng, để bánh cơm vừa đủ độ dai nhưng vẫn đảm bảo độ dẻo kết dính, 3 loại gạo đặc sản đã được lựa chọn và phối trộn theo tỷ lệ hợp lý.

Nấu một nồi cơm to, khói bốc nghi ngút, hương đưa ngào ngạt, cả nhóm hăm hở xới cơm đưa vào ép. Lần đầu, lực ép mạnh nên hạt cơm bẹp dí; lần hai ép rụt rè, bánh cơm lại bở. Qua 3 tháng với hơn 200 lần điều chỉnh, tính toán thông số, nhóm mới tìm ra được lực ép lý tưởng để cho ra những bánh cơm mịn màng.

Thức ăn nhanh kiểu Việt ảnh 2Số liệu kinh doanh thực tế của VietMac cho thấy 65% khách hàng là nhân viên văn phòng, số còn lại là thanh thiếu niên, và đặc biệt các cháu bé là những khách hàng nhí trung thành thường xuyên đến VietMac ăn. Ở nhà, thường bố mẹ rất khó dỗ bé ăn hết một bát cơm, nhưng bé ăn rất nhanh một suất VietMac. Các cháu thích ăn và bố mẹ cũng rất khuyến khích, do món ăn rất lành. Hình như trong lối sống Việt, và trong tâm thức người Việt, vẫn mang hồn Việt một cách sâu sắc. VietMac thành công bước đầu do sản phẩm biết đi vào tâm thức và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam không sai khi chọn cách tiếp cận thị trường theo kiểu của các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, ta cũng có thể lựa chọn con đường phát triển bằng việc phát huy những giá trị tinh túy của dân tộc. Bằng cách này, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng những giá trị truyền thống, sử dụng có hiệu quả ngân sách hạn chế của mình và qua đó có thể góp phần vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thức ăn nhanh kiểu Việt ảnh 3

Ông NGÔ TRỌNG THANH,
Chủ tịch HĐQT VietMac

Hai bánh cơm kẹp thức ăn, cùng với salad và đồ uống, hình thức rất hamburger, nhưng khẩu vị hoàn toàn Việt. Phải mất khoảng 1 tháng các sáng lập viên mới chọn được thương hiệu thích hợp. Viet là từ chỉ quốc gia xuất xứ thương hiệu, Mac là viết tắt của cụm từ meal is absolutely convenient - bữa ăn phải thực sự tiện dụng - đúng theo tinh thần thức ăn nhanh.

Ngày 4-7-2011, VietMac - thương hiệu thức ăn nhanh kiểu Việt - chính thức ra mắt với món cơm kẹp giống như hamburger nhưng thay bánh mì bằng cơm. Đó là một bữa trưa nhanh thuần Việt, rất tiện dụng, sạch sẽ.

Bà Lê Bích Phượng, Tổng giám đốc VietMac, cho biết: Mỗi ngày, VietMac phục vụ 2 loại thức ăn mặn khác nhau trong số bò, cá, gà, heo, đà điểu. Mỗi loại thịt lại được chế biến thành nhiều hương vị, thay đổi mỗi ngày, đảm bảo không lặp lại trong vòng 2 tuần liền. Thức ăn của VietMac hạn chế dùng sản phẩm chiên, xào, được chế biến từ những nguyên liệu tươi lành nhất.

Rau sạch được thu hoạch hàng ngày từ trang trại Lộc Xuân, thuộc Tập đoàn Tonkin - dự án trồng rau sạch rộng 80ha, lớn nhất Hà Nội. Thịt sạch lấy từ siêu thị, được đăng ký tiêu chuẩn với cơ quan có thẩm quyền. Tuyệt đối không dùng phụ gia và chất bảo quản thực phẩm. Tất cả đều được chế biến trong ngày, bằng dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín.

Và quan trọng hơn, mỗi phần ăn VietMac luôn được chăm chút bởi những người thợ lành nghề, đầy trách nhiệm. Tất cả được đóng gói trong bao bì giấy, sử dụng một lần nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Những cố gắng của VietMac đã nhận được sự hưởng ứng của khách hàng.

Chị Nguyễn Ánh Tuyết, một tiểu thương, cho biết chọn cơm VietMac vì “yên tâm thức ăn an toàn, ăn ngon miệng”. Anh Lê Tiên Long, kỹ sư công nghệ thông tin, thích VietMac vì “đóng gói gọn gàng, đẹp mắt, tiện lợi”. Anh Nguyễn Tiến Sơn, chủ cửa hàng nhượng quyền VietMac ở Grand Plaza (số 117 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), hài lòng vì được hỗ trợ kỹ thuật, giúp quảng bá tốt nên khách hàng ngày một đông.

Tương hợp cuộc sống hiện đại

Anh Ngô Trọng Thanh kể: “Khi thấy logo của VietMac, nhiều khách hàng tò mò hỏi vì sao lấy biểu tượng con chim cánh cụt? Chim cánh cụt chỉ sống ở Nam cực, nơi gần như chưa có ô nhiễm, và vì vậy được coi là trong lành nhất trên thế giới. Và đó cũng là điều sản phẩm VietMac hướng tới. Ngay từ khi ý tưởng ra đời, chúng tôi đã nghiên cứu hơn 500 khách hàng để đi đến kết luận: Với phần lớn người Việt, đặc biệt chị em phụ nữ, thức ăn nhanh không tốt cho sức khỏe.

Vì vậy, VietMac luôn nỗ lực hướng tới tính fresh - lành mạnh và tốt cho sức khỏe. Nếu nhìn từ góc độ thức ăn nhanh, cơm kẹp là sản phẩm được Việt hóa. Còn nếu từ góc độ cơm nắm, thì cơm kẹp được nâng cấp và tiêu chuẩn hóa để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.

VietMac tạo ra một dòng sản phẩm mới, tiện dụng như thức ăn nhanh và lành theo khẩu vị Việt: “cơm tẻ là mẹ ruột”. VietMac cố gắng tạo ra những đồ ăn lành nhất có thể trong phạm vi thức ăn nhanh: chỉ có đồ hấp, nướng (để giảm độ béo), và rất nhiều rau, hương vị hoàn toàn thuần Việt. Tuy nhiên, để đảm bảo có thể được ăn ở các tòa nhà văn phòng, vốn sợ nặng mùi, VietMac không sử dụng nước mắm để nêm nếm. Đó là điều rất đáng tiếc!”.

Món cơm kẹp được nhiều khách hàng lựa chọn cho bữa ăn trưa. 

Món cơm kẹp được nhiều khách hàng lựa chọn cho bữa ăn trưa.

Chỉ sau nửa năm hoạt động, VietMac đã có 6 cửa hàng cơm kẹp tại Hà Nội. Ông Mã Thanh Danh, thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Kinh Đô, đã đề nghị để Kinh Đô làm cửa hàng nhượng quyền thương mại tại TPHCM và các nước châu Á.

Ông Nguyễn Thành Dương, Giám đốc điều hành VietMac, cho biết: “Khách hàng muốn các cửa hàng của chúng tôi rộng gấp 3 lần, để giảm thời gian chờ đợi trong giờ nghỉ trưa ngắn ngủi. Thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam hiện nay đang rất phát triển với 19,7 triệu lượt giao dịch mỗi năm, doanh thu 869 tỷ đồng, mức tăng trưởng khoảng 26%/năm. Mục tiêu đến cuối năm 2011 công ty sẽ phát triển từ 40 đến 60 cửa hàng nhượng quyền thương mại tại Hà Nội và từng bước mở rộng thị trường tại các đô thị lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...”.

Các tin khác