Cả nước có gần 32 triệu người sử dụng internet, trong đó số lượng người dùng internet vô tuyến qua mạng 3G đã lên hơn 16 triệu (18% dân số Việt Nam). ĐTTC trích đăng ý kiến một số chuyên gia đã gắn bó với lĩnh vực này.
Ông LÊ MẠNH HÀ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM:
Đảm bảo chủ quyền quốc gia trên mạng
Việc quản lý và phát triển internet ở Việt Nam đối mặt với 2 thách thức lớn. Đầu tiên là tính không biên giới, tốc độ lan truyền khủng khiếp cũng như tính minh bạch, rõ ràng (nhiều lúc có thể nói là trần trụi) của internet. Với internet, thông tin về một việc tốt được lan truyền với tốc độ cực nhanh, mọi người đều biết trong tích tắc.
Ngược lại, những việc xấu, thông tin có hại cũng được lan truyền với tộc độ nhanh tương tự. Để hạn chế mặt trái của internet, các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp. Nếu đưa ra các biện pháp quản lý không đúng, dựa trên sự lo sợ, quan ngại sẽ ngăn cản sự phát triển của internet.
Thứ hai, thách thức về an ninh mạng. Hiện giờ, chiến tranh trên bộ, trên không, trên biển chỉ có thể xảy ra ở phạm vi không lớn và không xảy ra thường xuyên. Nhưng chiến tranh trên mạng xảy ra từng giây, từng phút, từng giờ.
Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam phải đảm bảo được chủ quyền quốc gia trên mạng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia trong tất cả các mặt. Đây là những thách thức “cũ mà vẫn mới”, bởi đến giờ vẫn chưa có được giải pháp “trọn vẹn” nhất.
Ông LÊ HỒNG MINH, Tổng giám đốc CTCP VNG:
Nắm bắt cơ hội đầu tư mở rộng dịch vụ
Hy vọng trong 5 năm tới, số lượng người được tiếp cận và sử dụng internet tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 60 triệu người, phục vụ những nhu cầu cơ bản và hữu ích hàng ngày. Đặc biệt, sẽ có nhiều người sử dụng internet thông qua các thiết bị di động.
Trong năm 5 qua, tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh “làn sóng” internet trên máy tính (PC). Trong 5 năm tới sẽ có “làn sóng” mới là internet trên điện thoại di động, lúc đó sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư dịch vụ nội dung trên nền tảng di động.
Hiện tại ở Việt Nam, hầu hết nội dung ứng dụng trên điện thoại di động đều của các công ty lớn trên thế giới. Chưa có nhiều công ty Việt Nam có sự khởi đầu để phát triển nhanh. Trên PC, nội dung có thể mua của nước ngoài hoặc phát triển ứng dụng dựa trên mô hình thành công của nước ngoài.
Nhưng trên mobile, VNG cũng như các doanh nghiệp nội dung số, Việt Nam phải tự phát triển ứng dụng của mình, tự tạo ra sản phẩm phục vụ cụ thể cho nhu cầu của người dùng Việt Nam.
GS. ĐẶNG HỮU, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN và Môi trường:
Tác động mạnh mẽ các lĩnh vực đời sống
Sau 15 năm phát triển, số lượng người Việt Nam dùng internet đã có sự tăng trưởng rất nhanh và internet đã tác động sâu sắc, mạnh mẽ nhất đến tất cả các lĩnh vực đời sống, từ phương thức sản xuất, kinh doanh, giao tiếp, đến tư duy, lối sống...
Ngoài bộ óc con người, internet là phương tiện sản xuất quan trọng nhất và biến những tri thức tạo ra giá trị của xã hội. Thời gian tới, internet sẽ ngày càng phát triển hơn, khi đó, những chiếc máy tính sẽ thực sự trở thành người bạn đồng hành của con người và mạng internet sẽ tạo thành phương tiện sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho con người.
Ngoài ra, vào khoảng năm 2020, xã hội sẽ được tự động hóa hoàn toàn, con người chỉ kiểm soát và điều khiển mọi hoạt động từ xa.
Ông VŨ THẾ BÌNH, Tổng giám đốc Công ty Netnam:
Mặt hàng tiêu dùng phổ thông trong tương lai
Việc internet vào Việt Nam đã làm thay đổi lớn mọi mặt của đời sống và của tất cả mọi người, trở thành một phương thức mới để trao đổi, liên lạc với nhau. Tính đến tháng 10-2012, Facebook có khoảng 8,5 triệu thành viên ở Việt Nam, hay Zing Me khoảng 8,2 triệu thành viên.
Việc người dùng truy cập vào mạng xã hội để tiếp nhận thông tin, trao đổi đã tạo thành một kiểu sống mới. 15 năm trước, không bất kỳ ai có thể tưởng tượng được sự phát triển của internet ở Việt Nam như hiện nay, bởi những sự thay đổi đó diễn ra quá nhanh và rất tự nhiên.
Thời gian tới, ở Việt Nam sẽ xuất hiện sự cạnh tranh giữa các nhà mạng viễn thông, internet với các doanh nghiệp cung cấp nội dung. Lúc đó, khi lợi nhuận của các dịch vụ viễn thông, internet truyền thống giảm xuống, phải tìm cách để người dùng trả nhiều tiền hơn thông qua dịch vụ giá trị gia tăng.
5-10 năm tới, internet sẽ "thấm" vào cuộc sống một cách tự nhiên, người dùng coi internet là một “mặt hàng tiêu dùng” phổ thông như điện, nước, không khí… và những thiết bị trong nhà như tivi, tủ lạnh... cũng được nối mạng.