“...Cuộc đời trôi theo con nước ròng, nước lớn. Kiếp thương hồ dọc ngang phiêu dạt, đón tết xa quê mà xao xuyến trong... lòng...”.
Tiếng Thắm hát ru con trong chiếc võng lắc lư trong mui chiếc ghe buôn thật êm tai.
Trên bờ, người và xe nhộn nhịp ngược xuôi tấp nập. Những ánh đèn pha sáng rực cứ nối tiếp nhau quét sáng những con đường đầy hoa mai đang nở rộ trong đêm trừ tịch. Tết trên bờ thật vui. Dưới sông tối mịt. Bảy dòng sông xuôi về bảy ngã rộng mênh mông tràn đầy con nước lớn. Bìm bịp đêm nay bỗng dưng im phăng phắc thật lạ lùng. Cây “bẹo” ở mũi ghe đã được hạ xuống nằm chơ vơ bên cạnh mâm đồ cúng cuối năm. Con vịt luộc vàng hực nóng hôi hổi, một chai rượu đế Phong Điền, ba chén cháo thơm phức bốc khói nghi ngút. Ngồi chồm hổm trước mũi ghe, Hai Khóm lầm thầm khấn vái:
- Lạy đức Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Cửu Huyền Thất Tổ, Bà cậu dìa chứng giám, phò hộ cho vợ chồng tui buôn may, bán đắt, khỏe mạnh, năm tới con Mận được vô lớp một… Mô Phật.
Trong mui ghe, Thắm - vợ Khóm đang lui cui sửa soạn lại mấy bộ quần áo còn tươm tất để mặc trong ba ngày tết khi lên bờ. Cái đèn măng sông cuối ghe sáng hừng hực phát ra những tiếng kêu khè khè. Con Mận ngủ mê say dù hồi chạng vạng tối, nó dặn “Chừng nào trên bờ người ta bắn pháo bông, mẹ nhớ kêu con thức dậy coi chơi…”. Dặn cho có chớ mới 8-9 giờ tối nó đã chui tọt lên võng ngủ ngon lành. Tội nghiệp. Con nhỏ hồi mới sanh ra tới giờ chỉ ở trên ghe. Thú vui của nó là đùa giỡn, nựng nịu, tưng tiu với con chó phóc lai Nhật mà ngoại nó cho cách nay bốn năm. Rảnh hơn một chút nó mê coi phim hoạt hình trên “ti di” rồi cười khanh khách một mình. Thắm nhớ có lần dẫn nó lên bờ đi chợ Phong Điền, nó như người trên sao Hỏa, sao Kim rơi xuống, cứ ngơ ngơ, ngác ngác, thấy gì lạ cũng hỏi, cũng đòi mua cho bằng được, nhất là thấy mấy đứa nhỏ trên bờ ăn kem, nó đứng nhìn thật thèm thuồng đến nỗi nước miếng chảy lèm nhèm xuống ướt cả áo và không chịu bước đi. Thương con chị mua cho nó mấy cây kem rồi nhìn nó ăn ngấu nghiến mà chị không cầm được nước mắt. Đi ngang trường học thấy mấy đứa nhỏ trạc tuổi nó đeo cặp táp tới trường, nó hỏi:
- Chừng nào con mới được đi học như tụi nó hả mẹ?
- Ờ. Năm tới - Thắm nói nhỏ.
- Mẹ nói thiệt nghe - Mận hớn hở ra mặt.
Thấy con mừng rỡ ra mặt. Thắm thấy xót xa trong bụng quá chừng. Cái nghiệp thương hồ tối ngày mua bán trên sông đã đeo mang vào cuộc đời của hai vợ chồng từ gần mười năm qua và cũng chưa biết tới bao giờ chấm dứt. Vùng sông nước miệt Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá, Trà Vinh… chỗ nào vợ chồng chị cũng thuộc lòng về giá cả, sông khúc nào cạn, khúc nào sâu, khúc nào hay có sóng lớn. Đâu chỉ vậy còn phải biết tranh thủ đoạn nào nước lớn, nước ròng chạng mấy giờ để tắt máy thả rề hay chỉ chạy “ga ăng ty” cho đỡ phần hao tốn xăng cộ. Đã vậy còn phải thuộc làu làu miệt nào “hút” loại trái cây nào để chở hàng kịp chuyến. Số điện thoại mấy tay vựa trái cây các tỉnh được ghi chép cẩn thận trong cuốn tập học trò nhét ở mui ghe. Chỗ nào còn thiếu chịu, dặn hàng chuyến sau cũng được gạch đít bằng viết nguyên tử đỏ để khỏi quên.
Thắm nhớ hoài cái chuyện gặp chồng cách nay đã trên mười năm, cũng vào cái dịp gần tết. Ngày đó chị được tiếng là nết na, thùy mị nhứt cái xóm ven sông Ngã Năm Thạnh Trị. Đi học về là Thắm lao ngay vào công việc mua bán ở cái vựa trái cây với cha mẹ ở phía sau nhà. Ghe nào, ở miệt nào, chủ nhân là ai, thường bán loại trái cây nào, bao lâu tới bán một lần... chị đều nhớ rất rõ, nhớ dai nữa là đằng khác. Thấy Thắm xinh đẹp, đảm đang, nhiều chủ ghe vốn là bạn hàng thân thiết với gia đình chị ngỏ lời dạm hỏi cho con trai của họ, nhưng bao giờ họ cũng nhận được một câu trả lời khéo léo: chuyện đó tính sau, cháu nó còn đi học chưa nghĩ tới chuyện hôn nhân. Vậy mà…
***
- Năm nay bây có về quê ăn tết hôn? - Tiếng ông Tám, ba Thắm, ôn tồn hỏi chuyện người thanh niên cao dong dỏng, đang chất khóm lên vựa.
- Dạ không. Ba má con mất hết rồi. Nhà hổng còn ai. Thôi ăn tết xứ người vậy bác ơi!
- Tội chưa. Bây tên gì, bi nhiêu tuổi rồi? tuổi con gì?
- Dạ con tên Khóm. Quê ở Vị Thanh. Năm nay con hai mươi bốn tuổi, tuổi con Ngựa.
- Con Ngựa hả? Tuổi nầy lẽ ra sướng lắm sao bây cực vậy cà? Mà sao tía má bây đặt tên bây là Khóm vậy? Chắc có ẩn tình gì đây phải hôn?
- Dạ. Ba má con buôn bán trên sông đã mấy mươi năm, nhiều nhất là trái khóm nên đặt tên con là Khóm để nhớ đời vậy thôi.
- À. Thì ra là vậy. Thôi, nếu bây hổng dìa dưới ăn tết thì neo ghe ở đây ăn tết với tao cho vui. Có chi dùng chi mà - ông cười khà khà thật hào sảng.
Năm đó, gia đình Thắm có thêm một người khách lạ. Hổng biết ba chị nghĩ sao chớ thấy cái bản mặt len lén dòm chị muốn rớt con ngươi mỗi khi chị đem bánh mứt, trà rượu ra mời khách chị đã nổi xung thiên. Người đâu mà dị hợm quá trời. Đã vậy, mỗi đêm người ấy lại đem cây đờn vọng cổ ra đờn rồi cất lên nhiều bài ca mùi mẫn như oán than cho số phận lênh đênh trên sông nước của mình, như trách móc duyên số cô đơn, than vãn mối tình si đã bén mà nói chẳng nên lời. Thắm nhớ hoài cái đoạn “…Chỉ cách em vài bước chân thôi mà ngập ngừng không dám nói, kiếp thương hồ rày đây mai đó biết có ai thương để nên nghĩa vợ… chồng…”. Ban đầu nghe hát Thắm bực mình không chịu được, nhưng rồi hôm nào không nghe bài hát đó chị lại thấy trống vắng, thiếu thốn một cái gì khó tả vô chừng. Ngẫm lại cũng thấy tội nghiệp “người ta”, mồ côi cha lẫn mẹ.
Đêm mùng 2 tết năm đó, ông Hai đột ngột bệnh nặng. Khóm là người xăng xái cõng ông xuống ghe nổ máy chạy một mạch ra bệnh viện tỉnh. Bác sĩ nói chậm vài phút nữa thôi là ông đã theo ông theo bà. Ngày xuất viện, cũng chính Khóm lại cõng ông Hai xuống ghe rồi lại cõng lên tới tận giường ông với nụ cười chơn chất. Lần đầu tiên Thắm thấy nụ cười của người thanh niên ấy sao thật có duyên, thật đáng yêu rất lạ. Vậy rồi họ cưới nhau. Đám cưới làm bên đàng gái nhưng cũng rất đủ đầy bà con lối xóm.
- Thôi bây “giải nghệ” cái nghiệp đi bán trên sông đi. Còn tính tới tương lai xấp nhỏ nữa - ông Hai khuyên Khóm.
- Con hiểu ba má thương tụi con lắm. Nhưng con buôn bán cũng quen rồi, lên bờ buồn lắm, đi vầy cũng để nhớ về ba má con hồi còn sống. Vả lại bây giờ buôn bán cũng không mấy vất vả như trước. Máy móc, ghe cộ, giờ tiện lợi và nhanh lắm, có gì thì cứ “a lô” là xong mà - Khóm chống chế.
Biết tánh khí thằng rể nên ông không bàn tới bàn lui nữa. Vậy là vợ chồng Khóm - Thắm lênh đênh trên sông xấp xỉ mười năm rồi. Ngần ấy thời gian nhưng chưa năm nào gia đình Khóm được sum họp với gia đình mà chỉ toàn đón tết trên sông. Buôn bán mà. Riết cũng dần quen. Mà suy cho cùng đâu phải chỉ có họ ăn tết xa nhà mà còn biết bao mảnh đời tương tự cũng đón tết trên sông. Gì chớ chiều ba mươi thì các ghe xuồng buộc san sát nhau để chuẩn bị mồi nhậu, ca hát nghêu ngao, đập bồn đập bát để giải sầu. Cánh đàn bà thì lo chuẩn bị quần áo, mứt bánh nhang đèn, đồ ăn ba ngày tết…
Chợ trên sông. Ảnh: LONG THANH |
***
Miệt mài kiếm ăn từ năm nầy qua năm nọ riết rồi chị quên bẵng việc con Mận tới nay chưa được tới lớp ngày nào.
- Anh tính coi, vụ học hành của con Mận giờ phải làm sao? Hổng lẽ để nó học bấp bõm như mình thì tội nó quá.
- Tui cũng nghĩ nát óc đây. Học ở dưới quê thì hổng ai coi chừng. Theo ghe đi bán như vầy, rày đây mai đó, học ở đâu bây giờ. Thấy nó tui cũng đứt ruột đứt gan. Hay là…
- Là sao ? anh nói đại tui nghe coi ổn hôn.
- Năm tới mình đưa con Mận dìa Thạnh Trị ở với ba má để tiện việc học hành. Xa thì nhớ nhưng cứ cái “mững” nầy thì con nhỏ “mù chữ” như chơi.
- Ờ. Anh tính vậy, tui ưng ý lắm. Còn mình?
- Mình, đầu, giò, cánh, gì nữa đây?
- Thì... chuyện... hôm trước tui nói với anh rồi đó.
- Ạ. Cái chuyện bán ghe lên bờ mần ăn hả? Thôi đi, tui nghĩ kỹ lắm rồi. Tui “ghiền” cái chuyện lông nhông trên sông nước rồi, vắng nó tui buồn lắm nhất là mỗi khi tết tới hổng được lai rai vài xị với mấy thằng bạn đồng hội đồng thuyền, ca hát đã đời trên sông, rồi ngủ phè trên ghe xuồng của mình giữa trời nước bao la…
- Thôi. Anh nói chuyện giống y chang mấy ông nhà văn nói toàn chuyện đi mây về gió, tào lao, mía lao không hà - Thắm cười trêu chọc.
- Thì tui cũng sắp thành nhà văn rồi đây. Nói thiệt nghe, mấy cha nhà báo, nhà văn viết chuyện đón tết trên sông ngon hơn tui, hay hơn tui mới là lạ - Khóm cười hể hả.
Tiếng chú Hai Tửng Sóc Trăng từ chiếc ghe bên cạnh nói vọng sang :
- Mầy cúng rồi chưa Khóm? Sắp tới giao thừa rồi. Leo qua ghe tao “quất” vài xị đón tết. Tao có mớ khô cá lóc bằm xoài cát. Ngon hết “sẩy”.
- Ê. Cha nhớ xách cây đờn qua luôn để tui “chơi” mấy bản vọng cổ cho mấy bà “lé” con mắt luôn. Tiếng chú Tám Gành Hào nói chen vào.
Tiếng lụp bụp từ những trái pháo bông đã bắt đầu kèm theo những tia sáng muôn màu xuất hiện trên bầu trời đêm. Tiếng người la ó, reo vang khắp trời làm con Mận lòm còm ngồi dậy leo xuống võng đi ra trước mũi ghe trố mắt nhìn và cười thỏa thích. Lần đầu tiên nó nhìn thấy pháo bông. Tiếng đàn ướt át của Khóm lại rung lên hòa theo giọng hát thiệt là mùi của chú Tám Gành Hào ngân lên trong đêm trừ tịch: “…Có ai hiểu được nỗi lòng của những người con xa xứ. Đón giao thừa nơi xứ người đất lạ, uống chén rượu đêm xuân mà thổn thức nhớ quê nhà…”.