Tái cơ cấu nông nghiệp

Thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

(ĐTTCO) - LTS: Được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, ngày 1-12-2015, tại TP Bến Tre tỉnh Bến Tre, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Báo SGGP và Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”. Hội thảo đã nêu những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập cần khắc phục thời gian tới. Mới đây Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã ký Công văn 837/BC-UBKT13 gửi lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, kiến nghị các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. ĐTTC lược ghi một số điểm, trân trọng giới thiệu bạn đọc.

(ĐTTCO) - LTS: Được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, ngày 1-12-2015, tại TP Bến Tre tỉnh Bến Tre, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Báo SGGP và Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”. Hội thảo đã nêu những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập cần khắc phục thời gian tới. Mới đây Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã ký Công văn 837/BC-UBKT13 gửi lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, kiến nghị các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. ĐTTC lược ghi một số điểm, trân trọng giới thiệu bạn đọc.

Tạo nền tảng tiến lên sản xuất lớn

Nền nông nghiệp nước ta đang từng bước hội nhập sâu rộng. Do vậy cần quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Các sản phẩm chủ lực từng tỉnh, từng vùng, liên vùng cũng cần có định hướng phát triển rõ ràng trong chuỗi giá trị. Đồng thời, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất, xuất khẩu theo hướng sản xuất lớn hiện đại để thuận lợi cho việc cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Công tác quy hoạch cần gắn vùng sản xuất với phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, hệ thống giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất, chế biến; cải tiến công nghệ đánh bắt, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, tạo điều kiện cho lưu thông sản phẩm.

Thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng trên toàn chuỗi giá trị nông nghiệp, dẫn đến chất lượng sản phẩm không bảo đảm, hiệu quả kinh tế của các tác nhân trong chuỗi thấp. Công nghệ bảo quản lạc hậu ở khâu khai thác là một trong những hạn chế lớn nhất và là nguyên nhân làm giảm chất lượng sản phẩm và gia tăng tổn thất của ngành nông nghiệp.

Để làm được việc này phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Chuyển đổi các hộ sản xuất nhỏ lẻ sang hình thức tổ hợp tác, HTX, tăng cường giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ việc kết nối và phát triển liên kết dọc, đặc biệt giữa các doanh nghiệp với các HTX, tổ hợp tác để bảo đảm đầu ra ổn định và nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng cao thông qua các hợp đồng mua bán, hợp đồng chế biến, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm cụ thể của từng bên tham gia. Để các sản phẩm nông nghiệp Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới, cần tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Gắn phát triển KHCN với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, giá trị gia tăng cao, phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao dựa vào những tiến bộ KHCN mới, nhất là công nghệ sinh học.

Tiếp tục đổi mới chính sách KHCN, nhất là chính sách đãi ngộ theo hướng khuyến khích và phát huy tốt nguồn lực con người, thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp. Thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề, bảo đảm cho nông dân tiếp cận công nghệ mới, áp dụng trong sản xuất và khai thác các nguồn tài nguyên, sử dụng các thiết bị máy móc vào sản xuất, bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Kiến nghị chính sách phù hợp

Thực tế trong bối cảnh cạnh tranh trên bình diện toàn cầu, phải nâng cao chất lượng hàng nông sản Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nhằm tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức thực hiện tốt công tác đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy trình công nghệ, sở hữu trí tuệ liên quan đến chế biến các sản phẩm nông nghiệp cũng như tổ chức đăng ký, bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp. Tổ chức các khóa đào tạo, cung cấp thông tin, kiến thức về chuỗi giá trị cho các chủ thể; nâng cao nhận thức cho các bên về lợi ích và trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng ký kết để bảo đảm chuỗi liên kết phát triển bền vững.

Tốc độ mở rộng diện tích liên kết cánh đồng lớn còn chậm. Tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp, chỉ ở mức 20-30% đối với lúa, cao nhất trên 70%. Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về HTX nông nghiệp kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của HTX trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tập trung rà soát các chính sách, pháp luật liên quan đến các khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp, điển hình là Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020; Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 644/2014/QĐ-TTg ngày 5-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Mặt khác cần rà soát lại việc thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Có ý kiến cho rằng hàng Việt Nam muốn vào được các siêu thị trong nước rất khó khăn, trong khi đó hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác như Thái Lan… lại rất dễ dàng. Tiếp tục rà soát chính sách về đất đai, thuế và tín dụng để kịp thời hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Về cơ chế đối với chính sách đất đai, đề nghị cho doanh nghiệp trực tiếp xây dựng cánh đồng lớn được thuê đất 50 năm với mức ưu đãi được miễn tiền thuê đất 15 năm đầu.

Cần quy định những mức thuế phù hợp đối với từng hạn mức sử dụng đất nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất và xây dựng mô hình nông nghiệp quy mô lớn. Khuyến khích nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tham gia làm việc trong doanh nghiệp nhận góp vốn.

Đối với chính sách thuế, cần thực hiện miễn giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm rau quả xuất khẩu; không thu thuế nhập khẩu và xem xét cho hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các trang thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để phục vụ chế biến nông sản. Áp mức thuế giá trị gia tăng (VAT) bình đẳng đối với gạo tiêu thụ trong nước và gạo xuất khẩu. Có ý kiến đề nghị áp dụng thuế suất VAT 0% đối với gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước hoặc giữ nguyên mức thuế suất VAT 5% đối với gạo tiêu dùng trong nước, đồng thời áp thuế suất VAT 5% hoặc thu phí đối với gạo xuất khẩu. Sử dụng phí thu được từ xuất khẩu gạo để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kho chứa, triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng lớn.

Giải pháp vốn đầu tư

Thực tế nông dân, ngư dân hiện nay luôn thiếu vốn và khó vay vốn sản xuất kinh doanh. Tín dụng nông nghiệp cần mở rộng hơn nữa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đóng tàu dịch vụ thu mua hải sản trực tiếp trên biển, giảm dần các nậu, vựa trung gian không đáng có. Có chính sách cho doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết trồng rừng được vay vốn ưu đãi, với cơ chế cho vay thế chấp bằng rừng trồng và không cần tài sản bảo đảm để vay vốn, được trả nợ gốc và lãi vay một lần vào cuối chu kỳ khi khai thác.

Nghiên cứu sửa đổi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo hướng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư kho silo dự trữ nông sản, dây chuyền xay xát, chế biến nông sản. Đề nghị cho doanh nghiệp đầu tư kho chứa, dây chuyền công nghệ chế biến phục vụ dự án cánh đồng lớn được vay vốn trung hoặc dài hạn với lãi suất 0%/năm 2 năm đầu; và hỗ trợ 50% lãi suất các năm tiếp theo; vay vốn ưu đãi với lãi suất 3%/năm 3 năm đầu và lãi suất 5%/năm cho 2 năm tiếp theo để đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trao đổi với thành viên Ban tổ chức Hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu



trao đổi với thành viên Ban tổ chức Hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu, đấu tranh và đối phó với các rào cản thương mại quốc tế, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong xây dựng và phát triển chuỗi. Quản lý chặt chẽ chất lượng và giá cả vật tư nông nghiệp, đặc biệt thức ăn chăn nuôi, có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước.

Có chính sách thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính và quản trị tham gia các chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, đặc biệt đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Cần có sự phân công rõ ràng hơn trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong phát triển chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Các tỉnh cần dành sự quan tâm sâu sát hơn đối với phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp tại địa phương mình.

Các tin khác