Thực hiện 9 nhiệm vụ cụ thể để kinh tế năm 2023 tiếp tục khởi sắc

(ĐTTCO) - Một trong những nhiệm vụ cụ thể là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt chú trọng ổn định thị trường tài chính-tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Thực hiện 9 nhiệm vụ cụ thể để kinh tế năm 2023 tiếp tục khởi sắc

Chiều tối 3/1, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 để thông tin về tình hình kinh tế xã hội trong năm vừa qua.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn khẳng định: Kinh tế Việt Nam năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD. Có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó, nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%); Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%), Hưng Yên (13,4%)...

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Các cân đối lớn được bảo đảm (Thu NSNN vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng); kim ngạch XNK đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD...

9 nhiệm vụ cụ thể năm 2023

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức, hạn chế, tồn tại cần tập trung ứng phó, khắc phục, xử lý một cách quyết liệt và hiệu quả trong năm 2023 để duy trì đà tăng trưởng và đạt mục tiêu GDP năm 2023 tăng 6,5% như Quốc hội đề ra.

Người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện 9 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2023. Quốc hội 'chốt' GDP năm 2023 tăng khoảng 6,5%; bình quân đầu người đạt 4.400 USD.

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt chú trọng ổn định thị trường tài chính-tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...

Thứ hai, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Thứ ba, nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã-hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; xử lý những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, tháo gỡ những nút thắt tăng trưởng, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ năm, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn.

Thứ sáu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ bảy, phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nhất là người lao động bị mất việc làm, giảm việc làm.

Thứ tám, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm nhân dân đón Tết Quý Mão an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, mọi người đều có tết và không ai bị bỏ lại phía sau; tập trung tháo gỡ khó khăn ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, cải cách tiền lương...

Thứ chín, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ.

Các tin khác