Kênh tiêu thụ lâu dài trong nước
Sáng 24-5, sàn TMĐT Sendo chính thức mở bán sản phẩm vải thiều Hải Dương trên kênh trực tuyến. Chỉ 2 giờ sau khi lên sàn, 2 tấn vải đã được tiêu thụ. Trong 4 ngày Sendo mở bán (từ 24 đến hết 27-5) đã có khoảng 12 tấn vải được tiêu thụ.
Trước đó ngày 14-5, sàn TMĐT Lazada cũng mở bán, vải u trứng trắng Hải Dương. Theo ghi nhận của Lazada, sau 4 giờ của ngày đầu tiên mở bán nửa tấn vải đã được người tiêu dùng đặt mua. Đây là năm đầu tiên vải thiều Hải Dương được bán trên kênh TMĐT bên cạnh các kênh truyền thống. Số lượng vải thiều được bán trên sàn chưa lớn nhưng là tín hiệu tích cực.
Thực tế, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đã sôi động từ tháng 3, khi Sendo phối hợp Cục Xúc tiến thương mại triển khai hoạt động hỗ trợ tiêu thụ cho nông sản Hải Dương (su hào, bắp cải, cà rốt, súp lơ, cà chua) khi tỉnh này bị cách ly do dịch Covid -19.
Cũng chung tay hỗ trợ nông sản Hải Dương mùa dịch, sàn TMĐT Voso.vn đã nhanh chóng triển khai tính năng “mua chung giá rẻ” trong những ngày đầu tháng 3. Sau nông sản Hải Dương, hành tím Sóc Trăng cũng được hỗ trợ tiêu thụ mạnh trên sàn TMĐT.
Theo thống kê chỉ 10 ngày sau khi triển khai chương trình, gần 30 tấn hành tím đã được tiêu thụ thông qua Voso.vn. Việc các sàn TMĐT chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu nông sản nhất là nông sản tươi có thể chọn TMĐT trở thành hướng đi lâu dài hay chỉ dừng lại ở những chương trình giải cứu/hỗ trợ, vì nông sản nhất là nông sản tươi khi lên sàn là cả một hành trình.
Trả lời câu hỏi này với ĐTTC, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch CTCP Công nghệ Sendo, khẳng định: “Các chương trình xúc tiến tiêu thụ nông sản Sendo thực hiện tại các tỉnh với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại và Cục TMĐT, đều hướng tới mục tiêu tạo đầu ra lâu dài, không phải tiêu thụ ngắn hạn trong dịch. Đây là các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ kỹ thuật và kiến thức để các HTX và nông dân mở cửa hàng lâu dài trên sàn TMĐT của mình”.
Chia sẻ thêm với ĐTTC, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng đánh giá sự đầu tư vào việc vận hành gian hàng trên sàn TMĐT từ các DN địa phương về hình ảnh, đóng gói bao bì, các chương trình khuyến mại thúc đẩy nhu cầu mua sắm… chưa được chỉnh chu, dẫn đến tâm lý e ngại từ phía chủ gian hàng và nông dân.
Thực ra thách thức không chỉ nằm ở việc các sàn TMĐT phải “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, HTX khi mở gian hàng, làm hình ảnh, quảng bá, còn nằm ở chất lượng, cam kết giá cả và sản lượng của đơn vị cung ứng hàng hóa.
Bàn đạp để hàng ra thế giới
Bàn đạp để hàng ra thế giới
Không chỉ dừng lại ở kênh tiêu thụ trong nước, các tỉnh có sản lượng vải thiều lớn như Bắc Giang, Hải Dương đang nỗ lực đưa trái vải Việt Nam lên sàn TMĐT quốc tế. Hiện Sở Công Thương Bắc Giang đang thực hiện những thủ tục cần thiết để đưa trái vải thiều lên sàn TMĐT Alibaba.com.
Đây là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang được bán trực tuyến qua sàn TMĐT này. DN Hùng Thảo (Lục Ngạn) đang được sự hỗ trợ tích cực của Sở Công Thương Bắc Giang và đại lý Alibaba.com tại Việt Nam. Theo đánh giá, việc tham gia sàn giao dịch Alibaba.com là cơ hội bán hàng trực tuyến rất lớn với nhiều khách hàng trên toàn thế giới, không cần qua các kênh marketing, tiêu thụ truyền thống, nhằm quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang thuận lợi, nâng cao giá trị hàng hóa.
Nếu vải thiều Bắc Giang được bán thành công trên sàn TMĐT Alibaba.com, chắc chắn sẽ mở ra đường đi mới cho nhiều mặt hàng nông sản tươi của các tỉnh/thành khác trên hành trình ra thị trường thế giới.
Điều này sẽ góp phần cho nông sản giảm phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu, như vải thiều hiện phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Nhưng dù đưa hàng ra thế giới bằng phương thức nào, để đi lâu dài, bền vững các HTX, DN cũng cần rất nhiều nỗ lực.
Tại tọa đàm ứng dụng công nghệ đưa nông sản ra thế giới, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, đánh giá DN phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu và hình ảnh cho sản phẩm nông sản. Một sản phẩm được tiêu thụ tốt, hình ảnh của nó phải hấp dẫn, nhất là khi tiêu thụ qua kênh TMĐT. Đây lại là điều DN Việt hiện chưa chú tâm.
DN cũng cần nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường. Đơn cử, vải thiều Hải Dương có nhiều vị nhưng người tiêu dùng mỗi nơi lại có khẩu vị khác nhau. Như Nga thích ngọt đậm, Pháp thích ngọt thanh, trong khi ngọt có vị chua hợp với thị trường Nhật Bản…
Ngoài ra, việc đảm bảo sản phẩm của mình đạt chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc và hướng tới sản xuất xanh cũng là điều không thể bỏ qua. Tất nhiên, nỗ lực của DN cũng cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước.