Thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng nền kinh tế sáng tạo

(ĐTTCO) - Để xốc lại động lực cho tăng trưởng kinh tế, cần phải có những giải pháp căn cơ có tính dài hơi. Không chỉ đặt ra mục tiêu đạt được cho năm nay, còn phải tạo nền tảng đòn bẩy cho đà tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn.
Nền kinh tế phát triển theo hướng trung và dài hạn phải tập trung vào nền kinh tế sáng tạo.
Nền kinh tế phát triển theo hướng trung và dài hạn phải tập trung vào nền kinh tế sáng tạo.

Xây dựng nền kinh tế sáng tạo

Kinh tế Việt Nam hiện về cơ bản là nền kinh tế gia công từ công nghiệp cho đến nông nghiệp. Về công nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện về lắp ráp xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước. Nông nghiệp cũng phải nhập khẩu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… phần lao động của người Việt Nam chiếm tỷ trọng không lớn.

Một nền kinh tế như vậy không thể có phát triển bứt phá, và mắc “bẫy thu nhập trung bình” khó tránh khỏi. Muốn bứt phá, Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước, để rút ngắn con đường phát triển. Theo đó, chúng ta nhập khẩu bằng phát minh sáng chế, cải tiến, ứng dụng và thương mại hóa. Vấn đề là Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động này như thế nào.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, những định hướng chính sách thường được sử dụng, là nhà nước hỗ trợ tài chính cho các công ty tư nhân nhập khẩu bằng phát minh sáng chế các ý tưởng mới và ứng dụng (kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, mức hỗ trợ này là 70% chi phí nhập khẩu thời gian đầu, sau hạ dần).

Nhà nước cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành lập các công ty nghiên cứu và triển khai (R&D), kể cả trong và ngoài nước. Thời gian tới, các khu công nghệ cao hiện có của Việt Nam phải phát triển theo hướng chủ yếu là xây dựng các trung tâm R&D, không phải là các xí nghiệp công nghiệp hiện đại như hiện nay.

Xây dựng trung tâm nghiên cứu sáng tạo quốc gia nhưng có tính toàn cầu, và đây phải là đặc khu với tất cả thể chế hiện đại nhất, đủ sức thu hút các nhà đầu tư và sáng tạo toàn cầu tới làm việc.

Đổi mới hệ thống DN

Hệ thống DN Việt Nam hiện gồm DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân (TN). Hiện các DNNN có tỷ trọng lớn nhất chiếm khoảng 28% GDP. Một nền kinh tế mà DNNN chiếm tỷ trọng lớn, nắm giữ hầu hết nguồn lực chủ yếu của đất nước, có nguồn vốn cố định, vốn vay ngân hàng lớn nhất, nắm quyền kinh doanh các lĩnh vực độc quyền.

Thế nhưng, DNNN lại là khu vực có nhiều vấn đề và vấn nạn như nợ xấu lớn nhất, kinh doanh hiệu quả thấp, lãng phí và tham nhũng… Trong khi đó, khu vực DNTN chỉ chiếm khoảng 10% GDP, DN FDI khoảng 18%, còn lại là các hộ gia đình cá thể.

Nhìn vào cơ cấu DN trên, có thể thấy ngay nền kinh tế Việt Nam khó có thể phát triển hiệu quả. Nếu Việt Nam thực hiện tất cả cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), các DN trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh không chỉ ở khu vực, còn là cạnh tranh toàn cầu, phải cạnh tranh với các tập đoàn xuyên quốc gia tư nhân hùng mạnh trên thế giới.

Khả năng DN Việt thua ngay trên sân nhà là điều khó tránh khỏi. Trong những năm gần đây số DN trong nước ngừng hoạt động gia tăng, chỉ 40% DN hoạt động có lãi, là một minh chứng.

Chương trình tái cơ cấu DNNN đã được thực hiện nhưng theo hướng củng cố và phát triển hơn: Cổ phần hóa chỉ trong giới hạn dưới 50% vốn DN, nghĩa là các ông chủ DNNN vẫn giữ quyền quản trị DN, đồng thời mở rộng DN bằng cách tăng thêm vốn xã hội được thu hút vào.

Còn khu vực DN FDI hiện đã chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu, khoảng hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Các DN FDI ở Việt Nam chủ yếu dưới hình thức 100% vốn nước ngoài, do vậy họ không bị sức ép chuyển giao công nghệ, và hầu như không bị kiểm soát. Họ được nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, thủ tục giải phóng mặt bằng dễ dàng…

Trong khi đó, khu vực DNTN bị nhiều sức ép như khó vay vốn dù với lãi suất cao, khó tìm được mặt bằng kinh doanh và phải có “quan hệ tốt” với chính quyền các cấp, phải chịu các chi phí “tiêu cực”. Một hệ thống DN quốc gia mà DNTN bị lép vế về nhiều mặt, không thể nói đến nền kinh tế phát triển hiệu quả được.

Trong tình hình trên, việc đổi mới hệ thống DN Việt Nam là vấn đề cấp bách. Nên cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm tỷ trọng DNNN giữ cổ phần chi phối xuống mức trung bình khu vực 10-15% GDP.

Ưu tiên các DNTN Việt Nam tham gia cổ phần hóa DNNN. Sửa lại Luật Đầu tư nước ngoài theo hướng chỉ ưu đãi các DN FDI đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ hiện đại và công nghệ cao, có cam kết chuyển nhượng công nghệ cho phía Việt Nam, hạn chế các DN FDI 100% vốn nước ngoài trong một số lĩnh vực, khuyến khích liên doanh, liên kết. Sửa Luật Đấu thầu theo hướng lấy chất lượng và hiệu quả làm tiêu chuẩn quan trọng nhất; giảm các thủ tục phiền hà, nhũng nhiễu.

Quy hoạch lại kết cấu hạ tầng giao thông

Việc xây dựng kết cấu hạ tầng của Việt Nam thời gian qua đã đạt được các thành tích đáng kể, như xây dựng được hàng trăm km đường bộ cao tốc; cải thiện đường liên tỉnh, giao thông nông thôn; các cảng hàng không đã được hiện đại hóa; nhiều cảng biển đã được xây dựng.

Tuy nhiên, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là chúng ta quá chú trọng xây dựng đường bộ cao tốc, không chú ý đúng mức tới hệ thống đường sắt, đường thủy, đặc biệt là đường sắt cao tốc.

Đã đến lúc cần tập trung đầu tư cho 2 tuyến phát triển Hà Nội - Hải Phòng và TPHCM - Bà Rịa Vũng Tàu với đường sắt tốc độ cao 250km/giờ, đường thủy hiện đại, để giảm chi phí vận tải cho DN ở 2 tuyến phát triển này (có thể chiếm 1 tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, ước tính tới 70-80%).

Ưu tiên đầu tư vận tải ven biển và thủy nội địa. Nhà nước có thể hỗ trợ cho các công ty tư nhân đóng các loại tàu vận tải ven biển và phà sông biển, hỗ trợ các công ty vận tải thủy tư nhân phát triển, tổ chức nạo vét các dòng sông phục vụ vận tải, xây dựng các bến tàu thuyền ven sông.

Bên cạnh đó, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam với đường ray khổ rộng, cho tàu chạy với tốc độ cao hơn cũng cần được tính đến. Không xã hội hóa tràn lan trên các tuyến vận tải huyết mạch, làm tăng chi phí cho DN và xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với đô thị hóa theo hướng xây dựng các chuỗi đô thị chuyên ngành - công nghiệp, dịch vụ.

Các tin khác