Thuế khoán - Những điểm bất hợp lý

Câu chuyện thuế khoán những năm gần đây liên tục nóng lên: Đầu năm 2015, áp dụng quy định mới, ngành thuế không bán hóa đơn cho hộ kinh doanh cá thể, dẫn đến bất bình, khiếu nại; áp dụng cách tính thuế mới chưa đầy một năm đã lộ rõ những bất cập… Nay, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định ngoài mức thuế khoán, hộ kinh doanh muốn sử dụng hóa đơn phải mua, khiến không ít hộ bị tăng mức thuế lên gấp đôi…

Câu chuyện thuế khoán những năm gần đây liên tục nóng lên: Đầu năm 2015, áp dụng quy định mới, ngành thuế không bán hóa đơn cho hộ kinh doanh cá thể, dẫn đến bất bình, khiếu nại; áp dụng cách tính thuế mới chưa đầy một năm đã lộ rõ những bất cập… Nay, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định ngoài mức thuế khoán, hộ kinh doanh muốn sử dụng hóa đơn phải mua, khiến không ít hộ bị tăng mức thuế lên gấp đôi… 

 

Mặc dù số thu từ thuế khoán chỉ chiếm 1,8% tổng thu ngân sách nhà nước, nhưng những quy định bất hợp lý sẽ đụng đến “túi tiền” của hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể trong cả nước, trong đó đa số là người nghèo!

Lời bằng nhau nhưng thuế chênh nhau

Chị Nguyễn Thị Thúy nhà ở quận 1 nói, việc tính thuế trên “doanh thu” nhân với tỷ lệ thuế suất nghe thì đơn giản nhưng lại bất hợp lý so với tính thuế trên lợi nhuận. Chị phân tích, nếu một món hàng điện gia dụng có giá trị 100.000 đồng, bán ra chỉ 105.000 đồng, lời 5.000 đồng, nhưng phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu là 105.000 đồng nhân với thuế suất 0,5%  (tức phải nộp 525 đồng thuế); trong khi một kilôgam bún khô 20.000 đồng, bán ra 25.000 đồng, cũng lời 5.000 đồng nhưng chỉ đóng thuế trên số tiền 25.000 đồng nhân với thuế suất 0,5% (tức chỉ nộp 125 đồng).

Điều đó cho thấy, cũng mức lợi nhuận như nhau nhưng mức đóng thuế chênh nhau đến hơn gấp 4 lần. Do vậy, theo chị Thúy đề nghị, việc khoán thuế phải dựa trên đặc thù từng ngành nghề.

Tương tự, anh Vũ Hồng Khanh (quận Bình Thạnh) phân tích: Theo quy định, ngành dịch vụ gắn với hàng hóa (nhà hàng, quán ăn…) có mức thuế thu nhập cá nhân là 1,5% và thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 3%, trong khi ngành dịch vụ không gắn với hàng hóa (bác sĩ, dịch vụ giữ xe…) có mức thuế suất thu nhập cá nhân 2% và thuế GTGT 5%.

Thuế GTGT là thuế do người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ đóng, còn thuế thu nhập cá nhân là do hộ kinh doanh cá thể đóng; như vậy, mức thuế thu nhập cá nhân 1,5% và 2% giữa hai ngành có tỷ lệ lợi nhuận chênh nhau khác xa là không công bằng. Ví dụ, một quán ăn và một phòng mạch đều có doanh số 150 triệu đồng/năm thì nộp thuế gần bằng nhau, trong khi mức lợi nhuận của phòng mạch lớn hơn rất nhiều.

Bởi vì, đối với quán ăn thì đầu vào thực phẩm chiếm 50%, tiền mặt bằng chiếm 30%, nhân công chiếm 10%, cuối cùng lợi nhuận còn lại chỉ chiếm khoảng 10%, thế nhưng người nộp thuế phải chịu thuế trên toàn bộ doanh thu. Trong khi đó, những ngành dịch vụ đơn thuần như khám chữa bệnh, giữ xe… thì chỉ tốn tiền mặt bằng từ 10% đến 30%, tỷ lệ lợi nhuận đến 70% nhưng nộp thuế tương đương nhau. Có nghĩa là người lời 70 đồng với người lời 10 đồng nộp thuế thu nhập cá nhân tương đương nhau.

Anh Phạm Đức Phúc (ở Tân Bình) cho biết, nếu phân tích kỹ hơn thì ngay trong ngành dịch vụ cũng có những bất cập về mức ấn định thuế của các cơ quan thuế. Phòng mạch, bãi xe đều là ngành dịch vụ, nếu theo quy định thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân 2% và thuế GTGT 5% (tổng cộng 7%), thế nhưng một số phòng mạch lại được miễn thuế GTGT vì cho rằng không bán thuốc, chỉ phải nộp 2% tiền thuế thu nhập cá nhân thôi.

Một số phòng mạch khác nếu có bán thuốc thì không tách bạch mà nhiều nơi “lách” thành ngành “dịch vụ có gắn với hàng hóa” nên được áp tổng cộng thuế phải nộp chỉ 4,5% (1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế GTGT). Do vậy, nhiều phòng mạch nộp thuế thấp hơn… bãi xe!

Người nghèo nặng gánh, người giàu được lợi!

Về nguyên tắc, người thu nhập càng cao phải nộp mức thuế càng lớn, theo lũy tiến từng phần. Trước đây, hộ kinh doanh cá thể cũng tính thuế thu nhập cá nhân trên nguyên tắc lấy doanh thu trừ đi chi phí đầu vào, rồi nhân với thuế suất từng ngành nghề, sau đó hộ kinh doanh còn được giảm trừ gia cảnh, số còn lại nộp thuế thu nhập cá nhân. Việc tính thuế thu nhập cá nhân cũng theo mức thuế suất chung do Luật Thuế thu nhập cá nhân ấn định, lũy tiến 5% - 10% - 15% - 20% - 25% - 30% và mức cao nhất là 35%.

Thế nhưng, kể từ ngày 1-1-2015, quy định thuế khoán mới lại thay đổi từ thái cực này sang thái cực khác. Đó là khoán thuế suất theo nguyên tắc… cào bằng! Tức là lấy doanh thu nhân với một mức thuế suất ấn định.

Anh Trần Thế An (ở quận 7) đưa ra một ví dụ, trước đây anh cho thuê nhà mỗi tháng 10 triệu đồng, một năm 120 triệu đồng, anh được giảm trừ gia cảnh cho cá nhân là không phải nộp thuế. Nhưng nay, theo mức thuế suất cho thuê nhà ấn định 5% thì anh phải nộp đến 6 triệu đồng.

Trong khi đó, một người bạn của anh cho ngân hàng thuê nhà với mức 220 triệu đồng/tháng, tức một năm lên đến 2,64 tỷ đồng. Nếu theo nguyên tắc thuế thu nhập cá nhân trước đây thì lấy mức ấn định nhân với thuế suất, sau khi giảm trừ gia cảnh, bạn anh phải nộp thuế theo lũy tiến từ 5% đến 35%, còn với quy định hiện nay bạn anh chỉ phải nộp một mức thuế 5% cho toàn bộ thu nhập.

Như vậy, những người thu nhập càng cao thì càng được lợi, vì không phải nâng theo lũy tiến, trong khi những người nghèo “sát nhíp” miễn thuế (thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm được miễn thuế) thì trước đây không phải nộp, nay phải nộp.

Điều đó đã tạo ra sự bất công bằng giữa các ngành, các mức thuế suất khác nhau. Nói như ông Đặng Thế Sỹ, người gần 40 năm làm trong ngành thuế, thì các nước chỉ xây dựng thuế suất theo hướng “công bằng tương đối” nhưng lại rất công bằng, vì họ chuyên sâu vào từng lĩnh vực ngành nghề, tránh được bất cập. Trong khi, các nghị định, thông tư của Việt Nam liên tục thay đổi cách tính thuế để hướng đến “công bằng tuyệt đối”  thì lại rơi vào bất hợp lý, càng sửa càng xa thực tế…

Các tin khác