Lan tỏa nhanh chóng đến châu Phi
Mục tiêu chính của việc sử dụng những đổi mới này trong ngành dịch vụ tài chính, là giải quyết vấn đề 3 chiều “khoảng cách - thời gian - chi phí”, thông qua việc cung cấp dịch vụ tài chính cho các bộ phận dân cư bị hệ thống tài chính truyền thống loại trừ, ở bất kỳ đâu, theo thời gian thực với chi phí tối thiểu.
Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cho phép những người không cần có tài khoản ngân hàng, cũng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu theo thời gian thực với mức giá phải chăng.
Một nghiên cứu đã điều tra tác động của sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đến mức độ tài chính toàn diện ở 168 quốc gia, trong đó có 48 quốc gia châu Phi. Kết quả cho thấy, công nghệ số có tác động tích cực đáng kể đến tài chính toàn diện. Thậm chí tỷ lệ tài chính toàn diện ở châu Phi vùng cận Sahara, tăng lên cùng với sự phát triển của công nghệ số.
Tương tự, một nghiên cứu khác ở Trung Quốc, cũng đã xem xét tác động của việc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn đến việc đưa tài chính kỹ thuật số vào vùng nông thôn Trung Quốc. Kết quả thực nghiệm cho thấy, cơ sở hạ tầng băng thông rộng góp phần đáng kể vào việc đưa tài chính kỹ thuật số vào khu vực nông thôn.
Theo một nghiên cứu bởi nhóm chuyên gia kinh tế và tài chính, với 12% giao dịch được thực hiện bởi fintech ở khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi), ngành này đang phát triển nhảy vọt dù đang ở giai đoạn đầu. Nếu thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ cần thiết để phát triển lĩnh vực này cũng như khung pháp lý phù hợp, sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển của nó.
Như vậy, vai trò tiềm năng của công nghệ tài chính như một động lực thúc đẩy và phát triển tài chính ở khu vực MENA, và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu. Bởi nó đã đem lại những lợi ích của công nghệ tài chính (fintech) đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính khu vực MENA.
Fintech ở đâu tại Việt Nam?
Nhiều nghiên cứu xuyên quốc gia nhận thấy, vai trò quan trọng của fintech trong việc đẩy nhanh tốc độ tiếp cận tài chính, lấp đầy khoảng trống mà các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống bỏ lại, và cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp với giá cả phải chăng cho người nghèo.
Thế nhưng, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ bao trùm tài chính thấp nhất, chỉ 31% người trưởng thành có tài khoản tại một tổ chức tài chính chính thức. Nhưng Việt Nam lại nằm trong số các thị trường fintech mới nổi trong khu vực, với tốc độ thâm nhập kỹ thuật số ngày càng tăng.
Nghiên cứu của một nhóm chuyên gia đã điều tra tác động của fintech đối với tài chính toàn diện ở Việt Nam, qua khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) năm 2018 và 2020. Theo đó, các hộ gia đình Việt Nam có khả năng tiếp cận thấp với tất cả các dịch vụ tài chính chính thức.
Việc sử dụng dịch vụ tài chính còn hạn chế đáng kể đối với người dân khu vực nông thôn, người thiểu số, nhóm có trình độ học vấn thấp và thu nhập thấp. Trong khi đó, sự phổ biến của việc sử dụng các sản phẩm fintech như dịch vụ ngân hàng di động, internet và thanh toán trực tuyến, có tác động đáng kể đến việc sử dụng tiền tiết kiệm, tài khoản, máy ATM và thẻ tín dụng của hộ gia đình.
Để tận dụng fintech nhằm kích thích tài chính toàn diện tại Việt Nam, các chuyên gia đã có một số khuyến nghị để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho fintech, giảm thiểu các dịch vụ tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro như cho vay ngang hàng, tiền điện tử và huy động vốn từ cộng đồng.
Vậy nhưng, tại Việt Nam hiện mới chỉ có khung pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, chưa có quy định pháp lý nào cho các dịch vụ công nghệ số khác. Do vậy, khung pháp lý hoàn thiện là điều kiện tiên quyết để khuyến khích hoạt động của các công ty fintech và các tổ chức trung gian tài chính, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, để tăng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là người thu nhập thấp ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các khu vực kém phát triển và ứng dụng công nghệ số.
Để đưa dịch vụ đến với mọi người và loại bỏ các khu vực không có dịch vụ tài chính, cần có một hệ thống chuyển mạch lớn, hiện đại, có thể kết nối với các phương tiện thanh toán mới, như một cánh tay nối dài để phát triển và đưa dịch vụ đến với người dân.
Kế đến là việc đảm bảo mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Đặc biệt, phát huy vai trò của các công ty fintech, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, và các loại hình tổ chức đặc biệt khác như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT.
Mục tiêu cơ bản là các dịch vụ tài chính được cung cấp phù hợp cho những người bị loại trừ về mặt tài chính, thông qua các kênh phân phối truyền thống đến hiện đại.
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, Chính phủ tập trung vào việc bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính trong thời đại kỹ thuật số. Cụ thể hơn, cần xây dựng khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng tài chính toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường kỹ thuật số.
Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, hướng dẫn, giáo dục cho người dân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt là tài chính số, nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cũng như ứng dụng dịch vụ tài chính trong việc sử dụng công nghệ trong giao dịch tài chính.
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ bao trùm tài chính thấp nhất, chỉ 31% người trưởng thành có tài khoản tại một tổ chức tài chính chính thức. Nhưng Việt Nam lại nằm trong số các thị trường fintech mới nổi trong khu vực, với tốc độ thâm nhập kỹ thuật số ngày càng tăng. Do vậy vấn đề khung pháp lý rất cần thiết.